Chi tiết

Việt Nam-Thái Lan phấn đấu sớm đạt kim ngạch thương mại 25 tỷ USD

Sáng 27/9, tại TP. Đà Nẵng, Bộ Ngoại giao phối hợp với Tổng Lãnh dự quán Thái Lan tại TP.HCM và UBND TP. Đà Nẵng tổ chức Hội nghị gặp gỡ Thái Lan tại Đà Nẵng.

Sự kiện là cơ hội để các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác Thái Lan gặp gỡ, trao đổi về nhu cầu, tiềm năng, lợi thế, tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh mới.

Bà Nguyễn Minh Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, hiện nay, Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất, nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 2 của Việt Nam trong ASEAN. Với 19 cặp địa phương kết nghĩa, Việt Nam và Thái Lan là hai nước có số lượng địa phương kết nghĩa nhiều nhất trong các nước thành viên ASEAN.

Theo bà Hằng, hai nước đang phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều sớm đạt 25 tỷ USD theo hướng cân bằng và bền vững hơn. Đây là cơ hội để doanh nghiệp, địa phương hai nước thúc đẩy hợp tác, mở rộng kinh doanh và đầu tư, tạo thuận lợi tiếp cận thị trường đối với hàng hóa của mỗi nước.

Bà Nguyễn Minh Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Ảnh: Thành Vân.

Đồng thời, đây là dịp để hai nước cùng nắm bắt những thời cơ phát triển mới trước những thay đổi mang tính thời đại của thế giới, thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên cao của mỗi nước là như kinh tế số, kinh tế xanh, các ngành công nghệ cao…

“Chính phủ Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Thái Lan kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam. Với sự đồng hành, hỗ trợ của các bộ/ngành Trung ương, trong đó có Bộ Ngoại giao và sự chung tay của bạn bè, đối tác, nhà đầu tư quốc tế, tôi tin rằng các địa phương như Đà Nẵng sẽ là lựa chọn ưu tiên của các nhà đầu tư Thái Lan trong thời gian tới”, bà Hằng nói.

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng có vị trí địa lý đặc biệt thuận lợi và là một trong những cửa ngõ hướng ra biển của Hành lang kinh tế Đông – Tây, có tiềm năng trở thành một phần trong mạng lưới chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu do thuận lợi trong kết nối các khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, cũng như tiềm năng trở thành thành phố phát triển du lịch bền vững khi là điểm kết nối các di sản thế giới trong khu vực.

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng. Ảnh: Thành Vân.

Phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý chiến lược của Đà Nẵng, chính quyền thành phố đã xây dựng và triển khai nhiều chính sách nhằm giúp Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế – xã hội lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế biển, hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung với vai trò trung tâm, tiến đến trở thành đầu mối giao thương quan trọng trong khu vực Đông Nam Á.

Trong đó, thành phố ưu tiên phát triển một số lĩnh vực như: công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số; công nghiệp vi mạch bán dẫn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo… Đặc biệt, TP. Đà Nẵng đang huy động mọi nguồn lực để xây dựng Cảng Liên Chiểu trở thành cảng cửa ngõ của chuỗi cung ứng dịch vụ logistics vào các nước ASEAN và châu Á – Thái Bình Dương.

“Hội nghị là dịp để các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng doanh nghiệp cùng nhau thảo luận, chia sẻ và đưa ra những giải pháp chiến lược nhằm tạo điều kiện các bên liên quan tham gia sâu hơn vào chuỗi kết nối cung ứng, thúc đẩy việc sản xuất và tiêu thụ hàng hóa. Đồng thời, hy vọng sẽ có nhiều đối tác, doanh nghiệp Thái Lan đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, hợp tác kinh doanh tại Đà Nẵng”, ông Minh cho hay.

Việt Nam và Thái Lan đang phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều sớm đạt 25 tỷ USD theo hướng cân bằng và bền vững hơn. Ảnh: Bộ Công Thương.

Lãnh đạo TP. Đà Nẵng cũng khẳng định, thành phố sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Thái Lan nói riêng đầu tư, kinh doanh có hiệu quả và sinh sống an bình tại thành phố.

Bà Wiraka Moodhitaporn, Tổng Lãnh sự Thái Lan tại TP.HCM cho biết, Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong Đông Nam Á và đứng thứ 6 trên thế giới, là nhà đầu tư nước ngoài xếp thứ 9 tại Việt Nam. Doanh nghiệp Thái Lan chú trọng trở thành những nhà đầu tư có chất lượng, hoạt động kinh doanh có tinh thần trách nhiệm, gắn bó với nhân dân và các hoạt động xã hội…

Đáng chú ý, trong 8 tháng năm 2024, khách du lịch Thái Lan đến Việt Nam đạt 274.094 lượt khách. Trong khi đó, khách du lịch Việt Nam sang Thái Lan du lịch lên tới 719.009 lượt khách.

Bà Wiraka Moodhitaporn đánh giá, Đà Nẵng là trung tâm phát triển kinh tế xã hội miền Trung, nổi bật là công nghiệp du lịch, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năng lượng sạch và phát triển kinh tế xanh, trung tâm vận tải và logistics quan trọng.

“Với những tiềm năng và quan hệ tốt đẹp, tôi kỳ vọng trong thời gian tới sẽ mở ra cơ hội phát triển hợp tác về thương mại đầu tư, tích hợp kết nối chuỗi cung ứng, hỗ trợ kinh tế địa phương, logistics và còn giúp kết nối du lịch”, bà Wiraka Moodhitaporn chia sẻ.



Nguồn