Quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập, người dân khó mua vàng miếng SJC khi đặt trực tuyến, theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Tại báo cáo kinh tế xã hội, Chính phủ cho biết các giải pháp can thiệp bình ổn thị trường vàng được triển khai quyết liệt, giúp ổn định tâm lý người dân, doanh nghiệp. Chênh lệch giữa giá trong nước, quốc tế đã giảm. Việc vàng miếng SJC được bán qua 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và SJC giúp hàng tới trực tiếp người dân có nhu cầu.
Nhà chức trách cũng tăng giám sát, kiểm tra và xử lý hành vi đầu cơ, buôn lậu, vi phạm kinh doanh vàng. Hiện 100% doanh nghiệp kinh doanh vàng áp dụng hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế.
Tuy vậy, khi thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng quản lý thị trường vàng vẫn còn bất cập, gây áp lực lên thị trường ngoại tệ và tỷ giá.
“Người dân rất khó mua vàng miếng SJC khi đặt mua trực tuyến. Điều này cho thấy giá vàng miếng hiện không phản ánh đúng cung – cầu thị trường”, cơ quan thẩm tra nêu.
Thực tế, nhu cầu mua vàng trong nước ở mức cao. Lượt khách đăng ký của các ngân hàng quốc doanh và SJC luôn trong tình trạng “kín chỗ” chỉ sau ít phút đầu giờ. Số lượng đăng ký mua tối đa cũng chỉ 1-2 lượng. Các ngân hàng như Vietcombank, VietinBank liên tục thay đổi cách thức, thời gian giao vàng cho khách hàng. Từ chỗ giao vàng trong ngày, người mua tại các đơn vị này nhận sau hai ngày làm việc từ thời điểm đăng ký, giao dịch thành công.
Các thương hiệu được kinh doanh vàng miếng còn lại như DOJI, PNJ, Bảo Tín Minh Châu … cũng gần như ngừng bán vàng miếng ra thị trường từ sau khi Ngân hàng Nhà nước can thiệp “định giá” loại này, do không có nguồn.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ghi nhận nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước nhằm ổn định thị trường, qua đấu thầu vàng miếng SJC hay bán vàng cho 4 ngân hàng thương mại quốc doanh. Các đơn vị này cung ứng kim loại quý ra thị trường qua kênh bán online hoặc ứng dụng ngân hàng (app), sau đó người dân nhận vàng trực tiếp ở các chi nhánh, đại lý. Việc này giúp giảm chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và thế giới về quanh 5-7%.
“Tuy nhiên, chênh lệch giá trong nước và quốc tế sẽ khó giữ như hiện nay khi dừng các biện pháp can thiệp thị trường”, cơ quan này nhìn nhận.
Theo dữ liệu từ Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, chênh lệch giá vàng giữa hai thị trường tăng mạnh từ 2020 đến nay. Năm nay, có thời điểm ghi nhận mức chênh tới 20 triệu đồng một lượng, cao hơn 8,3 lần so với bình quân giai đoạn 2012-2020. Chênh lệch này do cầu về vàng lớn, trong khi nguồn cung vàng miếng bị kiểm soát chặt. Mặt khác, cung vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, trang sức cũng được kiểm soát qua hạn ngạch nhập khẩu hàng năm.
Nguồn cung khan hiếm trong bối cảnh giá vàng liên tục tăng mạnh. Tháng 9, giá vàng trong nước tăng 22,6% so với cuối 2023 và gần 32,3% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 9 tháng, kim loại quý đắt thêm gần 26,3% so với cùng kỳ, khi giá thế giới tăng cao kỷ lục.
Mỗi lượng vàng miếng SJC sáng 21/10 lên 88 triệu đồng ở chiều bán ra, sau khi Ngân hàng Nhà nước thay đổi giá bán can thiệp. Chiều thu mua của các đơn vị kinh doanh cũng tăng tương ứng, lên 86 triệu đồng một lượng. Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới hiện dao động 2-4,5 triệu đồng một lượng.
Ngoài vàng, cơ quan thẩm tra cũng chỉ ra khó khăn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. 9 tháng đầu năm, có 268 lượt phát hành riêng lẻ, gần 250.400 tỷ đồng, 15 đợt phát hành ra công chúng với hơn 27.000 tỷ đồng. Áp lực trả nợ trái phiếu doanh nghiệp đến hạn lớn, gần 79.860 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 35.137 tỷ đồng (tương đương 44%) trái phiếu bất động sản đáo hạn.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang đối mặt thách thức để trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế, theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Lý do là thị trường này quy mô nhỏ so với nhu cầu vốn dài hạn của doanh nghiệp. Tổng dư nợ thị trường này tính tới cuối tháng 8 là hơn 1 triệu tỷ đồng, tương đương 10% GDP. Số này thấp hơn Malaysia (54% GDP), Singapore (25%), Thái Lan (27%).
Ngoài ra, cơ cấu phát hành chưa hợp lý khi riêng lẻ chiếm tỷ trọng tới 88%, phát hành ra công chúng hạn chế (12%). “Điều này hạn chế khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp từ nhà đầu tư đại chúng, tạo rủi ro về minh bạch thị trường”, cơ quan thẩm tra nhận xét.
Thị trường cũng thiếu cơ chế định giá, đặc biệt việc xác định lợi suất đến khi đáo hạn cho trái phiếu, cũng như thiếu dữ liệu về xác suất vỡ nợ (PD-probability of default) của các tổ chức phát hành. Việc này khiến nhà đầu tư khó khăn trong đánh giá, tăng rủi ro với nhà đầu tư cá nhân và hạn chế khả năng xây dựng một đường cong lãi suất chuẩn cho thị trường.
“Trái phiếu doanh nghiệp muốn trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn đòi hỏi nỗ lực từ cơ quan quản lý, các định chế tài chính và bản thân doanh nghiệp phát hành”, Ủy ban Kinh tế nêu.
Năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 7%, cao hơn mục tiêu của Quốc hội (6-6,5%). Để đạt mục tiêu này, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ kiểm soát chặt tín dụng, nợ xấu, rủi ro thị trường chứng khoán, vàng, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản…
Anh Minh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/uy-ban-kinh-te-cua-quoc-hoi-nguoi-dan-kho-mua-vang-mieng-4806452.html