Chi tiết

Vì sao cổ phiếu ngân hàng không còn hút dòng tiền

Từng dẫn dắt thị trường vào đầu năm, cổ phiếu ngân hàng thời gian qua diễn biến kém khả quan, thị giá đi lùi, khó hút dòng tiền và ảnh hưởng tiêu cực đến VN-Index.

Theo Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN), tăng trưởng quý I của VN-Index phần lớn được thúc đẩy bởi ngành ngân hàng khi đóng góp hơn 56% tổng lợi nhuận. Nhiều cổ phiếu nhóm này lập đỉnh hoặc cần kề vùng giá cao nhất lịch sử như VCB, BID, ACB, HDB, MBB, CTG hay LPB.

Tuy nhiên, bước sang quý II, bảng điện ngành ngân hàng bắt đầu chuyển biến xấu. Nhiều cổ phiếu có thị giá đi lùi, riêng trong tháng 4 có mã giảm đến 16%. Trong tháng 6, ngành này dẫn đầu nhóm ảnh hưởng tiêu cực nhất đến thị trường chứng khoán. Tính chung cả quý, hiệu suất nhóm ngân hàng sụt 6,8%, khiến mức trung bình 6 tháng chỉ đạt 11,4% – cao hơn không nhiều so với chỉ số VN-Index.

Trong buổi chia sẻ với nhà đầu tư gần đây, ông Đinh Đức Minh – Giám đốc đầu tư và nhà điều hành quỹ của VinaCapital – giải thích nguyên nhân chính là do sự kỳ vọng của thị trường vào ngành ngân hàng “không sai nhưng có lẽ hơi sớm”.

Đầu năm, nhiều bên dự báo các nhà băng đã qua giai đoạn khó khăn nhất, tỷ lệ nợ xấu đã lập đỉnh. Kết quả kinh doanh trong quý cuối năm 2023 cũng cho thấy nợ xấu và chi phí đều giảm. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu ngành này sụt giảm từ mức 2,24% cuối quý III về 1,93% trong quý IV/2023. Điều này giúp bức tranh lợi nhuận các nhà băng bớt ảm đạm.

Tuy nhiên, báo cáo tài chính quý I/2024 lại thể hiện tỷ lệ nợ xấu và chi phí tín dụng tăng trở lại, tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm đi. Thống kê từ báo cáo tài chính của 28 ngân hàng, tổng nợ xấu tới hết tháng 3 là 224.146 tỷ đồng, cao hơn 14% so với cuối năm 2023. Nguyên nhân liên quan nhiều đến hoạt động cho vay lĩnh vực bất động sản, gồm khách hàng doanh nghiệp và cá nhân. Bên cạnh đó, chi phí tín dụng toàn ngành đạt 32.000 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ.

Tỷ lệ nợ xấu bình quân hệ thống ngân hàng ở thời điểm cuối quý I là 2,18%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với cuối 2023. Cùng với đó, tăng trưởng tín dụng đạt thấp, khoảng 2,4% tính tới cuối tháng 5, trong đó hai tháng đầu năm ghi nhận mức âm. Các số liệu trên đẩy cổ phiếu ngành này diễn biến không tích cực trong quý II.

Tương tự, ông Nguyễn Đại Hiệp – Trưởng phòng Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) – cho rằng bức tranh lợi nhuận ngành ngân hàng vừa qua cũng chưa thực sự khả quan. Lãi trước thuế (theo thống kê 28 nhà băng) chỉ tăng 11% so với cùng kỳ và có sự phân hóa rõ rệt giữa các nhà băng.

Tuy nhiên, bà Lê Thu Uyên – Chuyên gia phân tích phụ trách ngành ngân hàng của Chứng khoán VPBank (VPBankS) – lại cho rằng hiệu suất chung toàn ngành giảm hơn thời gian trước, nhưng vẫn có những cổ phiếu tăng từ 40% trở lên như LPB, TCB hay VAB. Theo chuyên gia này, thay vì lan tỏa toàn bộ ngành, dòng tiền hiện tập trung ở một vài cổ phiếu có kỳ vọng tốt hơn mặt bằng chung.

