Rất nhiều công ty Mỹ đang đối mặt với vấn đề mà họ không ngờ tới năm nay, đó là USD tăng giá.
Năm ngoái, các nhà đầu tư và thị trường tin rằng USD sẽ yếu đi khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) được dự báo giảm lãi suất ngay đầu năm nay. Tuy nhiên, Fed vẫn chưa hành động. Hệ quả là Dollar Index – đo sức mạnh của đồng bạc xanh với rổ tiền tệ lớn – tăng 4% năm nay. Đồng tiền này đã tăng khoảng 16% trong 3 năm qua.
Dù việc USD tăng giá phản ánh sức mạnh của kinh tế Mỹ, đây lại là vấn đề của nhiều doanh nghiệp. USD mạnh khiến lợi nhuận của các công ty đa quốc gia co lại khi đổi ngoại tệ sang USD. Trong khi đó, sản phẩm của các hãng xuất khẩu Mỹ cũng bị giảm sức cạnh tranh vì đắt đỏ hơn. Nhiều công ty đã phải áp dụng chiến lược phòng trừ rủi ro tỷ giá, để hạn chế tác động lên lợi nhuận.
Ước tính của Bank of America Global Research cho thấy nếu USD tăng giá 10% trong một năm, lợi nhuận của các doanh nghiệp trong chỉ số S&P 500 sẽ giảm 3%.
Quý trước, lợi nhuận doanh nghiệp tại Mỹ vẫn sôi động, bất chấp USD mạnh lên. Hơn 80% công ty trong chỉ số S&P 500 đã công bố kết quả kinh doanh quý I. Theo hãng dữ liệu LSEG IBES, các doanh nghiệp Mỹ có thể ghi nhận lợi nhuận tăng thêm 7,8%, cao hơn dự báo 5,1% hồi tháng 4.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp như Apple, IBM, P&G đều đã đề cập đến thách thức tỷ giá. Đồng đôla Mỹ mạnh “đang gây ra sự lo sợ”, Andrew Gage – Phó giám đốc hãng dịch vụ tài chính Kyriba cho biết. “Các giám đốc tài chính đang yêu cầu nhân viên chú ý hơn đến rủi ro khi USD mạnh lên”, ông nói.
USD mạnh lên trong bối cảnh kinh tế Mỹ sôi động. Sức mạnh của nền kinh tế lớn nhất thế giới khiến nhà đầu tư hiện chỉ dự báo Fed giảm lãi suất thêm 50 điểm cơ bản (0,5%) năm nay, thay vì hơn 150 điểm cơ bản như kỳ vọng hồi đầu năm.
Khi Fed chưa giảm lãi suất, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ hiện cũng cao hơn nhiều nền kinh tế khác. Việc này càng khiến USD hấp dẫn so với các tiền tệ khác.
“Gần như toàn bộ chuyên gia về ngoại hối cho rằng USD năm nay sẽ yếu đi, vì Mỹ giảm lãi suất. Doanh nghiệp từng rất hào hứng với dự báo này”, Amo Sahota – Giám đốc Quản lý Rủi ro Ngoại hối tại Klarity FX cho biết.
Dù vậy, không phải công ty nào trong S&P 500 cũng chịu ảnh hưởng như nhau khi USD biến động. Dữ liệu từ FactSet cho thấy lĩnh vực công nghệ thông tin, vật liệu, dịch vụ viễn thông đứng đầu danh sách chịu ảnh hưởng từ tỷ giá. Hơn 50% doanh thu các công ty này đến từ thị trường quốc tế.
Quý trước, cả Coca-Cola, 3M và Apple đều thông báo doanh thu chịu ảnh hưởng từ tỷ giá trong quý I. Hồi tháng 3, chỉ số theo dõi biến động tiền tệ của Deutsche Bank đã lên cao nhất kể từ tháng 9/2021.
Để ngăn việc này gây tác động lớn đến lợi nhuận, các công ty đã dùng nhiều chiến lược phòng trừ khác nhau, như sử dụng các hợp đồng quyền chọn và kỳ hạn. “Đến cuối quý I, biến động tiền tệ đã dịu lại. Nhưng hơn một tháng qua, hoạt động phòng trừ của doanh nghiệp lại tăng tốc”, John Doyle – Giám đốc giao dịch tại Monex USA nhận định.
Karl Schamotta – chiến lược gia thị trường tại hãng thanh toán Corpay – nói rằng biến động tiền tệ ở mức thấp có thể khiến một số doanh nghiệp “không đánh giá đúng rủi ro họ phải đối mặt”.
Các nhà phân tích tại BofA Global Research thì tin rằng USD vẫn sẽ yếu đi trong trung hạn, nhưng chưa rõ bước ngoặt sẽ diễn ra vào lúc nào. “Khả năng các doanh nghiệp Mỹ phải phòng trừ rủi ro USD tăng giá năm nay đang ngày càng lớn”, họ cảnh báo.
Hà Thu (theo Reuters)
Nguồn tin: https://vnexpress.net/usd-manh-de-doa-loi-nhuan-doanh-nghiep-my-4745300.html