Chi tiết

Việt Nam sở hữu mỏ ‘vàng đỏ’ trữ lượng gấp 8 lần Trung Quốc, riêng tại 1 tỉnh đã khai khác 2.000 năm cũng chưa hết

Kho báu đặc biệt này của Việt Nam lớn thứ 2 thế giới.

Theo công bố năm 2023 của Cục Khảo sát địa chất Mỹ, trữ lượng bô xít của thế giới đạt khoảng 31 tỷ tấn. Trong đó, Việt Nam đang sở hữu trữ lượng bô xít đứng thứ hai thế giới với 5,8 tỷ tấn – gấp 8 lần Trung Quốc (710.000 tấn) và 290 lần Mỹ (20.000 tấn).

Guinea là quốc gia có trữ lượng bô xít lớn nhất thế giới. 5 quốc gia có trữ lượng bô xít lớn nhất thế giới gồm có: Guinea (7,4 tỷ tấn), Việt Nam (5,8 tỷ tấn), Úc (5,1 tỷ tấn), Brazil (2,7 tỷ tấn), Jamaica (2 tỷ tấn).

Bô xít – nguồn quặng nhôm quý giá là nền tảng để sản xuất alumin (Al2O3), nguyên liệu chính trong quy trình điện phân nhôm. Quy trình chế biến này đòi hỏi hai bước quản trọng: sản xuất alumin theo công nghệ Bayer và điện phân để tách nhôm từ alumin.

Theo đánh giá, quặng bô xít được phân bố chủ yếu ở các khu vực nhiệt đới, Địa Trung Hải và vòng xích đạo. Các khu vực giàu tài nguyên này bao gồm Úc, Nam và Trung Mỹ, châu Phi và châu Á. Tại châu Á, Việt Nam nổi lên như một điểm nhấn khi trữ lượng bô xít được đánh giá đứng hàng đầu.

Việt Nam sở hữu mỏ 'vàng đỏ’ trữ lượng gấp 8 lần Trung Quốc, riêng tại 1 tỉnh đã khai khác 2.000 năm cũng chưa hết
Mỏ bô xít tại Đắk Nông có trữ lượng tới 1,8 tỷ tấn quặng tinh. Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Đắk Nông

Trong nội địa Việt Nam, tỉnh Đắk Nông đứng đầu về trữ lượng bô xít. Địa phương này đang sở hữu kho tàng tài nguyên lớn với 1,8 tỷ tấn quặng tinh, tương đương 4,2 tỷ tấn quặng nguyên khai.

Quá trình thăm dò và khai thác đã chỉ ra quặng bô xít tại Đắk Nông chiếm khoảng 1/3 diện tích toàn tỉnh, phân bố rộng trên nhiều khu vực dân cư, đường giao thông và các dự án hạ tầng kinh tế. Điều này đòi hỏi một quy trình khai thác cẩn thận, hạn chế tác động xấu đến môi trường và đảm bảo an sinh xã hội.

Năm 2016, Nhà máy Alumin Nhân Cơ đã đi vào vận hành thương mại, trở thành đơn vị chủ lực trong quy trình chế biến bô xít thành alumin. Nhà máy này được thiết kế với công suất 650.000 tấn alumin/năm, đóng vai trò cốt yếu trong hệ sinh thái khai thác bô xít tại Việt Nam.

Việt Nam sở hữu mỏ 'vàng đỏ’ trữ lượng gấp 8 lần Trung Quốc, riêng tại 1 tỉnh đã khai khác 2.000 năm cũng chưa hết
Nhà máy Alumin Nhân Cơ. Ảnh: VnEconomy

Nếu duy trì công suất 650.000 tấn alumin/năm thì trữ lượng thăm dò 1,8 tỷ tấn quặng tinh tại Đắk Nông có thể khai thác trong hơn 2.700 năm.

Theo đề xuất của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), Nhân Cơ có thể nâng công suất lên đến 2 triệu tấn alumin/năm trong tương lai. Kế hoạch này nhận được sự ủng hộ từ Bộ Công Thương và Thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông.

Nhà máy Alumin Nhân Cơ không chỉ tạo ra các sản phẩm chế biến nhôm, mà còn đem lại những tác động tích cực cho kinh tế và xã hội địa phương. Tại đây, nhà máy đang tạo việc làm trực tiếp cho hơn 1.000 lao động địa phương, với thu nhập bình quân 14 triệu đồng/người/tháng.

Hơn nữa, Nhân Cơ góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, tăng cường các ngành dịch vụ và thương mại. Dự án đã đóng góp hơn 400 tỷ đồng/năm cho ngân sách tỉnh, đảm bảo các yếu tố về môi trường, quốc phòng và văn hóa.

Dù đã gặt hái nhiều thành tựu, quá trình khai thác bô xít tại Đắk Nông vẫn đối diện với những khó khăn về thủ tục đầu tư, hạ tầng và ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, nhờ vào sự quyết tâm của các cơ quan chức năng và địa phương, Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng mỏ quý này để thúc đẩy kinh tế và tăng sự ổn định xã hội.



Nguồn tin