Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã can thiệp vào thị trường ngoại hối bằng cách bán USD từ ngày 24/10/2024, với mục tiêu kiểm soát tỷ giá và bảo vệ giá trị đồng VND trước những áp lực lớn từ thị trường quốc tế.
Trong nửa đầu năm 2024, thị trường ngoại hối Việt Nam đã đối mặt với nhiều biến động, đặc biệt là sự tăng vọt của tỷ giá USD/VND. Trong khoảng thời gian từ giữa tháng 4 đến đầu tháng 7 năm nay, NHNN đã bán ra tới 6,4 tỷ USD từ dự trữ ngoại hối để “hạ nhiệt” tỷ giá. Sau một khoảng thời gian ổn định tạm thời, tình hình lại trở nên căng thẳng hơn trong tháng 10 khi tỷ giá liên ngân hàng chạm ngưỡng giá bán USD mà NHNN phải can thiệp. Điều này dẫn đến việc NHNN bán thêm USD từ ngày 24/10 nhằm kìm hãm sự tăng vọt của tỷ giá.
Tỷ giá trung tâm được NHNN công bố ngày hôm nay là 24.260 VND, tăng khoảng 0,743% so với đầu tháng. Tỷ giá mua giao ngay được giữ nguyên niêm yết ở mức 23.400 VND/USD; tỷ giá bán giao ngay được niêm yết ở mức 25.412 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.
Trong khi đó trên thị trường liên ngân hàng (LNH), tỷ giá mở cửa ngày hôm nay ở mức 25.430 VND/USD, tăng khoảng 3,32% so với đầu tháng 10. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng 60 đồng so với phiên hôm trước, ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 25.520 VND/USD và 25.620 VND/USD.
|
||||
Tác động từ các chính sách tiền tệ quốc tế
Một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến việc NHNN phải hành động là chính sách tiền tệ của các nước lớn, đặc biệt là Mỹ. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã duy trì lãi suất ở mức cao trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang phục hồi mạnh mẽ. Trong tháng 9/2024, số lượng việc làm phi nông nghiệp tại Mỹ tăng 254.000, mức cao nhất trong 6 tháng qua. Điều này đã khiến Fed duy trì lãi suất cao hơn dự kiến, làm đồng USD tăng giá, đẩy chỉ số DXY lên gần ngưỡng 105 và gây sức ép lớn lên tỷ giá VND/USD.
Diễn biến chỉ số DXY (Dollar Index) từ đầu năm 2024 đến nay. |
Ngoài ra, chính sách nới lỏng tiền tệ của Trung Quốc cũng tạo ra những áp lực lớn đối với đồng VND. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã liên tục hạ lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc, khiến đồng Nhân dân tệ (CNY) mất giá mạnh. Ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO của AFA Capital cho rằng, “Trung Quốc đang bước vào một chu kỳ nới lỏng tiền tệ với nhiều biện pháp kích thích kinh tế. Những chính sách này có thể khiến đồng Nhân dân tệ mất giá, từ đó gây áp lực lên đồng VND”.
NHNN phát hành tín phiếu trở lại
Để đối phó với tình hình tỷ giá leo thang và kiểm soát thanh khoản, NHNN đã áp dụng các biện pháp mạnh mẽ, bao gồm việc phát hành tín phiếu nhằm hút bớt thanh khoản từ hệ thống ngân hàng. Từ ngày 18/10, NHNN đã bắt đầu phát hành tín phiếu kỳ hạn 14 và 28 ngày, với mức lãi suất từ 3,6% đến 4%. Trước đó NHNN đã hạ lãi suất OMO và lãi suất tín phiếu và sau đó dừng phát hành tín phiếu từ cuối tháng 8 khi tỷ giá đã dần ổn định.
