Đây là chia sẻ của Tổng Giám đốc VSDC tại Toạ đàm “Toàn cảnh thị trường vốn năm 2024 và triển vọng năm 2025” do Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam phối hợp với Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance tổ chức.
Theo bà Bình, hai tiêu chí mà Việt Nam cần cải thiện bao gồm là việc gỡ bỏ yêu cầu bắt buộc nhà đầu tư nước ngoài phải ký quỹ trước khi giao dịch (non-prefunding) và xử lý giao dịch không thành công (failed trade management). Đối với tiêu chí non-prefunding, bà Bình cho hay, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã phối hợp với các thành viên thị trường nỗ lực cải cách. Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 68, với nội dung quan trọng là bỏ yêu cầu bắt buộc ký quỹ đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Sau một tháng triển khai non-prefunding, bà Bình cho biết VSDC đã liên hệ với các thành viên lưu ký đề nghị cung cấp thông tin về tình hình giao dịch, thanh toán giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền khi đặt lệnh (giao dịch NPF) tại các đơn vị này (nếu có) trong thời gian 1 tháng kể từ ngày triển khai Thông tư 68 (4/11/2024).
Cho đến nay VSDC đã nhận được thông tin phản hồi (qua email) từ 4 công ty chứng khoán (CTCK) là MayBank – MSVN, SSI, HSC, Vietcap và 5 ngân hàng lưu ký (HSBC, Standard ChaterBank, Deustche Bank, Citi Bank và BIDV).
Tính hết ngày 29/11/2024, tổng cộng có 327 tài khoản nhà đầu tư tổ chức nước ngoài (NĐTNN) đăng ký giao dịch NPF tại 4 CTCK này và trong tháng 11/2024, các nhà đầu tư nước ngoài này đã thực hiện hơn 19.000 giao dịch với tổng giá trị khoảng 9.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng bình quân khoảng 4,7% số lượng giao dịch mua; 11% tổng giá trị giao dịch mua chứng khoán (cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, CW).
Theo VSDC cho biết, trong tháng 11/2024 đã có 2 lần HSBC xác nhận nhà đầu tư ngoại không đảm bảo khả năng thanh toán vào ngày T+1 (lần 1 nhà đầu tư nước ngoài giao dịch qua Công ty Chứng khoán Vietcap; lần 2 giao dịch qua Công ty CK MSVN). VSDC đã phối hợp chặt chẽ với HSBC và 2 Công ty Chứng khoán nơi nhà đầu tư nước ngoài đặt lệnh để làm rõ thông tin tài khoản , giao dịch không đảm bảo khả năng thanh toán (mã cổ phiếu, số tiền thiếu, số hiệu lệnh …) để sẵn sàng chuyển nghĩa vụ thanh toán đối với giao dịch này sang Công ty Chứng khoán để bù trừ, thanh toán nếu nhà đầu tư nước ngoài không có đủ tiền trên tài khoản trong thời hạn quy định. Tuy nhiên, đến ngày T+2, các nhà đầu tư ngoại đã có đủ tiền để thanh toán nên các giao dịch này đã được VSDC thanh toán theo quy trình thông thường.
Có thể nói, những thông tin trên cho thấy công tác triển khai Thông tư 68 cho đến này đã được VSDC và các bên liên quan thực hiện tốt, không để xảy ra trường hợp NĐTNN thiếu tiền dẫn đến phải chuyển nghĩa vụ thanh toán cũng như ảnh hưởng đến hoạt động thanh toán của thị trường. Việc cung cấp dịch vụ, quản lý rủi ro giao dịch NPF của Công ty Chứng khoán cũng như việc sử dụng cơ chế giao dịch NPF của nhà đầu tư ngoại về cơ bản được thực hiện theo hướng thận trọng, an toàn.
Với tiêu chí cuối cùng để nâng hạng, theo bà Bình, là xử lý giao dịch không thành công (failed trade management), sẽ là giải pháp áp dụng cơ chế thanh toán bù trừ trung tâm (CPP). Liên quan đến vấn đề này, các quy định mới trong Luật Chứng khoán vừa được thông qua đã mở đường cho ngành chứng khoán tiếp tục triển khai các giải pháp nâng hạng theo tiêu chuẩn MSCI (khó đáp ứng hơn tiêu chuẩn của FTSE Russell).
