Đầu tư tác động được hiểu đơn giản là hoạt động đầu tư vào các dự án nhằm tạo ra tác động cho xã hội hoặc môi trường. Đây là một phương thức sáng tạo để thúc đẩy đóng góp của khu vực tư nhân vào sự phát triển bền vững…
Tại Diễn đàn Đầu tư Tác động Việt Nam 2024 do Quỹ Impact Investment Exchange hợp tác cùng Bộ các Vấn đề Toàn cầu Canada (GAC) và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, TS Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển Doanh nghiệp (VCCI) cho biết, Việt Nam hiện đã có một hệ sinh thái đầu tư tác động sôi động và đang phát triển nhanh chóng.
Theo báo cáo của UNDP và Bộ KH&ĐT năm 2022, Việt Nam có khoảng 22.000 doanh nghiệp tác động xã hội và con số này có xu hướng tăng liên tục. Trong đó, số doanh nghiệp tác động xã hội có quy mô nhỏ và siêu nhỏ chiếm 89%, và có đến 72% doanh nghiệp loại này có doanh thu dưới 5 tỷ đồng/năm. Các doanh nghiệp tác động xã hội đang tập trung nhiều trong các lĩnh vực như nông nghiệp, thủy sản, thực phẩm; giáo dục đào tạo kỹ năng, sinh kế phi nông nghiệp (may, nấu ăn, sản xuất mây tre đan); tư vấn, hỗ trợ kinh doanh, thủ công mỹ nghệ …
Báo cáo chỉ số đầu tư Tác động (Chỉ số Cam) 2024 – một công cụ đo lường đột phá giúp đánh giá sự tiến bộ của các quốc gia trên con đường hướng đến một tương lai bền vững và bao trùm, cho thấy Chỉ số Cam Việt Nam 2024 đạt 50 điểm, xếp Việt Nam vào hàng các quốc gia dẫn đầu ASEAN, vượt qua mức trung bình toàn cầu là 41.
Chỉ số Cam đánh giá ba trụ cột chính: Tác động Cộng đồng, Bình đẳng Giới và Bảo vệ Khí hậu, với thang điểm từ 1 đến 100, trong đó 100 là mức đánh giá cao nhất về thành tựu đạt được.
Đáng chú ý, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong lĩnh vực bình đẳng giới với 49 điểm, cao hơn mức trung bình toàn cầu và vượt qua phần lớn các quốc gia trong khu vực ASEAN. Điều này phản ánh vai trò quan trọng của các doanh nghiệp tác động xã hội trong việc trao quyền cho phụ nữ thông qua lãnh đạo và tham gia kinh tế.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những thách thức trong lĩnh vực bền vững môi trường, khi Việt Nam chỉ đạt 43 điểm, chỉ ra những khu vực cần có các can thiệp cụ thể, đặc biệt là trong quản lý chất thải, bảo tồn nước và sức khỏe đất.
“Các doanh nghiệp tạo tác động xã hội của Việt Nam đang đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các mục tiêu xã hội và môi trường. Mặc dù chúng ta đã ghi nhận những tiến bộ đáng khích lệ qua Chỉ số Cam, nhưng điểm số thấp ở lĩnh vực môi trường lại cho thấy sự cần thiết phải tiếp tục đầu tư và cải cách chính sách để nâng cao tính bền vững và khả năng thích ứng lâu dài.”- TS. Lương Minh Huân chia sẻ.
Mặc dù chỉ ra thách thức về khung pháp lý và tiếp cận nguồn vốn, song Viện trưởng Viện Phát triển Doanh nghiệp tại VCCI tự tin khi cho rằng, với hệ sinh thái đầu tư tác động sôi động và đang phát triển nhanh chóng, Việt Nam có cơ hội trở thành trung tâm đầu tư tác động hàng đầu Đông Nam Á, thu hút nhiều nguồn vốn quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực doanh nghiệp xã hội.