iShares MSCI Frontier and Select EM ETF- quỹ lớn đầu tư vào thị trường cận biên và mới nổi dự kiến đóng vào 31/5/2025. Chuyên gia từ SSI đánh giá động thái trên không còn ảnh hưởng nhiều, nhưng cho thấy câu chuyện nâng hạng ngày càng cấp thiết hơn.
Ông Phạm Lưu Hưng – Kinh tế trưởng Chứng khoán SSI
Mới đây, Tập đoàn quản lý tài sản BlackRock đã thông báo giải thể quỹ iShares MSCI Frontier and Select EM ETF – một quỹ ETF chuyên đầu tư vào thị trường cận biên và mới nổi được thành lập năm 2012. Dự kiến, quỹ sẽ nắm giữ phần lớn tài sản bằng tiền mặt và các khoản tương đương tiền trong thời gian thanh lý kéo dài.Thời gian đóng không sớm hơn ngày 12/8/2024. Hiện, quỹ ETF trên dự kiến ngừng giao dịch, đồng thời, không còn chấp nhận các lệnh tạo và mua lại sau khi thị trường đóng cửa ngày 31/3/2025.
“Trong thời gian thanh lý, iShares MSCI Frontier and Select EM ETF sẽ không được quản lý theo mục tiêu và chính sách đầu tư vì quỹ sẽ bán bớt tài sản của mình. Số tiền thu được từ việc thanh lý dự kiến sẽ được gửi cho các cổ đông trong khoảng ba ngày sau ngày giao dịch cuối cùng”, thông báo từ Tập đoàn quản lý tài sản BlackRock cho hay.
Theo cập nhật đến ngày 11/6, tổng giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ đạt 400,6 triệu USD. Đứng đầu trong danh mục tài sản của iShares MSCI Frontier and Select EM ETF ở thời điểm hiện tại là tiền mặt bằng đồng VND (hơn 62 triệu USD), tương đương 15,94% NAV. Thời gian qua, quỹ đã tích cực bán cổ phiếu Việt Nam để thu tiền về. Không riêng trên thị trường Việt Nam, tỷ trọng tiền mặt và chứng khoán phái sinh trong danh mục quỹ ETF này đã tăng lên 47,11%.
Giá trị danh mục cổ phiếu Việt Nam đến ngày 11/6 giảm về còn 14,59%, tương đương khoảng 1.460 tỷ đồng. Tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam tiếp tục giảm nhanh so với mức 18% của phiên liền trước. Trước đó, Việt Nam thường xuyên là thị trường có tỷ trọng cao nhất trong danh mục của iShares MSCI Frontier and Select EM ETF. Đến cuối quý 1/2024, tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam vẫn chiếm đến 28,5% NAV của quỹ.
Đánh giá về chuyển động trên, ông Phạm Lưu Hưng – Kinh tế trưởng Chứng khoán SSI cho biết thực tế danh sách đóng các quỹ ETF của BlackRock khá dài. Với trường hợp của iShares MSCI Frontier and Select EM, theo ông Hưng, ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam không nhiều.
“Với quy mô danh mục của quỹ là 400 triệu USD, tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trước từng đạt 28% tương ứng khoảng 120 triệu USD. Quỹ đã bán ròng ra xấp xỉ 45 triệu USD. Với phần còn lại, tôi nghĩ điều này không ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, việc này cho chúng ta thấy câu chuyện xa hơn. Đó là Việt Nam không thể mãi ở thị trường cận biên”, kinh tế trưởng của SSI nhấn mạnh.
So sánh tỉ trọng của Việt Nam trong chỉ số TT cận biên và TT mới nổi – Nguồn: WB |
iShares MSCI Frontier and Select EM ETF có tên ban đầu là iShare MSCI Frontier Markets 100 ETF và tham chiếu theo chỉ số thị trường cận biên MSCI Frontier Markets 100 Index. Tuy nhiên, đến tháng 3/2021, quỹ đổi tên và lấy chỉ số MSCI Frontier & Emerging Markets Select Index làm tham chiếu. Theo ông Hưng, quyết định bổ sung thêm một số cổ phiếu từ thị trường mới nổi ba năm trước cũng là giải pháp mà BlackRock thực hiện nhằm tăng tính hấp dẫn, thu hút thêm các nhà đầu tư mua chứng chỉ quỹ.
