Việt Nam và Nga tiếp tục hợp tác tại các dự án dầu khí hiện có và mới, gồm cung cấp, chế biến dầu thô, khí hóa lỏng, theo Tuyên bố chung.
Nội dung trên nêu tại Tuyên bố chung nhân chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Việt Nam ngày 19-20/6. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 30 năm ký kết Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Nga.
Theo tuyên bố này, hai nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp dầu khí Việt Nam mở rộng hoạt động tại Nga và các công ty dầu khí Nga tại thềm lục địa Việt Nam. Việc này thực hiện phù hợp với luật pháp hai nước và quốc tế, gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.
Hai bên tiếp tục hợp tác tại các dự án dầu khí hiện có và mới, gồm cung cấp, chế biến dầu thô, khí hóa lỏng cho Việt Nam. Trong đó, xây mới và hiện đại hóa các cơ sở điện năng được đánh giá là hướng hợp tác triển vọng.
Năng lượng là lĩnh vực hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Nga. Từ năm 1982, liên doanh thăm dò và khai thác dầu khí Vietsovpetro được thành lập để khai thác các mỏ tại thềm lục địa Việt Nam. Qua hơn bốn thập kỷ, khối lượng dầu do liên danh này sản xuất đã vượt 250 triệu tấn.
Tại Nga, liên doanh Rusvietpetro đang thực hiện dự án dầu khí tại Khu tự trị Nhenhetxky. Được thành lập năm 2008, Rusvietpetro đã khai thác hơn 35 triệu tấn dầu từ lòng đất.
Ngoài dầu khí, Việt Nam và Nga tăng hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực khoáng sản, công nghiệp, chế tạo máy. Các lĩnh vực công nghệ số, giao thông – vận tải, đóng tàu, đường sắt, sản xuất nông nghiệp… cũng nằm trong chiến lược hợp tác giữa hai bên.
Thương mại hai nước sẽ được thúc đẩy hợp tác trên cơ sở Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các quốc gia thành viên Liên minh kinh tế Á – Âu ký ngày 29/5/2015.
Năm ngoái, kim ngạch thương mại Việt – Nga đạt trên 3,6 tỷ USD. Riêng 5 tháng đầu năm, con số này là gần 2 tỷ USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, hàng Việt xuất sang Nga đạt 956 triệu USD, tăng 45%.
Nông sản, thủy sản, may mặc là những nhóm hàng chủ lực, thế mạnh của Việt Nam sang “xứ sở Bạch Dương”. Ngược lại, Việt Nam nhập than đá, phân bón, hóa chất… từ Nga.
Thương mại, đầu tư và tài chính – tín dụng sẽ được tạo thuận lợi hơn nữa nhằm tăng trao đổi hàng hóa. Hai nước nhất trí phát triển hệ thống thương mại đa phương bao trùm, minh bạch và không phân biệt đối xử, dựa trên các quy tắc của Tổ chức thương mại thế giới (WTO).
Lãnh đạo Việt Nam và Nga cũng ủng hộ mở rộng hợp tác du lịch, gồm tăng số lượng các chuyến bay thẳng thường lệ, bay thuê chuyến và đơn giản thủ tục đi lại cho công dân hai nước.
Nga tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương, ủng hộ và cam kết phối hợp chặt với Việt Nam hướng tới tổ chức thành công Năm APEC Việt Nam 2027.
Phương Dung
Nguồn tin: https://vnexpress.net/viet-nam-nga-se-tang-hop-tac-trong-linh-vuc-dau-khi-4760793.html