Phiên tòa phúc thẩm vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị, tổ chức liên quan đang được diễn ra với phần tranh luận của bị cáo Trương Mỹ Lan cùng các luật sư.
Trong đó, ngày 18/11, luật sư của bị cáo Trương Mỹ Lan cho biết, về 658 mã tài sản đang bị kê biên của bị cáo Lan, đã có người làm việc đề nghị đưa vốn vào đầu tư, để có nguồn thu cho bị cáo khắc phục hậu quả vụ án.
Đối với tòa nhà số 29 Liễu Giai, Hà Nội cũng đã có các nhà đầu tư nước ngoài gửi văn bản đến Ngân hàng Nhà nước về việc chuyển tiền từ nước ngoài vào để cho bị cáo Lan vay 400 triệu USD để trả nợ, giải tỏa kê biên. Sau khi trả nợ cho các ngân hàng nước ngoài, phần còn lại bị cáo Lan sẽ dùng khắc phục hậu quả vụ án.
Đáng chú ý, đối với dự án 6A, diện tích 26 ha tại Bình Chánh, TP.HCM hiện chưa bị kê biên, thế chấp, đã có tỷ phú người Malaysia (được cho là ông Vincent Tan) đồng ý đầu tư vào dự án. Sau khi trừ các chi phí, bị cáo còn dư 20.000 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.
Người giàu thứ 29 ở Malaysia
Liên quan đến tỷ phú Malaysia Vincent Tan, ông SN 1952, là một doanh nhân, người sáng lập và Chủ tịch HĐQT của Berjaya Corporation, một tập đoàn đa lĩnh vực được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Malaysia.
Không những nắm cổ phần thông qua nhóm công ty Berjaya Corporation, ông còn nắm cổ phần trong các doanh nghiệp liên quan đến internet, tiện ích nước, phương tiện truyền thông, bán lẻ và viễn thông.
Năm 2014, ông lọt vào danh sách tỷ phú của Forbes, với giá trị tài sản ước tính là 1,6 tỷ USD. Forbes cho biết, thành công của ông Vincent Tan là nhờ mối quan hệ mật thiết với các nhân vật chính trị nổi tiếng của Malaysia.
Tính đến tháng 4/2024, Forbes ước tính giá trị tài sản ròng của ông là 730 triệu USD, biến ông trở thành người giàu thứ 29 trong Top 50 người giàu có nhất Malaysia.
Dưới bàn tay của ông, Berjaya đã vươn lên trở thành một trong những tập đoàn có tiếng ở Malaysia và khu vực châu Á. Tính đến cuối niên độ tài chính năm 2023 (kết thúc ngày 30/6/2023), tổng tài sản của Berjaya ở mức 4,7 tỷ USD.
Ông Vincent Tan sinh ra trong gia đình nghèo khó. Lúc đầu, ông dự định học luật ở New Zealand, nhưng vì gia đình khó khăn nên ông đã làm nhân ngân hàng khi mới 17 tuổi. Tiếp theo, ông bán bảo hiểm nhân thọ cho AIA và trở thành giám đốc bán hàng khi mới 23 tuổi.
Sau đó, ông đã thành lập các công ty tư nhân trong lĩnh vực thương mại, tín dụng, bảo hiểm và bất động sản.
Năm 1981, ông mở cửa hàng nhượng quyền McDonald’s đầu tiên ở Malaysia và trở thành Giám đốc điều hành chỉ sau 1 năm. Đến năm 1984, ông mua lại cổ phần chi phối của Berjaya Kawat Berhad – khởi đầu cho sự phát triển mạnh mẽ của Berjaya về sau.
Vào năm 2012, ông gây bất ngờ lớn khi rút lui khỏi HĐQT Berjaya, nhường lại chức vụ cho người con trai cả Robin Tan. Tuy nhiên, 5 năm sau, ông đã quay trở lại dẫn dắt tập đoàn. Đến tháng 3/2023, ông chính thức rút khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT độc lập không điều hành, nhưng vẫn có tiếng nói tại Berjaya dưới vai trò cố vấn cấp cao.
Ngoài ra, theo giới thiệu trên trang chủ Berjaya, ông Vincent Tan sở hữu lượng lớn cổ phần tại 3 câu lạc bộ bóng đá, gồm: Cardiff City (Anh), Koninklijke Kortrijk (Bỉ) và FK Sarajevo (Bosna và Hercegovina).
“Người quen” tại Việt Nam
Tại Việt Nam, đầu năm 2016, Berjaya đã vượt qua 5 tập đoàn quốc tế khác và được cấp phép đầu tư cho dự án hợp tác với Công ty Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) với tổng giá trị dự án lên đến hơn 210 triệu USD và kéo dài trong 18 năm.
Trước khi trở thành đối tác của Vietlott, Berjaya là tập đoàn Malaysia đầu tiên nhận được giấy phép đầu tư và phát triển về bất động sản tại Việt Nam.
Berjaya khởi động việc đầu tư tại Việt Nam bằng việc phát triển các dự án ở Hà Nội. Ngoài việc đầu tư 500 triệu USD phát triển dự án Khu đô thị mới Thạch Bàn (Ha Noi Garden City), tập đoàn này còn sở hữu hàng loạt khách sạn lớn, trong đó bao gồm 75% cổ phần khách sạn Intercontinental và 70% cổ phần khách sạn Sheraton.
Giữa năm 2008, Berjaya Nam tiến với những dự án có số vốn rất lớn. Đầu tiên là dự án Khu đô thị đại học quốc tế Việt Nam (VIUT), với giá trị đầu tư 3,5 tỷ USD.
Không chỉ dừng lại ở TP.HCM, Berjaya còn giới thiệu hàng loạt dự án lớn ở Đồng Nai như Trung tâm Thành phố mới Nhơn Trạch (Nhon Trach New City Center) (2 tỷ USD), Dự án Biên Hòa City Square (230 triệu USD)…
Berjaya từng tự hào giới thiệu, tập đoàn đã trở thành nhà đầu tư có uy tín và vượt qua hàng trăm đối thủ cạnh tranh ra đời trong nước bằng những dự án có tầm nhìn như: Làng Đại học Berjaya Việt Nam – BVIUT (Hóc Môn), Trung tâm Tài chính Berjaya Việt Nam – BVFC (TP.HCM), Trung tâm thành phố mới Nhơn Trạch (Đồng Nai)”.
Dẫu vậy, đến nay, các dự án vẫn nằm “trên giấy”, có dự án bị thu hồi hoặc bị bỏ hoang.