“Một trong các quỹ lớn của thị trường cận biên đã đóng cửa, chứng khoán Việt Nam nếu ở lại sẽ không nhận được lợi ích. Các bên do vậy cần tích cực hơn cho mục tiêu nâng hạng thị trường”, ông Hưng nêu.
Theo ước tính của WB, trong trường hợp nếu MSCI và FTSE Russell nâng hạng TTCK Việt Nam lên thị trường mới nổi thì có khả năng thu hút khoảng 25 tỷ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường Việt Nam cho tới năm 2030. Nếu bước chân sang nhóm thị trường cận biên, tỷ trọng của cổ phiếu Việt Nam có thể chỉ chiếm 0,5%-1% trong cả rổ chỉ số. Tuy nhiên, xét về giá trị tuyệt đối, quy mô dòng tiền đầu tư sẽ lớn hơn rất nhiều.
Câu chuyện nâng hạng thị trường được kỳ vọng có thể là điểm nhấn thu hút dòng vốn của các nhà đầu tư. Dòng vốn ngoại đã ghi nhận làn sóng bán ròng mạnh mẽ trong các tháng đầu năm qua. Đến hết phiên 12/6, giá trị bán ròng của khối ngoại đã xấp xỉ 41.450 tỷ đồng, gần gấp 2 lần con số cả năm 2023 (hơn 22.000 tỷ đồng).
Phân tích về các nguyên nhân khiến các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng, ông Nguyễn Bá Huy, CFA – Giám đốc đầu tư – Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM), đánh giá một trong những lực bán quan trọng đến từ quyết định chốt lời, nhất là với nhóm nhà đầu tư ngoại đầu tư năm 2021 có lãi. Cùng đó, xu hướng dòng tiền Thái Lan rút ròng về mặt kỹ thuật do quốc gia này áp thuế thu nhập cá nhân với khoản đầu tư nước ngoài hay quan ngại liên quan đến vấn đề tỷ giá… cũng tác động đến dòng vốn trên.
Theo ông Huy, nhà đầu tư nước ngoài có thể còn tiếp tục bán ròng. Tuy nhiên, câu chuyện bán ròng từ khối ngoại hiện nay phần nhiều mang đến tác động tâm lý. Điều thị trường cần quan tâm nhiều hơn là dòng tiền nội khi môi trường lãi suất thấp được kỳ vọng sẽ ổn định trong 6 tháng – 1 năm tới. Cùng đó, dòng tiền ngoại đi bằng con đường qua các quỹ nội cũng đủ mạnh để các nguồn trên có thể cân lại dòng tiền.
MSCI vừa công bố Báo cáo đánh giá khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu năm 2024. Đây là một trong 3 tổ chức lớn về xếp hạng thị trường và cũng là đơn vị xây dựng chỉ số tham chiếu MSCI Frontier & Emerging Markets Select Index. Đáng chú ý, trong đánh giá của mình, MSCI nhận định Việt Nam đã có sự cải thiện trong xếp hạng đối với tiêu chí khả năng chuyển nhượng, chuyển từ trạng thái “cần cải thiện” sang “không có vấn đề lớn”.
Cụ thể, Việt Nam đã có sự cải thiện trong khả năng chuyển nhượng nhờ sự gia tăng giao dịch ngoài sàn (off-exchange) và chuyển nhượng hiện vật (in-kind transfer) từ các thay đổi về quy định. Như vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ còn 8 tiêu chí chưa được đáp ứng, gồm giới hạn sở hữu nước ngoài, “room” khối ngoại, quyền bình đẳng cho nhà đầu tư nước ngoài, mức độ tự do của thị trường ngoại hối, đăng ký nhà đầu tư & thiết lập tài khoản, quy định thị trường, luồng thông tin và thanh toán bù trừ.
Nguồn tin: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/tu-quyet-dinh-dong-quy-cua-blackrock-viet-nam-khong-the-cu-mai-o-thi-truong-can-bien-post347220.html