Bà Bình khẳng định, với định hướng đảm bảo sự ổn định của các khuôn khổ thể chế, một trong các công tác chiến lược VSDC cần thực hiện là việc thiết lập công ty con có chức năng đối tác bù trừ trung tâm (CCP) cho thị trường chứng khoán cơ sở. Với cơ chế CCP, VSDC sẽ thực hiện phòng ngừa rủi ro thanh toán cho thị trường chứng khoán cơ sở theo quy định tại Thông tư 119/2020/TT-BTC với nhiều lớp đệm tài chính an toàn.
Được biết, trong quý 3 và 4/2024, VCSD đề xuất bổ sung, chỉnh sửa Luật Chứng khoán và Nghị định 155/CP để chuẩn bị hướng tới thành lập công ty con thực hiện chức năng đối tác bù trừ trung tâm (CCP) cho TTCK cơ sở. Đây là một bước đi cần thiết cho việc quản lý rủi ro thanh toán tổng thể thị trường và tiếp tục hướng tới các tiêu chí nâng hạng cho TTCK Việt Nam trong tương lai. Ngoài ra, quy định công bố thông tin tiếng Anh và việc áp dụng đồng bộ theo lộ trình sẽ từng bước cải thiện tiêu chí minh bạch.
Bên cạnh FTSE, Việt Nam cũng theo đuổi mục tiêu nâng hạng thị trường theo tiêu chuẩn của MSCI. Đối với bộ tiêu chí của MSCI, tới tháng 6/2024 vừa qua, TTCK Việt Nam đã đáp ứng 10/18 tiêu chí. “Có thể kể đến một số tiêu chí còn cần cải thiện như mức giới hạn sở hữu nước ngoài (Foreign Ownership Limit Level), mức sở hữu nước ngoài còn lại (Foreign Room Level) và hay mức độ tự do hóa của thị trường hối đoái chưa đáp ứng…
Có thể nói với những cải cách về thể chế, thị trường sẽ đón nhận dòng vốn lớn đổ về. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra vấn đề về sức ép lên hệ thống với khối lượng, giá trị giao dịch lớn, tần suất giao dịch nhanh hơn. Trường hợp nâng hạng lên thị trường mới nổi, TTCK Việt Nam dự kiến sẽ đón nhận một dòng vốn đầu tư lớn vào khối thị trường mới nổi. Dòng vốn này có thể mang tới khối lượng giao dịch có giá trị lớn, với tần suất giao dịch có thể thường xuyên và liên tục hơn, có thể gây ra áp lực không nhỏ đối với hệ thống giao dịch và hệ thống bù trừ, thanh toán. Tuy nhiên, áp lực duy trì nâng hạng khi đã đạt tiêu chí xếp hạng mới cũng sẽ là một thách thức đối với các bên liên quan.
“Theo trao đổi từ phía FTSE Russell, các bộ điều kiện xếp hạng hoàn toàn có thể thay đổi khi cần thiết, khi có nhu cầu từ phía khách hàng lớn. Như vậy việc tiến tới xếp hạng, được xếp hạng và sau đó là duy trì xếp hạng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào kỳ đánh giá hàng năm của các tổ chức quốc tế. Trường hợp các điều kiện ngày một thay đổi nhanh và nhiều, chúng tôi cần sẵn sàng cho việc kiến nghị thay đổi các quy định pháp lý phù hợp hơn, đồng thời kịp chỉnh sửa, bổ sung về mặt hệ thống khi cần thiết”, Tổng giám đốc VSDC khẳng định.
Hiện nay, rất nhiều TTCK đang cùng lúc có nhiều biến động lớn, chẳng hạn như TTCK Pakistan đang ở mức thị trường mới nổi đã bị xem xét đưa xuống thị trường cận biên, đồng thời gặp phải biến động chính trị; Hoặc trường hợp thị trường Ấn Độ với sự thay đổi khá đột ngột về chu kỳ thanh toán, toàn bộ chuyển sang T+0 từ tháng 10 năm nay đã gây ra nhiều vấn đề cho nhà đầu tư và tổ chức quốc tế trong quá trình hoán đổi ngoại tệ kịp thời cho thanh toán. “Đây chính là những thách thức thực tế mà TTCK Việt Nam cần phải đối mặt và đưa ra kịch bản để giải quyết”, bà Bình chia sẻ.
Source link