Sau gần 1 tháng chứng nghiệm cho thấy – lần giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm về ngưỡng 4,75-5% vào ngày 18/9 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chủ yếu mang ý nghĩa thông điệp; báo hiệu kết thúc chu kỳ lãi suất cực điểm, quay đầu giảm dần về trạng thái bình thường.
Tuy nhiên, động thái trên là rất quan trọng, chấm dứt mọi đồn đoán về tính chất “diều hâu” của những người làm chính sách tiền tệ quan trọng nhất ở FED; gieo cho nhà đầu tư niềm tin để họ giải phóng nguồn lực, tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh.
Các chuyên gia hàng đầu cho rằng, những lần giảm lãi suất tiếp theo của FED mới có ý nghĩa thực sự trong việc tái lưu thông dòng vốn giá rẻ, làm giảm áp lực với thị trường vốn vay quốc tế, nợ công gia tại nhiều nước.
Do FED tăng nhanh lãi suất sau hơn một thập kỷ giữ lãi suất ở mức thấp lịch sử, nên lãi suất đi vay bình quân trong nhiều khu vực của nền kinh tế hiện vẫn đang thấp hơn lãi suất cận biên của vốn vay mới.
Ngay tại Mỹ, tâm lý giới chủ doanh nghiệp cũng không quá hồ hởi, bởi vì các khoản vay của họ đã được chốt vào trước thời điểm lãi suất dựng ngược. Khi người dân và doanh nghiệp Mỹ có quá nhiều tiền mặt, thì sự nới lỏng tiền tệ không có gì là phấn khích.
Tuy vậy, kinh tế Mỹ đang cho thấy nó là một ngoại lệ hiếm hoi trong 3 năm gần đây khi ngày càng vững vàng trong môi trường tài chính đắt đỏ. Phần còn lại ngay lập tức được giảm nhẹ lãi suất vay bằng đồng đô la Mỹ; dần cởi trói áp lực tỷ giá, giảm chi phí nhập khẩu.
Các tín hiệu của kinh tế Mỹ gián tiếp cho thấy, FED sẽ tiếp tục hạ lãi suất trong lần họp chính sách sắp tới. Goldman Sachs dự đoán hôm thứ Sáu rằng chỉ số CPI trong tháng 9 sẽ cho thấy tỷ lệ lạm phát 12 tháng là 2,04% khi được công bố vào cuối tháng này. Nếu dự báo của Goldman Sachs đúng, con số đó sẽ được làm tròn xuống 2% và phù hợp với mục tiêu lâu dài của FED.
Song, giới đầu tư phố Wall không kỳ vọng FED sẽ hạ lãi suất “mạnh tay” như lần gần đây, cùng lắm chỉ là 0,25 điểm phần trăm. Các nhà giao dịch tương lai đang đặt cược vào khả năng gần như chắc chắn rằng FED sẽ cắt giảm lãi suất một phần tư điểm phần trăm tại cả cuộc họp tháng 11 và tháng 12.
Ông Kurt Rankin, chuyên gia kinh tế cấp cao của PNC cho rằng: “Việc nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ của FED sẽ có nguy cơ làm tăng nhu cầu của người tiêu dùng ngay khi nó đang ổn định ở tốc độ bền vững, sẽ gây áp lực buộc các doanh nghiệp phải huy động nguồn lực đáp ứng nhu cầu đó. Điều này khiến áp lực lạm phát tăng mạnh, nhất là khi giá dầu đang có xu hướng tăng do xung đột Trung Đông”.