Từ ngày 1/1/2025, các quận nội thành, huyện ngoại thành sẽ có thay đổi lớn về đơn vị hành chính cấp xã, phường.
Mới đây, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành Nghị quyết số 1286/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chính thức thông qua việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2023–2025.
Theo đó, huyện Ba Vì thực hiện việc sáp nhập ba xã Châu Sơn, Phú Phương và Tản Hồng để thành lập xã Phú Hồng.
Sau khi sắp xếp, xã Phú Hồng có diện tích tự nhiên là 16,67km2, dân số 29.153 người và giáp các xã Phú Châu, Phú Cường, Vạn Thắng cùng hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc. Sau điều chỉnh, huyện Ba Vì có 29 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 28 xã và 1 thị trấn.
Huyện Ba Vì có 29 đơn vị hành chính cấp xã. Nguồn ảnh: Tạp chí Pháp lý |
Đối với huyện Chương Mỹ, hai xã Đồng Phú và Hồng Phong hợp nhất thành xã Hồng Phú, với diện tích 7,17km2 và dân số 12.742 người, giáp các xã Đồng Lạc, Hòa Phú, Mỹ Lương, Quảng Bị, Thượng Vực và Trần Phú.
Xã Phú Nam An và Hòa Chính nhập lại thành xã Hòa Phú, có diện tích 8,01km2 và dân số 12.435 người, giáp các xã Hồng Phú, Thượng Vực, Văn Võ và các huyện Mỹ Đức, Thanh Oai, Ứng Hòa.
Sau điều chỉnh, Chương Mỹ còn 30 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 28 xã và 2 thị trấn.
Đối với huyện Mê Linh, Xã Vạn Yên sáp nhập vào xã Liên Mạc.
Sau sắp xếp, xã Liên Mạc có diện tích tự nhiên 11,31km2, dân số 23.220 người và giáp các xã Chu Phan, Tam Đồng, Thạch Đà, Tiến Thịnh, Tự Lập cùng tỉnh Vĩnh Phúc. Huyện Mê Linh sau điều chỉnh có 17 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 15 xã và 2 thị trấn.
Huyện Mỹ Đức sẽ có 20 đơn vị hành chính cấp xã. Nguồn ảnh: Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội |
Huyện Mỹ Đức thành lập xã Mỹ Xuyên từ sự hợp nhất xã Mỹ Thành và Bột Xuyên, với tổng diện tích 9,72km2 và dân số 13.136 người, giáp các xã An Mỹ, Đồng Tâm, Phúc Lâm, Thượng Lâm, Tuy Lai và huyện Ứng Hòa.
Tương tự, xã Đốc Tín và Vạn Kim được nhập thành xã Vạn Tín, có diện tích 9,62km2 và dân số 13.225 người, giáp xã Đại Hưng, xã Hùng Tiến và huyện Ứng Hòa.
Sau điều chỉnh, Mỹ Đức có 20 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 19 xã và 1 thị trấn.
Đối với huyện Phú Xuyên, các tiến hành sáp nhập gồm xã Tri Trung nhập vào xã Hồng Minh; xã Đại Thắng nhập vào xã Văn Hoàng; xã Sơn Hà và Quang Trung hợp nhất thành xã Quang Hà. Xã Nam Triều nhập vào xã Nam Phong.
Kết quả, huyện Phú Xuyên còn 23 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 21 xã và 2 thị trấn.
Huyện Phúc Thọ cũng tiến hành hợp nhất: xã Thọ Lộc và Tích Giang sáp nhập thành xã Tích Lộc, có diện tích 10,00km2 và dân số 18.554 người; xã Thượng Cốc và Long Xuyên nhập thành xã Long Thượng, diện tích 10,04km2, dân số 15.629 người.
Sau điều chỉnh, huyện còn 18 đơn vị hành chính cấp xã.
Đối với huyện Quốc Oai, xã Phượng Cách và Yên Sơn hợp nhất thành xã Phượng Sơn, với diện tích 6,97km2 và dân số 15.366 người. Đồng thời, xã Đại Thành và Tân Phú được nhập vào xã Hưng Đạo.
