Chi tiết

VASEP lên tiếng về thông tin ngành tôm Việt Nam bị cáo buộc lạm dụng lao động

Theo VASEP, những cáo buộc trong báo cáo của Sustainability Incubator là vô căn cứ, gây hiểu lầm và gây tổn hại đến uy tín của ngành xuất khẩu tôm của Việt Nam.

VASEP lên tiếng về thông tin ngành tôm Việt Nam bị cáo buộc lạm dụng lao động- Ảnh 1.

VASEP khẳng định thông tin ngành tôm Việt Nam lạm dụng lao động là không đúng sự thật

VASEP cho biết tính đến năm 2024, các sản phẩm thủy sản của Việt Nam được xuất khẩu sang hơn 170 thị trường trên thế giới. Với giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 9-11 tỉ USD trong những năm gần đây, Việt Nam đang đứng thứ 3 trong số các nhà cung cấp thủy sản hàng đầu cho thị trường thế giới sau Trung Quốc và Na Uy.

Ngành tôm của Việt Nam là động lực kinh tế chính, mang lại sinh kế cho hàng triệu người, đặc biệt là ở các vùng nông thôn. Ngành đã trải qua quá trình hiện đại hóa đáng kể và cam kết đảm bảo các hoạt động đạo đức và bền vững.

Hằng năm, VASEP cho biết ngành tôm đóng góp khoảng 40-45% tổng giá trị tương đương 3,5-4 tỉ USD mỗi năm. Hiện nay, tôm được xuất khẩu từ Việt Nam sang 100 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó 5 thị trường lớn nhất là: Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.

“Với những nỗ lực không ngừng, Việt Nam tự hào là 1 trong 4 nhà cung cấp tôm hàng đầu thế giới, chiếm 10-13% giá trị thị trường tôm thế giới” – VASEP cho biết.

Việt Nam có rất nhiều lợi thế để phát triển ngành tôm, đặc biệt là ĐBSCL, nơi chiếm 95% sản lượng tôm và cũng là trung tâm của các nhà máy chế biến tôm. Cho đến nay, có hơn 200 nhà máy chế biến tôm được Ủy ban Châu Âu (EC) chấp thuận với các cuộc thanh tra định kỳ tại Việt Nam.

VASEP cho rằng bằng chứng đáng tin cậy nhất cho thấy nuôi tôm vừa an toàn vừa bền vững có thể được tìm thấy thông qua số lượng ngày càng tăng các chương trình chứng nhận do các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế đưa ra về Thực hành nuôi trồng thủy sản tốt bao gồm BAP (Thực hành nuôi trồng thủy sản tốt nhất), Global Gap và ASC (Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản).

Để đạt được các chứng nhận này, các trang trại phải được xây dựng và vận hành dựa trên các tiêu chí: Trách nhiệm xã hội (ví dụ: Không sử dụng lao động trẻ em, sức khỏe và sự an toàn của người lao động, tự do hội họp, quan hệ cộng đồng); Tuân thủ pháp luật (tuân thủ pháp luật, quyền hợp pháp tại đó); Bảo tồn môi trường tự nhiên và đa dạng sinh học.

Cùng với đó, bảo tồn tài nguyên nước; Bảo tồn sự đa dạng của các loài và quần thể hoang dã; Sử dụng thức ăn và các nguồn tài nguyên khác một cách có trách nhiệm; Sức khỏe động vật (không sử dụng kháng sinh và hóa chất không cần thiết).

Về vấn đề lao động, theo VASEP, giờ làm việc của người lao động trong các công ty tôm Việt Nam đã được áp dụng theo Bộ luật Lao động 2019, Nghị định 145/2020/NĐ-CP ngày 14-12-2020 của Chính phủ.

Với trách nhiệm và kinh nghiệm của một Tổ chức đại diện cho các nhà sản xuất và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, VASEP khẳng định ngành tôm Việt Nam có đủ điều kiện thuận lợi để phát triển theo hướng bền vững hơn, tuân thủ mọi luật pháp và quy định quốc gia và quốc tế về điều kiện lao động, trách nhiệm xã hội và an toàn thực phẩm.

VASEP một lần nữa khẳng định rằng những thông tin và phát hiện trong báo cáo của tổ chức Sustainability Incubator về ngành tôm Việt Nam là không đúng sự thật, vô căn cứ và không khách quan.

Báo cáo của Sustainability Incubator dài 36 trang với nội dung cung cấp phân tích về nghiên cứu thực địa trong ngành tôm Việt Nam, tiến hành từ tháng 7-2023 đến tháng 5-2024, với nghiên cứu chính được thực hiện bởi 3 nhóm nghiên cứu độc lập tại Việt Nam.

Source link