(ĐTCK) Tại hội thảo “Đón đầu chu kỳ hội phục nửa cuối năm 2024” do Công ty Chứng khoán DSC tổ chức ngày 6/7, ông Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế (Ban Kinh tế Trung ương) cho rằng, mặc dù dòng vốn ngoại rút ròng mạnh trong 6 tháng đầu năm, nhưng sẽ quay trở lại mạnh mẽ hơn trong những tháng cuối năm, khi nền kinh tế sôi động và Fed bắt đầu hạ lãi suất.
Có 2 lý do theo ông Tú Anh chính khiến cho dòng tiền vẫn đang chảy ra khỏi Việt Nam và gây áp lực lên tỷ giá: (1) chênh lệch lãi suất giữa VND và USD, (2) kỳ vọng về phá giá đồng tiền của nhà đầu tư. Để giải quyết được áp lực của tỷ giá hiện nay thì phải giải được bài toán cân đối giữa lãi suất và tỷ giá.
Ông Nguyễn Tú Anh đưa ra 2 ví dụ cụ thể để nhà đầu tư tham khảo đó là Nhật Bản và Trung Quốc. Trong đó, đồng yên đã mất giá gần 15% tính từ đầu năm, lý do là Ngân hàng Trung ương (NHTW) Nhật Bản (BoJ) vẫn cương quyết duy trì lãi suất thấp với lãi suất liên ngân hàng (TONA) chỉ ở mức 0,077-0,08% so với mức 5,25-5,5% của Mỹ là một con số chênh lệch rất lớn dẫn tới việc đồng Yên ngày càng mất giá và ảnh hưởng tới triển vọng nền kinh tế. Ngược lại, mặc dù lãi suất giữa Trung Quốc và Mỹ chênh lệch rất cao nhưng đồng nhân dân tệ chỉ bị phá giá 2,6% tính từ đầu năm, có hai lý do được đưa ra: (1) dự trữ ngoại hối của Trung Quốc rất lớn, (2) Trung Quốc có động thái bán dự trữ ngoại hối bằng đồng USD và thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài.
Chiếu sang thị trường Việt Nam, động thái của NHTW trong thời gian qua cho thấy, một mặt NHTW bán dự trữ ngoại hối, mặt khác nâng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã giúp cho tỷ giá USD/VND mất giá không quá lớn dưới 5% tính từ đầu năm. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cảnh báo nhà đầu tư cần có cái nhìn cẩn trọng đối với tỷ giá từ năm tới cuối năm và chúng ta có thể kỳ vọng việc Fed sớm hạ lãi suất sẽ phần nào giúp tỷ giá bớt căng thẳng hơn.
TS Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN Việt Nam. |
Theo chia sẻ của vị chuyên gia, mối tương quan giữa tỷ giá và thị trường chứng khoán là không quá lớn so với lãi suất, trong một môi trường lãi suất thấp như hiện nay cùng với việc nền kinh tế đang phục hồi với tốc độ tăng trưởng top đầu thế giới của Việt Nam sẽ thu hút dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài rất e sợ việc tỷ giá biến động hơn là việc tỷ giá cao hay thấp, chính vì thế ổn định tỷ giá là mục tiêu quan trọng để thu hút dòng vốn chảy vào Việt Nam.
TS. Nguyễn Tú Anh tin rằng, mặc dù dòng vốn ngoại bị rút ra mạnh trong nửa đầu năm 2024, tuy nhiên sẽ quay trở lại mạnh mẽ trong những tháng cuối năm nhờ một số yếu tố như (1) Nền kinh tế sẽ trở nên sôi động hơn trong quý 4; (2) Kỳ vọng vào việc Fed sẽ hạ lãi suất từ 1-2 lần giúp cho chênh lệch lãi suất giữa VND và USD thu hẹp và giảm áp lực lên tỷ giá; (3) Thị trường chứng khoán Việt Nam đã phát triển rất tốt và giữ được sự ổn định trong 6 tháng đầu năm bất chấp việc bị bán ròng 2 tỷ đô, rủi ro của nhà đầu tư nước ngoài bán là không quá lớn.
Với câu hỏi tỷ giá quá cao ảnh hưởng như thế nào tới nền kinh tế Việt Nam? Ông Tú Anh chia sẻ trong bối cảnh hiện nay, tỷ giá cao chưa ảnh hưởng nhiều tới nền kinh tế Việt Nam, thậm chí còn có lợi trong việc xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu giúp hàng hóa trong nước có tính cạnh tranh cao hơn. Tuy nhiên khi đồng tiền mất giá nhiều có thể ảnh hưởng tới lạm phát do giá nhập khẩu, nguyên vật liệu, xăng dầu và điện có thể sẽ phải tăng lên.
Hơn nữa, mối tương quan giữa tỷ giá và thị trường chứng khoán là không quá lớn so với lãi suất, trong một môi trường lãi suất thấp như hiện nay cùng với việc nền kinh tế đang phục hồi với tốc độ tăng trưởng top đầu thế giới của Việt Nam sẽ thu hút dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài rất e sợ việc tỷ giá biến động hơn là việc tỷ giá cao hay thấp, chính vì thế ổn định tỷ giá là mục tiêu quan trọng để thu hút dòng vốn chảy vào Việt Nam.
Nguồn: CTCK DSC tổng hợp. |
Trong khi đó, với chủ đề “Nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam”, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Điều hành, Công ty chứng khoán DSC đã giúp nhà đầu tư hiểu hơn về cách thức và lý do tại sao chứng khoán Việt Nam vẫn “mắc kẹt” khi xét duyệt nâng hạng thị trường. Ngoài ra, ông Bùi Văn Huy cũng cho rằng, giai đoạn nửa cuối năm 2024 sẽ chính là thời điểm mà nhà đầu tư cần ưu tiên gia tăng tích lũy cổ phiếu với tiềm năng nâng hạng thị trường trong 2025 và chu kỳ hồi phục dài hạn của nền kinh tế.
DSC cũng dự kiến trong quý 3/2024 sẽ chính thức chuyển sàn từ UPCOM sang sàn HoSE. Vốn hoá DSC ở thời điểm hiện tại đạt hơn 5.000 tỷ đồng.
Nguồn tin: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/ts-nguyen-tu-anh-dong-von-ngoai-se-quay-tro-lai-trong-nhung-thang-cuoi-nam-2024-post348934.html