Dự án Đường sắt cao tốc Bắc Nam dài trên 1.500 km dự kiến triển khai vào 2026-2027, theo Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chiều 25/6 làm việc với ông Lâu Tề Lương, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thông tin tín hiệu đường sắt Trung Quốc (CRSC) tại thành phố Đại Liên (tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc).
CRSC trực thuộc Ủy ban quản lý vốn nhà nước Trung Quốc (SASAC), nhà cung cấp hệ thống điều khiển vận tải đường sắt lớn nhất thế giới, là cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc về tiêu chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn sản phẩm các hệ thống kiểm soát vận tải đường sắt.
Chia sẻ tại buổi làm việc, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, theo kế hoạch, Việt Nam phát triển hệ thống đường sắt cao tốc Bắc – Nam dài hơn 1.500 km, dự kiến triển khai trước năm 2030, cụ thể vào giai đoạn 2026-2027. Để triển khai, ông cho hay, Việt Nam muốn hợp tác với Trung Quốc về lĩnh vực đường sắt, toa xe và tín hiệu.
“Đây là ba cấu phần giữ vai trò quyết định an toàn của các tuyến đường sắt, kể cả đường sắt cao tốc và đô thị”, Bộ trưởng Thắng nói, thêm rằng Trung Quốc có công nghệ tốt về phát triển đường sắt, giá thành hợp lý, nên đây là cơ hội tốt để hai bên hợp tác thông qua cơ chế hỗ trợ như vay vốn ODA, tín dụng xuất khẩu.
Việt Nam đặt mục tiêu đến 2025 có 3.000 km đường cao tốc và tăng lên 5.000 km vào 2030. Hạ tầng đường sắt, nhất là dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam sẽ được đầu tư nhằm hoàn thiện mạng lưới vận tải đa phương thức, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Cuối tháng 11/2023, Bộ Giao thông Vận tải xin ý kiến về ba kịch bản đường sắt Bắc – Nam, trong đó có hai kịch bản tàu tốc độ 350 km/h chở khách riêng và dự phòng chở hàng.
Tại buổi tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định Trung Quốc là quốc gia có thế mạnh về phát triển đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị. Ông mong muốn nước này hỗ trợ về thiết kế, thi công, chuyển giao công nghệ, trong đó phát triển các dự án đường sắt từ Vân Nam qua Lào Cai đi Hải Phòng, tuyến Lạng Sơn đi Hà Nội và tuyến Đông Hưng đi Móng Cái, về Hải Phòng. Ba tuyến đường sắt này có chiều dài trên 700 km, giữ vai trò quan trọng trong thúc đẩy giao thương giữa hai nước.
CRSC hiện là doanh nghiệp lớn nhất Trung Quốc trong lĩnh vực tín hiệu đường sắt. Riêng về lĩnh vực tàu điện ngầm, tập đoàn chiếm thị phần 45%. Đây cũng là nhà cung cấp hệ thống điều khiển vận tải đường sắt lớn nhất thế giới, xây dựng chuỗi công nghiệp hoàn chỉnh từ thiết kế và R&D đến sản xuất thiết bị và dịch vụ kỹ thuật của hệ thống điều khiển vận tải đường sắt.
Ông Lâu Tề Lương, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CRSC nói tập đoàn này muốn có cơ hội hợp tác với Việt Nam. Bởi, tập đoàn này có thế mạnh từ khâu thiết kế đến sản xuất hệ thống tín hiệu kiểm soát đường sắt, trong đó có phần mềm, số hóa thiết bị – tạo thành chuỗi khép kín sản xuất, cung ứng giúp giá cạnh tranh, an toàn, chất lượng.
Ông cũng cho rằng nguồn nhân lực có vai trò rất quan trọng trong phát triển các dự án đường sắt. Doanh nghiệp này có thể hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển (R&D) và tín hiệu đường sắt, bởi đây là những yếu tố quan trọng trong phát triển hệ thống đường sắt.
Đồng tình quan điểm này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay đào tạo nhân lực cho các dự án đường sắt ở Việt Nam đang gặp khó khăn. Do đó, Việt Nam muốn hợp tác với Trung Quốc về đào tạo nguồn nhân lực, chỉ huy, kiểm soát, thiết kế trong dự án đường sắt.
“Nhân lực phải đi trước một bước, rồi mới chuyển giao công nghệ. Nếu giá thành sản phẩm, logistics vẫn cao thì khó cạnh tranh trên thị trường. Vì thế, chúng tôi mong muốn tập đoàn tham gia”, Thủ tướng nói, đồng thời đề nghị lãnh đạo tập đoàn sang Việt Nam trao đổi cụ thể với các bộ, ngành để xúc tiến các dự án.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, Chính phủ Việt Nam – Trung Quốc đang chỉ đạo triển khai 3 dự án đường sắt kết nối hai nước, dự kiến giữa năm 2025 hai bên sẽ làm dự án đầu tiên là Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng.
Bộ trưởng Giao thông vận tải cũng gợi mở hướng hợp tác các dự án đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối cảng biển tới các khu kinh tế, khu công nghiệp, sân bay và cửa khẩu. Theo ông, đây là các dự án có hiệu quả kinh tế cao, nên ngoài dự án do Nhà nước rót vốn, Việt Nam cũng kêu gọi các doanh nghiệp như CRSC tham gia đầu tư qua hình thức đối tác công tư (PPP).
Tập đoàn CRSC hoạt động tại hơn 20 quốc gia và khu vực, bao gồm dự án Jakarta-Bandung HSR ở Indonesia, Đường sắt Hungary-Serbia và Đường sắt Trung Quốc-Lào.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/viet-nam-du-kien-lam-duong-sat-cao-toc-bac-nam-vao-2026-2027-4762559.html