Nếu căng thẳng leo thang, Trung Quốc có thể tăng điều tra doanh nghiệp Mỹ, cấm xuất khẩu vật liệu quan trọng và gây khó cho hoạt động đầu tư.
Reuters trích nguồn tin thân cận cho biết Mỹ sẽ hạn chế xuất khẩu sản phẩm sang 140 công ty Trung Quốc, gồm 20 doanh nghiệp bán dẫn, 2 công ty đầu tư và hơn 100 nhà sản xuất máy công cụ để làm chip. Đây là lần thứ 3 trong ba năm qua, Washington tung biện pháp nhằm kìm hãm ngành chip Trung Quốc.
Thông tin này làm dấy lên lo ngại Bắc Kinh trả đũa, khiến căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới leo thang. Thực tế vài năm qua, giới chức Trung Quốc vẫn tuyên bố bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp trong nước và tung ra nhiều công cụ để trả đũa Mỹ. Giới phân tích cho rằng các đòn trả đũa có thể được nước này tiếp tục dùng đến.
Đưa vào danh sách ‘không đáng tin’, đe dọa an ninh quốc gia
Tháng 5/2023, Bắc Kinh thông báo sẽ chặn một số hợp đồng của Micron tại nước này sau khi hãng chip Mỹ không vượt qua bài đánh giá về mức độ đe dọa an ninh quốc gia. Đây được coi là một trong những phản đòn đầu tiên của Trung Quốc trong cuộc chiến chip Mỹ – Trung.
Giới quan sát hiện lo ngại Intel có thể là mục tiêu tiếp theo, sau khi Hiệp hội An ninh mạng Trung Quốc (CSAC) cáo buộc công ty này “liên tiếp làm tổn hại” an ninh quốc gia và lợi ích của Trung Quốc. Họ cũng cho rằng các sản phẩm của Intel đang bán tại nước này nên bị kiểm tra.
Intel hiện là một trong các nhà cung cấp lớn nhất tại Trung Quốc về chip sử dụng trong thiết bị điện tử như máy tính cá nhân và máy chủ. Năm ngoái, 25% doanh thu của họ đến từ nền kinh tế thứ hai thế giới.
Trung Quốc cũng có thể trả đũa bằng các biện pháp khác. Ví dụ, các hiệp hội doanh nghiệp Mỹ tại nước này nhiều năm qua phàn nàn họ ngày càng gặp nhiều vấn đề, như chậm được thông quan hàng hóa và bị thanh tra nhiều hơn mỗi khi căng thẳng hai nước gia tăng.
Hồi tháng 9, Bắc Kinh thông báo đang điều tra công ty PVH (Mỹ) – sở hữu các thương hiệu thời trang Tommy Hilfiger và Calvin Klein – vì “tẩy chay bất hợp lý” bông vải Tân Cương. Việc điều tra được thực hiện “theo khuôn khổ danh sách thực thể không đáng tin”.
Danh sách này được lập từ nhiệm kỳ đầu của Tổng thống đắc cử Donald Trump, gồm một số doanh nghiệp Mỹ liên quan đến bán vũ khí cho Đài Loan, như Lockheed Martin hay Raytheon Missiles & Defense (thuộc RTX). Các công ty bị đưa vào danh sách sẽ bị cấm nhập khẩu, xuất khẩu và đầu tư vào Trung Quốc.
Kiểm soát xuất khẩu khoáng sản
Trung Quốc hiện thống trị hoạt động khai thác và xử lý đất hiếm. Từ tháng 6 năm ngoái, họ bắt đầu siết kiểm soát xuất khẩu đất hiếm.
Giữa năm ngoái nước này hạn chế xuất khẩu 8 loại gallium và 6 loại germanium với lý do an ninh quốc gia. Đây là các kim loại sử dụng phổ biến trong sản xuất chip.
Ba tháng sau đó giới chức ban hành quy định mới, siết kiểm soát một số sản phẩm than chì (graphite) sử dụng trong pin xe điện. Việc này diễn ra chỉ vài ngày sau khi Washington cấm các chi nhánh của doanh nghiệp Trung Quốc tại nước ngoài mua một số sản phẩm bán dẫn.
Tới tháng 8 năm nay, Trung Quốc tiếp tục hạn chế xuất khẩu antimony. Đây là kim loại chiến lược sử dụng trong quân sự, như đạn hay tên lửa, cũng như pin và các thiết bị quang điện.
Năm 2023, Trung Quốc chiếm 48% lượng antimony khai thác toàn cầu, sử dụng trong đạn dược, tên lửa hồng ngoại, vũ khí hạt nhân, kính nhìn ban đêm, cũng như pin và thiết bị quang điện. Năm nay, nước này chiếm 59,2% sản lượng germanium tinh chế và 98,8% gallium tinh chế, theo công ty tư vấn Project Blue.
Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 3/12 thông báo cấm xuất khẩu sản phẩm liên quan đến sản xuất chip, chất bán dẫn, gồm gallium, germanium và antimony sang Mỹ với lý do an ninh.
“Động thái này là sự leo thang đáng kể của căng thẳng trong chuỗi cung ứng, nơi khả năng tiếp cận nguyên liệu thô vốn đã eo hẹp ở phương Tây”, Jack Bedder – đồng sáng lập công ty tư vấn Project Blue cho biết.
Siết sản phẩm dùng trong quân sự và dân sự
Trung Quốc gần đây tăng cường quản lý các sản phẩm lưỡng dụng (dùng trong quân sự và dân sự). Lệnh kiểm soát xuất khẩu mới nhất có hiệu lực từ ngày 1/12.
Luật mới đưa ra một danh sách kiểm soát xuất khẩu, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp Trung Quốc công khai thông tin chi tiết về người dùng cuối cùng (end user). Việc này cho phép Bắc Kinh đánh giá tốt hơn về mức độ phụ thuộc chuỗi cung ứng với Mỹ trong lĩnh vực này.
Danh sách được dự báo sẽ gồm nhiều loại công nghệ tiên tiến mà Trung Quốc đang dẫn đầu hoặc muốn trở thành người dẫn đầu. Đó là chip, trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử và thiết bị bay không người lái (drone).
Hồi tháng 10, nước này trừng phạt 3 công ty Mỹ vì liên quan đến hoạt động bán vũ khí cho Đài Loan, trong đó có hãng sản xuất drone Skydio. Financial Times cho biết việc này khiến Skydio mất nguồn cung pin, do phần lớn pin cho drone sản xuất tại Trung Quốc.
“Khi Bắc Kinh siết kiểm soát xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp, ngành công nghiệp và toàn bộ nền kinh tế Mỹ sẽ phải trả giá đắt”, Global Times cảnh báo trong bài đăng về Skydio đầu tháng này.
Hà Thu (theo Reuters)
Nguồn tin: https://vnexpress.net/trung-quoc-tra-dua-lenh-siet-xuat-khau-cua-my-the-nao-4823297.html