Chi tiết

Việt Nam dẫn đầu làn sóng thanh toán không tiếp xúc tại châu Á

Visa, công ty công nghệ thanh toán điện tử hàng đầu thế giới, vừa công bố phân tích mới nhất từ khảo sát do YouGov thực hiện theo ủy quyền của Visa cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ của thanh toán không tiếp xúc tại châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, dữ liệu từ mạng lưới VisaNet được phân tích bởi Bộ phận Phân tích và Tư vấn Visa (VCA) cho thấy gần 1/5 giao dịch được xử lý là không tiếp xúc tính đến tháng 9/2024, cho thấy sự chuyển biến rõ rệt trong hành vi thanh toán của người tiêu dùng.

Tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, ví điện tử (69%) và thanh toán chạm (68%) là các phương thức thanh toán được ưa chuộng hàng đầu. Ở Việt Nam, 80% người tiêu dùng ưa chuộng sử dụng ví điện tử và 68% sử dụng thanh toán chạm bằng điện thoại di động.

Đáng chú ý, có tới 39% người tiêu dùng Việt Nam tin tưởng sử dụng điện thoại thông minh cho các giao dịch giá trị cao, thể hiện niềm tin vào tính bảo mật và sự tiện lợi của các giải pháp thanh toán trên di động.

Thanh toán không tiếp xúc đã trở nên phổ biến tại Việt Nam, với hơn 75% giao dịch trực tiếp bằng thẻ Visa được thực hiện không tiếp xúc, tính đến cuối tháng 11/2024. Sự ra mắt của các ví di động như Apple Pay, Garmin Pay, Google Pay và Samsung Pay đã thúc đẩy đáng kể xu hướng này, cho thấy niềm tin ngày càng tăng của người tiêu dùng và nhu cầu lớn hơn đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMB) trong việc cung cấp các lựa chọn thanh toán liền mạch.

Visa đang tích cực hợp tác với các ngân hàng và đơn vị chấp nhận thẻ để phát triển hệ sinh thái không tiếp xúc toàn diện thông qua sáng kiến “Small Business, Big Future” và bộ công cụ trực tuyến hỗ trợ SMB trong hành trình chuyển đổi số.

Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào, cho biết, Visa hướng đến xây dựng trải nghiệm thanh toán số liền mạch, an toàn và dễ tiếp cận với mọi doanh nghiệp Việt Nam.

“Thông qua hợp tác với các đối tác trong hệ sinh thái thanh toán, chúng tôi nỗ lực đồng hành cùng SMB nắm bắt cơ hội phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động và đóng góp vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam…’, bà Dung chia sẻ.

Mặc dù thanh toán không tiếp xúc mang lại sự tiện lợi vượt trội, bảo mật giao dịch là yếu tố then chốt để xây dựng niềm tin và thúc đẩy việc áp dụng rộng rãi phương thức thanh toán này. Với 51% người được khảo sát tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương tự tin về tính bảo mật khi chạm thẻ để thanh toán, nền kinh tế số của khu vực đã tăng trưởng hơn 2 tỷ USD nhờ việc triển khai Dịch vụ Visa Token (VTS). Điều này càng khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy các giải pháp thanh toán không tiếp xúc an toàn trên toàn khu vực.

Thêm vào đó, thông qua hợp tác với các đối tác cung cấp dịch vụ thanh toán mã QR tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Visa tạo điều kiện thuận lợi cho giao dịch xuyên biên giới, mở ra những cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam trong thương mại quốc tế. Xu hướng này càng được củng cố bởi sự ưa chuộng ngày càng tăng của thanh toán mã QR tại Việt Nam, với 98% người dùng thanh toán di động quét mã QR tại điểm bán (POS) nhờ tính tiện lợi, khả năng chấp nhận rộng rãi, độ tin cậy và tính bảo mật cao

Báo cáo của Ngân hàng nhà nước (NHNN) tại Hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tăng 57,54% về số lượng và 34,54% về giá trị; qua kênh Internet tăng 51,15% về số lượng và 33,94% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 55,54% về số lượng và 34,91% về giá trị, giao dịch qua QR Code tăng 106,91% về số lượng và 109,67% về giá trị; qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 7,00% về số lượng và 33,77% về giá trị; Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 31,60% về số lượng và 16,48% về giá trị.
Theo NHNN có được kết quả này là do khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách cho hoạt động TTKDTM và hoạt động ngân hàng số tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, tạo sự đồng bộ và điều kiện thuận lợi cho phát triển TTKDTM, thúc đẩy hoạt động ngân hàng số, ứng dụng công nghệ mới và đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán.
Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho công chúng trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng trên môi trường mạng. Nhờ dó, hoạt động TTKDTM và chuyển đổi số ngân hàng tiếp tục đạt kết quả tích cực



Nguồn