Tỷ phú giàu thứ hai Ấn Độ Gautam Adani muốn đầu tư 3 tỷ USD để “lột xác” khu ổ chuột tại Mumbai, nhưng thách thức không nhỏ.
Rộng 240 ha, Dharavi được mệnh danh là khu ổ chuột lớn nhất châu Á, theo Le Monde. Tọa lạc tại Mumbai, đây là nơi sinh sống của một triệu người và khoảng 20.000 doanh nghiệp, xưởng sản xuất. Dharavi cũng là bối cảnh bộ phim “Triệu phú ổ chuột” đạt giải Oscar năm 2008 của Danny Boyle.
Trong làn sóng đầu tư bất động sản đang lan rộng khắp Ấn Độ, Dharavi được ví như mỏ vàng vì diện tích lớn, nằm ở vị trí đắc địa trung tâm Mumbai. Nó cách sân bay quốc tế chưa đầy 10 km, kết nối bởi 2 tuyến tàu hỏa và nằm cạnh khu thương mại lớn nhất thế giới Bandra-Kurla – nơi có các ngân hàng, công ty công nghệ cao, khách sạn và nhà hàng sang trọng.
Năm ngoái, Adani Group của tỷ phú Gautam Adani trúng thầu tái thiết Dharavi. Ông là người giàu thứ 2 Ấn Độ lẫn châu Á và đứng 21 thế giới với tổng tài sản 70,8 tỷ USD tính đến ngày 24/11, theo Bloomberg Billionaires Index.
Để triển khai, một liên doanh do Adani Properties sở hữu 80% vốn với Cơ quan Tái phát triển Dharavi ra đời. Họ thuê kiến trúc sư Hafeez Contractor và hai công ty, Sasaki (Mỹ) và Burro Happold (Anh) thiết kế quy hoạch tổng thể. Theo đó, khu ổ chuột này sẽ trở thành đô thị hiện đại với các tòa nhà chung cư, văn phòng, trung tâm thương mại, trường học và bệnh viện.
Liên doanh đặt mục tiêu xây dựng khu đô thị trong 7 năm. Những bước đầu tiên của dự án đã khởi động từ tháng 3, với cuộc khảo sát để xác định các hộ đủ điều kiện tái định cư tại chỗ. Tuy nhiên, hàng loạt thách thức đang nổi lên.
Dharavi có mật độ dân số cao, khoảng 354.167 người trên một km vuông. Theo kế hoạch, chỉ những người sống tại đây từ trước năm 2000 mới được tái định cư tại chỗ miễn phí. Trong khi, cần rất nhiều đất đai khác để bố trí cho khoảng 700.000 người được coi là không đủ điều kiện.
Katke, một luật sư sinh ra ở khu ổ chuột phản đối các tiêu chí đủ điều kiện do các nhà điều hành đơn phương quyết định. “Chúng tôi yêu cầu 100% cư dân phải được tái định cư tại chỗ, trong điều kiện tốt hơn”, người này nói trên Le Monde.
Giải quyết vấn đề này, hồi tháng 9, chính quyền bang Maharashtra đã cấp 3 khu đất cho Adani để di dời những cư dân Dharavi không đủ điều kiện. Điều này bao gồm đất đầm lầy muối, vốn rất quan trọng với hệ sinh thái mong manh của rừng ngập mặn Mumbai, cùng với đất ô nhiễm từ một bãi chôn lấp.
Tuy nhiên, phương án này vấp phải phản đối từ các nhà môi trường. Họ đã kiện quyết định ra tòa. Ông Jairam Ramesh, Lãnh đạo đảng Congress và cựu Bộ trưởng Môi trường nói tương lai dài hạn của Mumbai đang bị hy sinh. “Những đầm lầy muối hoạt động như một miếng bọt biển hấp thụ nước thừa trong mùa mưa và bảo vệ chống ngập lụt”, ông nói.
Một số chính trị gia bất bình vì trao quá nhiều lợi ích cho Adani Group. Theo họ, Adani dễ dàng giành được hợp đồng, giống như nhiều dự án khác về hạ tầng cảng, sân bay, cơ sở năng lượng và khai khoáng do thân thiết với chính quyền bang Maharashtra và Thủ tướng Narendra Modi.
Trong chiến dịch tranh cử địa phương hôm 20/11, đảng Shiv Sena (SS) tại Maharashtra bày tỏ nghi ngờ nhà thầu muốn kiếm lời từ dự án dưới danh nghĩa tái thiết. “Adani Group đã nhận được nhiều đất hơn cho cái gọi là tái phát triển Dharavi và miễn phí, trong khi mảnh đất này trị giá hàng tỷ rupee”, ông Aaditya Thackeray, một trong các lãnh đạo của SS chỉ trích.
Với 22 triệu dân, Mumbai là một trong những thị trường bất động sản sôi động nhất Ấn Độ, với giá cao và nhu cầu bất động sản nhà ở, thương mại ngày càng tăng. Theo Hindustan Times, 70-80% giao dịch căn hộ tại đây thuộc phân khúc giá rẻ và trung cấp, khoảng 600.000 USD mỗi căn. Tuy nhiên, vẫn có những căn hạng sang được giao dịch, giá có thể trên 12 triệu USD.
Thành phố này cũng có mức độ bất bình đẳng cao hàng đầu thế giới, với 92 tỷ phú và 60.000 triệu phú, trong khi một nửa dân số sống trong các khu ổ chuột.
Trước dự án đầu tư 3 tỷ USD do Adani Group dẫn dắt, 4 dự khác tái thiết Dharavi đã thất bại do sự phản đối của người dân địa phương. Bình luận trên Reuters hồi tháng 8, tỷ phú Adani thừa nhận rằng việc xây dựng lại Dharavi đặt ra những thách thức “to lớn”. Dù vậy, ông vẫn hy vọng khu vực này trong tương lai sẽ sản sinh ra “những triệu phú mà không có tiền tố khu ổ chuột”.
Anh Kỳ (theo Le Monde, Reuters)
Nguồn tin: https://vnexpress.net/ty-phu-an-do-chi-3-ty-usd-dau-tu-vao-khu-o-chuot-lon-nhat-chau-a-4820656.html