Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho biết 5 tháng đầu năm, xuất khẩu dệt may đạt kim ngạch 13,1 tỉ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ. Và với những tín hiệu tích cực, khả năng các doanh nghiệp (DN) sẽ chinh phục mục tiêu xuất khẩu cả năm là 44 tỉ USD.
Đà phục hồi tích cực
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sài Gòn 3, Chủ tịch Hội Dệt may – Thêu đan TP HCM (AGTEX), cho biết với đặc thù xuất khẩu đến 70%-80% sản lượng sản xuất, ngành dệt may chịu tác động rất lớn từ những biến động của thị trường thế giới. Rút kinh nghiệm từ những thiệt hại lớn do đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu và cả thị trường tiêu thụ do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, các DN dệt may đã chủ động tìm kiếm nguồn cung thay thế, tìm thêm thị trường mới. “Nhờ sự chủ động này mà các DN không bị thiếu hụt nguyên liệu, sẵn sàng đáp ứng các đơn hàng mới và linh hoạt cạnh tranh về giá, tiến độ giao hàng” – ông Hồng nêu nhận xét.
Với ngành da giày, Việt Nam đang xếp thứ 3 trên thế giới về sản xuất giày dép, sau Trung Quốc và Ấn Độ, đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu. Ngành da giày ghi nhận kim ngạch xuất khẩu cao nhờ những lợi thế về thuế suất ở các thị trường Việt Nam đã có ký hiệp định thương mại, nhất là thị trường EU và các nước trong Hiệp định Đối tác Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam (LEFASO), xuất khẩu toàn ngành đã đạt mức tăng trưởng 2 con số trong 5 tháng đầu năm. Hiện nay, Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu. “Da giày là ngành tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là ở khối các thị trường có Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và CPTPP. Mặc dù vậy, ngành đang phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm nút thắt về chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu” – bà Xuân nói.
Cần có những giải pháp đột phá
Đi sâu vào vấn đề nguyên phụ liệu, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch VITAS, lưu ý các FTA mà Việt Nam đã ký kết đòi hỏi gắt gao về quy tắc xuất xứ. Vì vậy, nếu không sớm giải quyết được vấn đề nguyên phụ liệu, DN trong nước sẽ không được hưởng những lợi thế, ưu đãi.
Theo ông Cẩm, thời gian qua, Nhà nước đã mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vào phát triển khâu “thượng nguồn”, hướng tới tự chủ nguyên phụ liệu cho sản xuất. Tuy nhiên, thực tế nhiều dự án FDI trong lĩnh vực nguyên phụ liệu có đầu tư sản xuất tại Việt Nam nhưng chủ yếu phục vụ sản xuất nội bộ hoặc phục vụ chuỗi cung ứng, tỉ lệ nguyên liệu sản xuất nội địa được bán cho các DN dệt may trong nước còn rất ít. Chưa kể, nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc với quá nhiều lợi thế như sản lượng dồi dào, đa dạng chủng loại, giá rẻ, giao hàng nhanh… luôn tạo sức ép cạnh tranh lớn cho các DN muốn đầu tư làm nguyên phụ liệu tại Việt Nam.
Theo các DN, Việt Nam tiếp cận và thiết lập quan hệ thương mại với gần 230 thị trường. Do vậy, chính sách thay đổi của thị trường nhập khẩu sẽ có tác động mạnh mẽ tới các DN trong ngành. “Việt Nam cần nhanh chóng cải thiện và minh bạch thông tin chuỗi cung ứng sản phẩm của mình, bắt đầu từ khâu nguyên liệu, sản xuất bền vững hướng đến kinh tế tuần hoàn, có trách nhiệm với xã hội và môi trường” – bà Xuân nêu giải pháp.
Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Thái Bình (TBS Group), Chủ tịch LEFASO, phản ánh việc đáp ứng tỉ lệ xuất xứ nội khối theo yêu cầu của các FTA đang là trở ngại lớn. Do công nghiệp hỗ trợ cung ứng nguyên liệu chưa phát triển nên đến nay, các DN ngành dệt may, da giày chủ yếu làm gia công mà không phát triển khâu nguyên phụ liệu. Phần lớn nguyên liệu dùng trong sản xuất được nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước ASEAN. “Dệt may và da giày đang là 2 trong số 7 ngành công nghiệp được ưu tiên. Tuy nhiên, để tiếp tục phát triển, cần có những giải pháp đột phá để nâng cấp chuỗi giá trị ngành nhằm tạo ra những lợi ích bền vững. Để làm được điều này, cần phải thúc đẩy phát triển hoạt động của thị trường cung ứng nguyên phụ liệu theo hướng quy mô, chuẩn hóa và minh bạch. Từ đó giúp các DN trong ngành, đặc biệt là DN nhỏ và vừa nâng cao tính năng động, hiệu quả, có cơ hội vươn lên và tham gia vào chuỗi cung ứng ngành” – ông Thuấn nhìn nhận.
Xây dựng trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu
Ông Nguyễn Đức Thuấn cũng kiến nghị xây dựng khu trung tâm giao dịch phát triển nguyên phụ liệu và đổi mới sáng tạo ngành thời trang Việt Nam tại Bình Dương để hỗ trợ DN dệt may, da giày chủ động nguyên liệu sản xuất. Trung tâm này sẽ là nơi tập trung mẫu, phân phối nguyên phụ liệu, đầu tư, chuyển giao công nghệ và giao dịch giữa các DN trong và ngoài nước, giúp gỡ được nút thắt về nguyên phụ liệu.