Sau điều chỉnh, huyện có 17 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 16 xã và 1 thị trấn.
Đối với huyện Thạch Thất, xã Dị Nậu và Canh Nậu hợp nhất thành xã Lam Sơn, diện tích 8,26km2 và dân số 24.670 người; xã Hữu Bằng và Bình Phú nhập thành xã Quang Trung, diện tích 6,84km2, dân số 31.271 người.
Sau sắp xếp, huyện có 20 đơn vị hành chính cấp xã.
Đối với huyện Thanh Oai, xã Xuân Dương và Cao Dương được sáp nhập thành xã Cao Xuân Dương, với diện tích 8,17km2 và dân số 19.373 người.
Sau sắp xếp, huyện Thanh Oai có 20 đơn vị hành chính cấp xã.
Huyện Thường Tín sẽ còn lại 27 đơn vị hành cấp xã. Nguồn ảnh: Hanoimoi.com |
Huyện Thường Tín thành lập xã Vạn Nhất từ sự hợp nhất các xã Vạn Điểm và Thống Nhất, với diện tích 7,98km2 và dân số 16.816 người. Sau sắp xếp, huyện còn lại 27 đơn vị hành chính cấp xã.
Huyện Gia Lâm thành lập xã Thiên Đức từ sự sáp nhập các xã Đình Xuyên và Dương Hà; xã Kim Đức được thành lập từ Kim Lan và Văn Đức. Huyện sau điều chỉnh có 17 đơn vị hành chính cấp xã.
Thị xã Sơn Tây sáp nhập phường Lê Lợi và Quang Trung vào phường Ngô Quyền. Sau điều chỉnh, thị xã có 13 đơn vị hành chính cấp xã.
Các quận nội thành sắp xếp đơn vị hành chính
Quận Cầu Giấy tiến hành sắp xếp và điều chỉnh diện tích tại các phường.
Cụ thể, phường Quan Hoa mở rộng diện tích lên 1,08km2 với dân số 41.378 người sau khi tiếp nhận một phần diện tích và dân số từ phường Yên Hòa (0,14km2, 7.188 người) và phường Dịch Vọng (0,05km2, 120 người). Đồng thời, phường Nghĩa Tân được điều chỉnh, tiếp nhận một phần diện tích và dân số từ phường Dịch Vọng (0,16km2, 2.750 người), phường Dịch Vọng Hậu (0,16km2, 3.380 người) và phường Nghĩa Đô (0,12km2, 2.439 người), nâng diện tích lên 1,12km2 và dân số đạt 31.536 người.
Sau sắp xếp, quận Cầu Giấy có tổng cộng 8 phường. Nguồn ảnh: VnEconomy |
Phường Yên Hòa sau khi điều chỉnh còn diện tích 1,92km2 với dân số 42.314 người. Phường Dịch Vọng được giảm diện tích còn 1,15km2, dân số 25.661 người; phường Nghĩa Đô còn diện tích 1,22km2 với dân số 33.003 người.
Sau khi hoàn tất, quận Cầu Giấy có tổng cộng 8 phường, góp phần tinh gọn bộ máy và tăng cường hiệu quả quản lý.
Tại quận Hai Bà Trưng, phường Đống Mác được nhập vào phường Đồng Nhân, tạo nên một đơn vị hành chính có diện tích 0,30km2 và dân số 18.109 người. Phường Quỳnh Lôi nhập vào phường Bạch Mai, nâng diện tích lên 0,51km2 với dân số 28.948 người. Một phần diện tích và dân số của phường Cầu Dền (0,14km2, 9.502 người) được nhập vào phường Bách Khoa, giúp phường Bách Khoa mở rộng lên 0,66km2 với dân số 20.773 người. Một phần còn lại của phường Cầu Dền (0,03km2, 2.036 người) nhập vào phường Thanh Nhàn, đưa diện tích của phường Thanh Nhàn lên 0,77km2 và dân số 22.899 người.
