Theo Nghị định 182/2024/NĐ-CP quy định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư vừa được Chính phủ ban hành, đối tượng doanh nghiệp (DN) được hỗ trợ là: DN công nghệ cao; DN có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao; DN có dự án ứng dụng công nghệ cao; DN có dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển.
Nghị định cũng quy định rõ Hạng mục hỗ trợ chi phí của Quỹ bao gồm: Chi phí đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; Chi phí nghiên cứu và phát triển; Chi phí đầu tư tạo tài sản cố định; Chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao; Chi phí đầu tư công trình hạ tầng xã hội; Và các trường hợp khác do Chính phủ quyết định.
Trong đó, chi phí đào tạo, phát triển nguồn nhân lực được hưởng mức hỗ trợ cao nhất (Hỗ trợ tối đa 50% chi phí phát sinh trong năm tài chính của dự án và thực tế đã chi cho hoạt động đào tạo phát triển nguồn nhân lực là người lao động Việt Nam); Trong khi đó chi phí R&D, chi phí đầu tư tài sản cố định mức hỗ trợ tối đa chỉ là 30% (Áp dụng đối với phần chi phí R&D đã chi trong năm tài chính là trên 240 tỷ đồng, đối với DN công nghệ cao và DN có dự án ứng dụng công nghệ cao); Đối với chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao, mức hỗ trợ tối đa chỉ là 3%; Chi phí đầu tư công trình hạ tầng xã hội mức hỗ trợ tối đa 25%.
Để được hỗ trợ, DN phải đáp ứng các tiêu chí, điều kiện tùy mức hỗ trợ, đối tượng DN được hỗ trợ và hạng mục hỗ trợ.
Tuy nhiên, đối với chi phí đầu tư ban đầu, Nghị định quy định duy nhất đối tượng được hỗ trợ chỉ là DN có dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (Mục 2, Chương III: Chính sách hỗ trợ đầu tư)
DN được nhận hỗ trợ không có các khoản nợ thuế, nợ ngân sách nhà nước quá hạn tại thời điểm nộp hồ sơ và đáp ứng các điều kiện tại các điểm a, b và c khoản 6 Điều 18 Nghị định này.
Cụ thể: Trung tâm R&D của DN được thành lập và đăng ký hoạt động đối với tổ chức khoa học và công nghệ theo pháp luật về khoa học và công nghệ; Có lĩnh vực hoạt động khoa học và công nghệ gồm các hoạt động R&D nhằm tạo ra công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, sản phẩm công nghệ cao thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển được ban hành kèm theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 3.000 tỷ đồng và phải hoàn thành giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Quyết định chấp thuận nhà đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ pháp lý có giá trị tương đương.
Ngoài ra, Dự án đầu tư trung tâm R&D có tác động tích cực đến hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và phát triển các công nghệ mới, sản phẩm mới mang tính đột phá của đất nước.
Theo nhận định của các chuyên gia, đây là mức hỗ trợ vượt trội dành riêng cho lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, AI trong bối cảnh ngành Công nghiệp bán dẫn toàn cầu đang có những thay đổi và điều chỉnh lớn, xuất hiện những xu thế mới tạo cơ hội thúc đẩy khả năng tự chủ và phát triển năng lực sản xuất bán dẫn quốc gia.
Theo Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 ban hành theo Quyết định 1018/QĐ-TTg ngày 21/9/2024, Việt Nam định hướng phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2050 theo lộ trình 03 giai đoạn:
Giai đoạn 1 (2024 – 2030): tận dụng lợi thế địa chính trị, nhân lực về công nghiệp bán dẫn, thu hút FDI có chọn lọc, phát triển trở thành một trong các trung tâm về nhân lực bán dẫn toàn cầu, hình thành năng lực cơ bản trong tất cả các công đoạn từ nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm thử của công nghiệp bán dẫn.
Giai đoạn 2 (2030 – 2040): trở thành một trong các trung tâm về công nghiệp bán dẫn, điện tử toàn cầu; phát triển công nghiệp bán dẫn, điện tử kết hợp giữa tự cường và FDI.
Giai đoạn 3 (2040 – 2050): trở thành quốc gia thuộc nhóm các quốc gia đi đầu trên thế giới về công nghiệp bán dẫn, điện tử; làm chủ nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn, điện tử.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đánh giá, cùng với hạ tầng và nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ chế, chính sách là một trong 3 trụ cột cho ngành công nghiệp bán dẫn cần tập trung hoàn thiện…
“Việc Chính phủ ban hành Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư chính là để hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghiệp bán dẫn toàn cầu…”- Bộ trưởng nhấn mạnh.