Hầu hết khách không hỏi
Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử, nâng cao hiệu quả công tác thu thuế đối với thương mại điện tử. Công điện đánh giá thời gian qua, cơ quan thuế đã tích cực xây dựng, hoàn thiện và triển khai đồng bộ hệ thống hóa đơn điện tử trên phạm vi cả nước, phục vụ ngày càng tốt hơn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.
Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương, doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ chưa triệt để sử dụng hóa đơn điện tử. Sự phát triển của thương mại điện tử đặt ra những thách thức mới trong công tác quản lý nhà nước, trong đó có công tác quản lý thu thuế.
Tương tự, lúc 10 giờ 30, tại một cây xăng trên đường An Dương Vương (Q.5), trong vòng 10 phút, có 6 khách hàng đi xe gắn máy vào đổ xăng trả bằng tiền mặt và cũng không được đưa hóa đơn. Khi chúng tôi hỏi, nhân viên bán hàng yêu cầu ghi lại thông tin cá nhân, sẽ xuất hóa đơn sau vì hiện tại không có người làm. Ngoài ra, còn có tình trạng một số cây xăng có máy POS nhưng có lẽ chỉ để “làm cảnh”, hầu như ít sử dụng.
Khảo sát từ phía khách hàng, ông Mai Khanh (ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM), vào đổ xăng tại cửa hàng xăng dầu trên Quốc lộ 13 (TP.Thủ Đức) thừa nhận cá nhân ông chưa bao giờ được nhân viên hỏi thông tin để xuất hóa đơn điện tử. “Có một lần đổ 50.000 đồng xăng, tôi hỏi hóa đơn điện tử, nhân viên bán hàng tỏ vẻ ngạc nhiên rồi cũng hất đầu chỉ vào trong văn phòng chờ để được cấp. Trong văn phòng phía sau dãy cây xăng không có nhân viên nào, tôi hiểu chính nhân viên bán hàng ngoài kia là người cấp hóa đơn cho mình. Nhưng khách vào đổ xăng liên tục, cậu ấy không thể dừng lại để vào làm hóa đơn cho tôi, cứ để mình đứng chờ vậy. Sau khoảng 5 phút tôi đành đi về”, ông Mai Khanh chia sẻ.
Tương tự, bà Thiên Bình (ngụ Q.3, TP.HCM) cũng cho biết không có thói quen hỏi hóa đơn điện tử và người bán cũng chưa hề cấp hóa đơn khi không có yêu cầu. “Khi báo chí thông tin rầm rộ triển khai hóa đơn điện tử từng lần bán hàng, tôi có hỏi nhân viên cây xăng trên đường Điện Biên Phủ, họ nhìn tôi rồi bỏ đi như không nghe. Vấn đề là tôi đổ xăng vài chục ngàn đồng, lấy hóa đơn cũng không để làm gì. Doanh nghiệp còn cần để quyết toán thuế này nọ chứ cá nhân thật sự không có nhu cầu. Có dạo, thấy thông tin tuyên truyền là giữ hóa đơn để quay xổ số theo chương trình hóa đơn may mắn nhưng trong trường hợp người bán không đưa, khách vào đổ đông thì làm sao chờ để lấy hóa đơn điện tử được?”, bà Thiên Bình nói.
Tỷ lệ chấp hành tụt từ gần 100% xuống 47%
Tình trạng nói trên khiến tỷ lệ các cửa hàng xăng dầu chấp hành nghiêm quy định xuất hóa đơn bán lẻ từng lần sụt giảm mạnh. Cụ thể, hồi đầu tháng 4, đại diện Tổng cục Thuế cho biết gần 100% cửa hàng xăng dầu thực hiện xuất hóa đơn bán hàng điện tử từng lần, qua đó tạo điều kiện tăng cường quản trị, chống gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu. Tính đến ngày 2.4, toàn quốc chỉ còn 4 cửa hàng xăng dầu ở vùng xa chưa thực hiện được và vị đại diện khẳng định Tổng cục Thuế sẽ phối hợp với các sở công thương, cục thuế, ban ngành địa phương để giám sát hoạt động xuất hóa đơn bán lẻ tại các cửa hàng xăng dầu.