Trong phiên giao dịch ngày 24/10/2024, NHNN đã tiếp tục can thiệp vào thị trường mở với hai nghiệp vụ chính: mua kỳ hạn (reverse repo) và bán tín phiếu kỳ hạn (sell outright). Trên kênh mua kỳ hạn, NHNN chào thầu 3.000 tỷ đồng với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 4%/năm. Kết quả, toàn bộ 3.000 tỷ đồng đã được trúng thầu, không có khối lượng đáo hạn trong ngày. Đồng thời, NHNN phát hành tín phiếu kỳ hạn 14 ngày và 28 ngày, với tổng khối lượng tín phiếu trúng thầu là 3.250 tỷ đồng (600 tỷ đồng cho kỳ hạn 14 ngày với lãi suất 3,6%, và 2.650 tỷ đồng cho kỳ hạn 28 ngày với lãi suất 4%).
Kết quả đấu thầu thị trường mở ngày 24/10 – Nguồn: Ngân hàng Nhà nước (NHNN). |
Tính riêng phiên hôm nay (24/10), NHNN đã hút ròng 250 tỷ đồng từ thị trường. Tổng khối lượng tín phiếu đã phát hành trong các phiên từ ngày 18/10 đến 24/10 là 53.750 tỷ đồng. Đồng thời, tổng lượng tiền NHNN cung cấp qua nghiệp vụ cầm cố trong cùng giai đoạn này đạt 47.014,65 tỷ đồng. Do đó, tổng lượng hút ròng từ thị trường thông qua cả hai kênh đạt 6.735,35 tỷ đồng.
Việc phát hành tín phiếu giúp NHNN kiểm soát lượng tiền trong lưu thông, ổn định lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, đồng thời giảm sức ép lên tỷ giá. Tính đến ngày 23/10/2024, lãi suất VND LNH kỳ hạn qua đêm (ON) tăng lên mức 3,83% từ mức 2,73% ngày 18/10, trong khi lãi suất USD LNH duy trì ổn định ở mức 4,83% cho kỳ hạn tương tự. Động thái hút tín phiếu trở lại của NHNN đã đẩy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng lên cao hơn và làm giảm áp lực chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND.
Lãi suất liên ngân hàng (LNH) VND và USD ngày 23/10 theo các kỳ hạn – Nguồn: VIRA, MSB Research. |
Dự báo về tình hình tỷ giá trong thời gian tới
Mặc dù NHNN đã thực hiện các biện pháp can thiệp kịp thời, nhưng tình hình tỷ giá VND/USD vẫn tiềm ẩn nhiều thách thức trong tương lai. Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, “Việc Fed duy trì lãi suất cao có thể khiến đồng USD tiếp tục tăng giá, tạo áp lực lớn lên tỷ giá VND/USD trong thời gian tới”.
Ngoài ra, sự mất giá của đồng CNY do chính sách nới lỏng tiền tệ của Trung Quốc có thể tiếp tục gây áp lực lên đồng VND, đặc biệt khi Việt Nam là một trong những đối tác thương mại lớn của Trung Quốc. Tuy nhiên, theo SCI Research, với dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt khoảng 89 nghìn tỷ USD sau khi đã thực hiện can thiệp tỷ giá trong nửa đầu năm 2024, NHNN vẫn có đủ khả năng can thiệp khi cần thiết để duy trì sự ổn định tỷ giá và hỗ trợ nền kinh tế.
Dự trữ ngoại hối của Việt Nam (Triệu USD) từ năm 2000 đến tháng 8 năm 2023 |
Động thái bán USD của NHNN từ ngày 24/10 là một biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ giá trị đồng VND trước những biến động từ thị trường quốc tế. Sự kết hợp giữa việc bán USD và phát hành tín phiếu đã giúp NHNN kiểm soát thanh khoản, ổn định tỷ giá và hỗ trợ hệ thống tài chính. Tuy nhiên, sự ổn định dài hạn của đồng VND vẫn phụ thuộc vào các yếu tố quốc tế như chính sách tiền tệ của Mỹ và Trung Quốc.