Chi tiết

Vì sao VN-Index năm 2024 tăng 12%, nhà đầu tư vẫn khó lãi?

2024 được nhiều nhà đầu tư chứng khoán đánh giá là một năm “khó nhằn”, không ít người còn có hiệu suất âm dù VN-Index tăng trưởng hai chữ số.

VN-Index kết thúc năm 2024 ở mức 1.266,78 điểm, tăng 12,1% so với đầu năm, đánh dấu hai năm liên tiếp tăng điểm (năm 2023 tăng 12,2%). Dù vậy, chỉ số trong phần lớn năm lại biến động giằng co trong vùng 1.200-1.300 điểm. Sự phân hóa giữa các nhóm ngành và giữa cổ phiếu trong từng ngành khiến việc lựa chọn “ba chữ cái” trở nên rất khó khăn. Không ít nhà đầu tư có hiệu suất âm trong năm 2024 dù VN-Index tăng điểm.

Hoàng, một nhà đầu tư có kinh nghiệm 7 năm trên thị trường, năm nay âm 11% danh mục. Mọi năm anh thường mua cổ phiếu bluechips giá thấp, bán giá cao. Song chiến lược này chỉ hiệu quả trong 4 tháng đầu tiên khi VN-Index tăng mạnh. “Ở các giai đoạn sau, nhà đầu tư thường bị ‘kẹp’ hàng nếu mua bất chấp theo các nhịp tăng mạnh”, Hoàng kể.

Anh Đức, một nhà đầu tư lâu năm và cũng là một môi giới chứng khoán, đánh giá đây là một năm khó với các nhà đầu tư cá nhân. “VN-Index tăng không có nghĩa toàn thị trường tăng, chiến lược đầu tư theo sóng ngành hoặc cổ phiếu lớn với tỷ trọng cổ phiếu cao trở nên rủi ro hơn. Năm nay tôi lựa chọn đầu tư các cổ phiếu có câu chuyện riêng, duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp”, anh Đức chia sẻ.

Giao dịch chứng khoán tại Công ty cổ phần chứng khoán Rồng Việt (quận 1, TP HCM), hồi tháng 10/2024. Ảnh: An Khương

Giao dịch chứng khoán tại Công ty cổ phần chứng khoán Rồng Việt (quận 1, TP HCM), hồi tháng 10/2024. Ảnh: An Khương

Một thăm dò gần đây của VnExpress với gần 3.000 lượt trả lời cũng cho thấy, chứng khoán năm qua chỉ là kênh đầu tư có hiệu suất tốt thứ năm trong danh mục của các nhà đầu tư, xếp sau Bitcoin, vàng, bất động sản, gửi ngân hàng.

Lý giải về điều này, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam, cho biết VN-Index năm 2024 tăng điểm song đà tăng tập trung chủ yếu trong hơn 3 tháng đầu năm. Ở giai đoạn sau, thị trường biến động trong xu hướng giằng co, nhiều cổ phiếu đi ngang hoặc giảm, dẫn dến khó kiếm “lời” trên thị trường.

17/20 nhóm cổ phiếu tăng điểm trong năm 2024, theo thống kê từ Công ty cung cấp dữ liệu chứng khoán Fialda nhưng số liệu này chưa phản ánh hoàn toàn diễn biến toàn thị trường.

Nhóm cổ phiếu Công nghệ thông tin năm qua tăng hơn 142% nhưng được hỗ trợ chủ yếu từ VGI (+255,43%), FPT (+85,45%). Đây cũng là nhóm mà đà tăng dàn trải sang nhiều cổ phiếu khác cùng nhóm như CMG (+24,11%), ELC (+30,94%), ICT (+25,73%)…

Viễn thông là nhóm xếp thứ hai với mức tăng 91,92% với các mã như TTN (+211,19%), FOX (+95,09%), FOC (+22,57%). Nhưng cả 3 mã này đều đăng ký giao dịch trên sàn UpCom, khối lượng cổ phiếu được chuyển nhượng tự do (freefloat) rất thấp, chỉ từ 0,56% đến 3,94%.

Xét nhóm vốn hóa lớn trên thị trường, riêng nhóm ngân hàng tăng 20,1%, trong khi dịch vụ tài chính (chiếm chủ yếu là chứng khoán) và bất động sản lần lượt giảm 1,87% và 3,94%. Sự phân hóa thể hiện rõ nét hơn ở nhóm chứng khoán khi một số mã “top” thị phần vẫn tăng điểm như MBS (+52,26%), VCI (+2,92%), hay SSI (+2,6%), trong khi một số tên tuổi quen thuộc như VND (-32,97%), SHS (-30,81%) lại giảm mạnh.

Mặt khác, nhóm ngân hàng có hiệu suất dương nhưng dòng tiền chỉ thực sự tăng mạnh trong hơn 3 tháng đầu năm, trong khi lại đi ngang ở phần còn lại của năm 2024.

Dòng tiền trong năm 2024 được đánh giá tập trung vào các cổ phiếu có câu chuyện riêng như HVN, YEG, TCO với kỳ vọng phục hồi sau tái cấu trúc, FPT hỗ trợ bởi câu chuyện bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), FRT với nhà thuốc Long Châu định giá tỷ đô, hay VTP với dự án logistics Lạng Sơn…

FTP cũng là mã được ưa chuộng và được nắm giữ với tỷ trọng danh mục từ 6,93% đến 13,99% bởi hầu hết quỹ có hiệu suất vượt VN-Index như Quỹ đầu tư cổ phiếu kinh tế hiện đại VinaCapital (+34,71%), Quỹ đầu tư lợi thế cạnh tranh bền vững SSI (+33,4%), Quỹ đầu tư tăng trưởng dài hạn Việt Nam (+29,25%)…

Điều gì khiến thị trường 2024 là năm khó tìm kiếm lợi nhuận? Nguyên nhân đầu tiên đến từ mức thanh khoản của thị trường. Tính chung cả năm 2024, tổng giá trị giao dịch khớp lệnh các cổ phiếu trên HoSE đạt 18.523 tỷ đồng, tăng 21,5% so với cả năm 2023.

