Chi tiết

Vì sao có khoảng 800,000 tỷ đồng ngân sách nhàn rỗi gửi tại Ngân hàng Nhà nước?

Vì sao có khoảng 800,000 tỷ đồng ngân sách nhàn rỗi gửi tại Ngân hàng Nhà nước?

Thống đốc NHNN cho biết, tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước khi chưa sử dụng chủ yếu được gửi ở các ngân hàng thương mại lớn và gần đây được chuyển về gửi tại Ngân hàng Nhà nước. “Khoảng 80% trong 1 triệu tỷ đồng đang gửi tại Ngân hàng Nhà nước”.


Đại biểu Hà Sỹ Đồng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị

Chất vấn Thống đốc, đại biểu Hà Sỹ Đồng đặt vấn đề về phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ. Theo ông, hơn 1 triệu tỷ đồng tiền nhàn rỗi của ngân sách đang để tại Kho bạc Nhà nước thời gian qua. “Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và Kho bạc Nhà nước phối hợp thế nào để điều chuyển nguồn tiền nhàn rỗi này, góp phần điều hành chính sách tiền tệ tốt nhất?”

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trả lời, Ngân hàng Nhà nước có chức năng cung ứng dịch vụ cho Chính phủ, các khoản tiền gửi của Chính phủ gửi tại cơ quan này. Tuy nhiên, theo Luật Ngân sách Nhà nước, các khoản ngân sách cũng được phép gửi tại các nhà băng trong hệ thống tổ chức tín dụng.

Bà cho hay tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước khi chưa sử dụng chủ yếu được gửi ở các ngân hàng thương mại lớn và gần đây được chuyển về gửi tại Ngân hàng Nhà nước. “Khoảng 80% trong 1 triệu tỷ đồng đang gửi tại Ngân hàng Nhà nước”, Thống đốc chia sẻ.

Tuy vậy, theo bà việc gửi tiền ngân sách nhàn rỗi tại các nhà băng cũng có tác động nhất định tới chính sách tiền tệ, thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Do đó, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đã có quy chế phối hợp, trao đổi thông tin và chủ động điều tiết tiền tệ.

Theo kinh nghiệm điều hành của các nước, cách thức điều chuyển tiền gửi ngân sách về Ngân hàng Nhà nước là giải pháp được thực hiện khi lạm phát tăng quá cao, tức cần hút tiền về ngân hàng trung ương. Còn trong điều kiện bình thường, điều chuyển ngược lại.

Quy định hiện nay các tổ chức tín dụng không được dùng tiền này cho vay, nhưng có thể dùng gián tiếp các khoản này để hỗ trợ họ trong đảm bảo thanh khoản. Vì thế, để tránh rủi ro, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết nhà chức trách theo dõi chặt chẽ, không chủ quan và phối hợp với các cơ quan, yêu cầu tổ chức tín dụng cân đối vốn hợp lý, đảm bảo cân đối vốn an toàn.

Mặt bằng lãi suất ‘đã giảm khá nhiều so với các nước’

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn nêu vấn đề có nên tiếp tục giảm lãi suất và có chính sách thay đổi dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá.


Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trả lời, mục tiêu chính sách tiền tệ là góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và ngoại hối. Còn việc có tiếp tục giảm lãi suất hay không phụ thuộc vào diễn biến kinh tế trong nước và thế giới, thanh khoản, tình trạng hệ thống ngân hàng.

“Thời gian vừa qua, chúng ta đã giảm mặt bằng lãi suất khá nhiều so với các nước, cho nên chúng tôi tiếp tục theo dõi”, bà Hồng trả lời.

Về dự trữ ngoại hối, bà Hồng nói nguyên tắc là phải đảm bảo an toàn về thanh khoản. Bởi dự trữ ngoại hối để can thiệp khi đất nước gặp khó khăn. Có ba nguyên tắc về dự trữ ngoại hối là an toàn, thanh khoản và sinh lãi.

Hiện Ngân hàng Nhà nước thực hiện dự trữ ngoại hối theo hướng an toàn, thanh khoản là chủ yếu. Còn sinh lãi sẽ tính toán sao cho đầu tư ngoại hối có lợi nhất cho đất nước.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng

Đại biểu Mai Văn Hải (Phó đoàn Thanh Hóa) đề cập “vấn đề không mới” nhưng được cử tri quan tâm là Việt Nam chủ yếu nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa. “Đề nghị Thống đốc nêu giải pháp căn cơ để doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận nguồn tín dụng”, ông nói.


Đại biểu Mai Văn Hải – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa

Trả lời, Thống đốc thừa nhận việc điều hành chính sách tín dụng gặp trở ngại và “Thống đốc nào cũng hay nhận được phản ánh về tiếp cận tín dụng”. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết cả nước có hơn 900,000 doanh nghiệp, nhưng 97-98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vì vậy, doanh nghiệp Việt còn hạn chế về năng lực tài chính, khả năng cạnh tranh, thương hiệu, uy tín.

Trong đó, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa không có khả năng trả nợ, sản xuất kinh doanh chưa có dự án khả thi nên không tiếp cận được tín dụng. Đảng, Nhà nước quan tâm đã có nhiều luật và nghị định hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, từ thị trường, pháp lý, sản phẩm.

Để triển khai, Chính phủ đã có quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng vốn điều lệ chỉ 2,000 tỷ đồng, con số này rất nhỏ. Dư nợ của toàn hệ thống đến 15 triệu tỷ đồng, riêng doanh nghiệp đã 7-8 triệu tỷ. Thực tiễn, quỹ này có thể cho vay trực tiếp hoặc gián tiếp, song cán bộ cũng chưa có kinh nghiệm cho vay trực tiếp nên đã ủy thác cho tổ chức tín dụng thực hiện công việc này.

Về Quỹ bảo lãnh doanh nghiệp vay vốn, bà Hồng cho biết các địa phương đang thực hiện, song vốn điều lệ chỉ 100 tỷ. Nhiều địa phương chưa bố trí được quỹ và 5 quỹ đã giải thể. Nhiều quỹ yêu cầu các doanh nghiệp có tài sản đảm bảo, nên doanh nghiệp khó khăn thường không tiếp cận được. “Ngân hàng Nhà nước đã kiến nghị cần đánh giá, xác định trọng tâm doanh nghiệp ‘đầu đàn’ hoặc doanh nghiệp vệ tinh để có chính sách hỗ trợ phù hợp”, bà Hồng cho hay.

Nhật Quang

FILI



Source link