Nhân viên đang kiểm đếm tiền tại quầy giao dịch của một ngân hàng ở TP HCM. Ảnh: Thanh Tùng

Nhân viên đang kiểm đếm tiền tại quầy giao dịch của một ngân hàng ở TP HCM. Ảnh: Thanh Tùng

Diễn biến trên của thị trường liên quan đến triển vọng lợi nhuận quý II nhiều ngân hàng không quá khả quan và phân hóa rõ rệt. VPBankS dự báo lợi nhuận trước thuế ngành này nhìn chung sẽ tăng trưởng, nhưng không mạnh mẽ và rất phân hóa. Sự phục hồi tích cực của “cổ phiếu vua” chỉ xuất hiện ở các ngân hàng có thị phần cho vay lớn, người dân sử dụng nhiều tài khoản thanh toán như VCB, BID, VPB và TCB.

Về thu nhập lãi thuần, tăng trưởng tín dụng trong quý II có thể tích cực hơn đầu năm do tính chất mùa vụ và phục hồi tiêu dùng vào mùa du lịch. Bên cạnh đó, ngành này còn kỳ vọng vào thu nhập ngoài lãi, nhất là hoạt động bán chéo bảo hiểm (bancassurance) khi Thông tư 34/2024 cho phép các ngân hàng được bán bảo hiểm liên kết đầu tư.

Tuy nhiên, VPBankS lưu ý biên lợi nhuận (NIM) của ngành ngân hàng sau khi hồi phục ở quý I, có thể tiếp tục đi ngang trong quý II do chịu áp lực lãi suất cho vay giảm thêm để hỗ trợ khách hàng, trong khi huy động đã tăng nhẹ ở hầu hết các đơn vị. Ngoài ra, chi phí dự phòng sẽ ảnh hưởng đến kết quả chung do nợ xấu vẫn cao, chi phí trích lập dự phòng tiếp tục tăng và các ngân hàng chọn phương án chủ động trích lập sớm.

Tuy vậy, khi tham gia thị trường chứng khoán, triển vọng lợi nhuận không phải là yếu tố quyết định tất cả. Nhà đầu tư còn quan tâm đến định giá cổ phiếu. Đây là điểm tích cực dễ thấy nhất của nhóm ngân hàng. Theo VPBankS, P/B (thị giá trên giá trị sổ sách) của ngành ngân hàng đang giao dịch quanh mức thấp hơn độ lệch chuẩn 10 năm. Chỉ số hiện tại khoảng 1,55 lần, xấp xỉ mức giảm khi dịch Covid-19 bắt đầu.

Tương tự, số liệu từ Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho thấy ngành ngân hàng đang có chỉ số P/E (thị giá trên lợi nhuận cổ phiếu) là 10,3 lần và P/B là 1,7 lần. Ông Nguyễn Đại Hiệp, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân VDSC, nhận xét mức này nằm trong vùng định giá rẻ nếu xét dữ liệu từ năm 2010 đến nay. Nhìn chung, theo ông đây có thể là cơ hội để nhà đầu tư mua vào khi thị trường có nhịp điều chỉnh mạnh với nhóm cổ phiếu ngân hàng đạt kết quả kinh doanh tích cực.

“Xác suất đạt tỷ suất sinh lời dương tại vùng định giá này sau thời gian nắm giữ một quý tới một năm hiện cao hơn tỷ suất sinh lời âm”, ông cho biết.

Hiện tại, thị trường đang bước vào mùa công bố kết quả kinh doanh quý II và những con số có phần tích cực dần được công bố. Chẳng hạn, Ngân hàng Lộc Phát Việt Nam (LPBank) lãi ròng hơn 2.400 tỷ trong quý II, gấp hơn ba lần cùng kỳ nhờ đẩy mạnh cho vay.

Chuyên gia VDSC cho rằng, trong ngắn hạn nhà đầu tư có thể kỳ vọng sự phục hồi của thị trường sẽ gắn với nhóm “cổ phiếu vua”. Tuy nhiên, sự lan tỏa của nhóm ngành này tới các lĩnh vực khác thể hiện qua thanh khoản chung cũng là yếu tố cần theo dõi sát.

Tất Đạt


Nguồn tin: https://vnexpress.net/vi-sao-co-phieu-ngan-hang-ngung-hut-dong-tien-4772653.html