Thanh khoản tăng song lại tập trung chủ yếu từ tháng 2 đến tháng 6 (tổng giá trị giao dịch liên tục vượt 20.000 tỷ đồng). Từ tháng 7/2024, giá trị giao dịch trên HoSE liên tục giảm. Thậm chí, tháng 12/2024 thanh khoản đạt vỏn vẹn 11.746 tỷ đồng một phiên (thấp nhất tính từ tháng 4/2023).

So sánh với năm 2021 (năm VN-Index vượt mốc 1.500 điểm), giá trị giao dịch bình quân từ tháng 5/2021 luôn vượt mức 20.000 tỷ đồng, thậm chí tháng 11/2021 còn đạt kỷ lục 32.602 tỷ đồng.

Dòng tiền vào thị trường thực tế khá yếu. Theo quan sát của nhiều chuyên gia, việc bất động sản thực nóng lên đã trở thành tâm điểm hút dòng tiền nội. Thanh khoản của thị trường chứng khoán bởi vậy khó cải thiện. Điều này giống với chu kỳ 2010 – 2011, thị trường bất động sản phía Bắc xảy ra sốt nóng cũng đồng thời với giai đoạn thanh khoản của thị trường cạn kiệt và lãi suất ngân hàng nhích tăng.

Cùng với dòng tiền nội, dòng vốn ngoại cũng lảng tránh càng khiến thị trường chứng khoán trở nên “ảm đạm”. USD Index tăng 6,14% khiến nhà đầu tư nước ngoài phải chịu thêm phần chi phí tỷ giá khi đầu tư trên thị trường Việt Nam. Mặt khác, các chỉ số chứng khoán như DowJones, S&P500, Nasdaq liên tục phá đỉnh trong năm 2024 cũng khiến dòng vốn ngoại không “mặn mà” với Việt Nam cũng như các thị trường mới nổi khác.

Theo thống kê, khối ngoại bán ròng kỷ lục hơn 90.000 tỷ đồng trên HoSE và bán ròng 93.000 tỷ đồng trên toàn thị trường, vượt xa mức kỷ lục cũ trong năm 2021.

Một yếu tố khác, theo nhiều ý kiến chuyên gia, đến từ mức định giá chưa thực sự hấp dẫn của VN-Index.

Nhiều báo cáo chiến lược của các công ty chứng khoán gần đây đánh giá P/E (chỉ số đánh giá mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu) của Việt Nam ở mức rất rẻ quanh ngưỡng 12-14 lần. Tuy nhiên, theo nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp Nguyễn Hữu Bình, nếu bỏ nhóm bất động sản và ngân hàng, hệ số này lại trở nên đắt đỏ với hơn 24 lần. Như vậy có thể thấy hai nhóm ngành trên đang rất rẻ và “gánh” cả hệ thống xuống mức thấp.

Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Yuanta Việt Nam – phân tích P/E nhóm ngân hàng ở mức thấp nhờ quy mô vốn còn thấp so với tổng tài sản của nhóm này, còn P/E bất động sản chưa phản ánh đầy đủ bản chất nhóm này.

“Nhiều công ty có kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2024 bị âm (dẫn đến P/E âm), hoặc một số công ty có lợi nhuận thông qua doanh thu hoạt động tài chính. Điều này khiến nhóm địa ốc có mức P/E thấp và khiến P/E toàn thị trường trở nên ‘méo mó’”, ông Minh nói.

Giám đốc Yuanta Việt Nam cũng nhìn nhận P/E của VN-Index khó có thể coi là quá rẻ, nhưng tính hấp dẫn vẫn còn vì kỳ vọng đà tăng trưởng sẽ duy trì trong 2025 và có thể đạt mức tăng trưởng tích cực hơn.

Trong bối cảnh năm 2025 có nhiều yếu tố bên ngoài tác động khó lường (các chính sách của tân Tổng thống Donald Trump, xung đột địa chính trị ở một số khu vực trên thế giới…), việc đầu tư mua vào cổ phiếu ngày càng trở nên khó khăn. Các chuyên gia khuyên nhà đầu tư cần phân tích kỹ lưỡng hơn thay vì giao dịch theo tâm lý FOMO (tâm lý sợ bỏ lỡ).

Theo TS. Lê Đức Khánh – Giám đốc Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán VPS, quá trình trước khi giải ngân mua một cổ phiếu cần phải trải qua nhiều bước. Nhà đầu tư đầu tiên cần phân tích triển vọng của từng nhóm ngành, sau đó là tìm kiếm cổ phiếu tốt dựa trên kết quả kinh doanh, các hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu, cơ cấu tỷ trọng tài sản, nguồn vốn…

“Sau khi tìm được cổ phiếu tốt với nền tảng tài chính lành mạnh, nhà đầu tư cần căn cứ thêm vào định giá doanh nghiệp rồi mới đi đến quyết định giải ngân”, TS. Lê Đức Khánh nói.

Huy Khoa



Nguồn tin: https://vnexpress.net/vi-sao-vn-index-nam-2024-tang-12-nha-dau-tu-van-kho-lai-4834966.html