Sau sắp xếp, quận Hai Bà Trưng còn lại 15 phường.
Quận Ba Đình cũng thực hiện sáp nhập khi phường Nguyễn Trung Trực nhập vào phường Trúc Bạch, nâng diện tích phường này lên 0,66km2 với dân số 16.782 người.
Sau sắp xếp, quận Ba Đình có 13 phường.
Tại quận Đống Đa, phường Trung Phụng nhập vào phường Khâm Thiên, nâng diện tích phường Khâm Thiên lên 0,42km2 với dân số 22.201 người. Phường Văn Miếu và Quốc Tử Giám sáp nhập để thành lập phường Văn Miếu – Quốc Tử Giám, có diện tích 0,48km2 và dân số 17.203 người. Một phần diện tích của phường Ngã Tư Sở (0,09km2, 2.476 người) được nhập vào phường Khương Thượng, nâng diện tích phường này lên 0,43km2 với dân số 15.727 người, phần còn lại của phường Ngã Tư Sở (0,14km2, 4.645 người) được nhập vào phường Thịnh Quang, nâng diện tích lên 0,59km2 với dân số 20.593 người.
Quận Đống Đa sẽ giảm còn 17 phường. Nguồn ảnh: Dothi.net |
Một phần diện tích của phường Trung Tự (0,17km2, 4.924 người) được nhập vào phường Phương Liên, tạo thành phường Phương Liên – Trung Tự với diện tích 0,61km2 và dân số 19.844 người. Phần còn lại của phường Trung Tự (0,25km2, 7.241 người) được nhập vào phường Kim Liên, nâng diện tích phường Kim Liên lên 0,59km2 với dân số 21.707 người.
Sau sắp xếp, quận Đống Đa còn lại 17 phường.
Quận Hà Đông sáp nhập phường Yết Kiêu (0,21km2, 9.672 người) và phường Nguyễn Trãi (0,42km2, 13.305 người) vào phường Quang Trung, nâng diện tích lên 1,43km2 với dân số 43.957 người.
Sau sắp xếp, quận Hà Đông có 15 phường.
Quận Thanh Xuân thực hiện sáp nhập phường Thanh Xuân Nam (0,31km2, 16.311 người) vào phường Thanh Xuân Bắc, nâng diện tích phường lên 0,80km2 với dân số 39.953 người. Tương tự, phường Kim Giang (0,23km2, 14.998 người) được nhập vào phường Hạ Đình, đưa diện tích phường lên 0,93km2 với dân số 34.651 người.
Sau sắp xếp, quận Thanh Xuân có 9 phường.
Quận Long Biên thực hiện điều chỉnh và sáp nhập một phần diện tích của phường Sài Đồng (0,13km2, 4.817 người) vào phường Phúc Đồng, nâng diện tích phường này lên 4,66km2 với dân số 21.689 người. Phần còn lại của phường Sài Đồng (0,73km2, 13.175 người) nhập vào phường Phúc Lợi, nâng diện tích lên 6,99km2 với dân số 34.128 người. Sau sắp xếp, quận Long Biên có 13 phường.
Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Theo Nghị quyết số 1210/2016, đô thị đặc biệt được xác định có vị trí, chức năng và vai trò quan trọng, bao gồm Thủ đô hoặc trung tâm tổng hợp cấp quốc gia, quốc tế về các lĩnh vực như kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, y tế, khoa học và công nghệ.
Ngoài ra, đô thị đặc biệt còn là đầu mối giao thông và giao lưu quốc tế, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của cả nước. Theo quy định, một đô thị đặc biệt phải có quy mô dân số từ 5 triệu người trở lên, trong đó khu vực nội thành phải đạt từ 3 triệu người trở lên. Hiện tại, Hà Nội và TP. HCM là hai thành phố được xếp loại đô thị đặc biệt. Thủ đô Hà Nội có diện tích hơn 3.358km2 với dân số hơn 8,2 triệu người, trong khi TP. HCM rộng 2.095km2 với dân số gần 10 triệu người. |