Thế nhưng, đến hết tháng 10 vừa qua, theo Tổng cục Thuế, chỉ còn 47% cửa hàng thực hiện kết nối tự động. Tổng cục Thuế đã có công văn phê bình nghiêm khắc 10 cục trưởng cục thuế do chưa quyết liệt trong kiểm tra, giám sát việc phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Thực hiện 10.000 cuộc kiểm tra, giám sát nhưng không phát hiện vi phạm. Theo Tổng cục Thuế, qua kiểm tra đột xuất cho thấy tại các cửa hàng sử dụng máy POS, máy tính bảng… đều chưa chấp hành quy định về phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng, số liệu từ cột đo xăng và dữ liệu hóa đơn điện tử đã phát hành truyền về cơ quan thuế đều phát sinh chênh lệch, không tương ứng với số lượt, lượng hàng hóa đã bán. Cá biệt, có cửa hàng tại thời điểm kiểm tra không phát hành bất kỳ hóa đơn điện tử nào so với dữ liệu bán hàng đã ghi nhận tại cột.
Cục Thuế TP.HCM, Hà Nội, Bình Định… cũng có công văn nhắc nhở các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại địa phương thực hiện kết nối dữ liệu khi xuất hóa đơn. Đặc biệt, Cục Thuế TP.HCM thông tin với các đơn vị kinh doanh bán lẻ xăng dầu khi sử dụng giải pháp nhập thủ công thông tin từng lần bán hàng để lập hóa đơn điện tử phụ thuộc hoàn toàn vào việc nhập dữ liệu của người bán nên việc lập hóa đơn điện tử không đầy đủ từng lần bán hàng. Do đó, giải pháp kết nối dữ liệu bán hàng được tự động truyền theo từng lần bán hàng từ cột đo xăng dầu đến hệ thống quản lý, lưu trữ dữ liệu có kết nối internet làm cơ sở phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng và truyền dữ liệu hóa đơn về cơ quan thuế sẽ khắc phục được sai sót, nhập liệu không đầy đủ.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế tài chính, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng việc cho áp dụng máy POS để xuất hóa đơn điện tử tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu là giải pháp tạm thời để doanh nghiệp làm quen và sau đó bắt buộc phải chuyển sang áp dụng giải pháp kết nối tự động. Bởi đó là cách tối ưu cho việc quản lý bằng dữ liệu giữa doanh nghiệp bán hàng và cơ quan thuế.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nói: “Đáng lẽ trong 8 tháng qua, cơ quan quản lý thuế phải đôn đốc, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi, kết nối. Phải giám sát, đôn đốc thì quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp mới thành công được. Việc mua bán sử dụng hóa đơn điện tử với hàng hóa nói chung phải coi là nguyên tắc, không riêng gì ngành xăng dầu. Trong thực tế, rất nhiều ngành áp dụng thành công cao, không rõ tại sao bán lẻ xăng dầu lại thụt lùi như vậy. Ở đây, cũng cần có tuyên truyền cho người mua, người mua không lấy thì người bán có trách nhiệm vẫn phải xuất hóa đơn, chuyển dữ liệu. Phải có chế độ thưởng – phạt nghiêm minh, kiên quyết, từ xử phạt hành chính đến rút giấy phép nếu doanh nghiệp vi phạm nhiều lần. Bởi quy định này đã cho độ trễ về thời gian lắm rồi”.
Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú bổ sung: “Ngành thuế, công thương, quản lý thị trường có sự lơ là trong giám sát. Tại sao từ 100%, sau 8 tháng tụt xuống 47%, giảm hơn một nửa là tỷ lệ rất lớn. Như vậy, chính sách này áp dụng bị vướng ở đâu? Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là rất cần thiết, tôi nghĩ các cơ quan quản lý phải kết hợp kiểm tra thường xuyên, nếu không sẽ có tình trạng “nhờn luật”. Một mặt tuyên truyền cho người dân, mặt khác xử lý nghiêm nếu cán bộ có thái độ quan liêu, lơ là công tác, nỗ lực số hóa của ngành, của nền kinh tế”.
Tổng cục Thuế yêu cầu lãnh đạo cấp dưới phải xác định việc triển khai thực thi hóa đơn điện tử từng lần bán hàng, chuyển dữ liệu từ cửa hàng xăng dầu về cơ quan thuế… là một trong những nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025, nhằm mục tiêu chậm nhất đến hết tháng 6.2025, toàn quốc đạt tỷ lệ ít nhất 95% cửa hàng sử dụng giải pháp kết nối tự động để phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng. Đây là một chỉ tiêu xem xét thi đua khen thưởng đối với cá nhân cục trưởng.
(Theo Thanh Niên)