Chi tiết

Việt Nam ứng phó thế nào với nguy cơ “chảy máu chất xám” ngành bán dẫn?

samsung.jpg
Samsung Việt Nam phối hợp với NIC triển khai các lớp đào tạo về AI, IoT và Big data dành cho khoảng 200 sinh viên.

Ngày 11/11 vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba đã công bố một kế hoạch tham vọng nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp chip và trí tuệ nhân tạo (AI) Nhật Bản. Theo đó, một gói hỗ trợ trị giá 10 nghìn tỷ yên (65 tỷ USD) sẽ được triển khai vào năm tài khóa 2030, bên cạnh mục tiêu thu hút đầu tư công – tư lên tới 50 nghìn tỷ yên (325 tỷ USD) trong 10 năm tới.

Không thể thiếu vai trò đối tác

Mặc dù có mục tiêu tham vọng, Chính phủ Nhật Bản hiểu rằng khó có thể hiện thực hóa chỉ với nguồn lực nội địa. Do đó, các khoản trợ cấp còn nhằm thu hút các công ty hàng đầu thế giới về Nhật Bản.
Các nhà sản xuất chip như TSMC, Samsung Electronics và Intel Corp đã đồng ý đầu tư hàng tỷ USD vào Nhật Bản. Là một phần của dự án Rapidus, tập đoàn IBM đang đào tạo khoảng 100 kỹ sư Nhật Bản để nâng cao trình độ chuyên môn về chip. Cùng với TSMC và Micron Technology, ASML Holding cũng đang đầu tư vào cơ sở sản xuất và nghiên cứu tại Nhật Bản.

Theo các chuyên gia, việc thu hút những công ty này sẽ giúp Nhật Bản nhanh chóng thúc đẩy tích hợp theo chiều dọc trên toàn bộ chuỗi cung ứng và xây dựng hệ sinh thái bán dẫn mạnh mẽ hơn. Nhật Bản cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác với các đối tác như Mỹ, Anh, Đài Loan và một số quốc gia EU nhằm thúc đẩy nghiên cứu và phát triển chất bán dẫn thế hệ tiếp theo.

Trong chiến lược này, Rapidus sẽ đóng vai trò trung tâm. Rapidus đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế như IBM và Imec để phát triển công nghệ bán dẫn tiên tiến, bao gồm sản xuất chip kích thước 2nm – một bước tiến đáng kể nhằm thu hẹp khoảng cách với Đài Loan và Hàn Quốc.

Gần đây, nhà máy của Rapidus tại Hokkaido dự kiến sẽ nhận máy in thạch bản EUV tiên tiến của ASML vào cuối năm nay – một cột mốc quan trọng cho ngành bán dẫn Nhật Bản. Tiến độ xây dựng nhà máy đã đạt khoảng 63%, dự kiến bắt đầu sản xuất thử nghiệm chip 2nm vào năm 2025 và sản xuất hàng loạt vào năm 2027. Chủ tịch Rapidus, ông Atsuyoshi Koike, còn cho biết công ty có kế hoạch mở rộng sản xuất chip 1,4nm trong tương lai với sự hỗ trợ từ thiết bị EUV của ASML.

Việt Nam cần giải pháp ứng phó

Liên quan đến chiến lược 65 tỷ USD của Nhật Bản để thúc đẩy ngành bán dẫn, ông Nguyễn Thanh Yên – Tổng Giám đốc Công ty Thiết kế vi mạch CoAsia Semi (Hàn Quốc) tại Việt Nam – dự báo triển vọng hợp tác rõ ràng nhất giữa Việt Nam và Nhật Bản sẽ nằm ở mảng nhân lực. “Nhật Bản có thể sẽ cần lực lượng lao động cho chiến lược này. Với Việt Nam, Nhật Bản có thể nhập khẩu lao động, thậm chí cả sinh viên sang học tập, hoặc chuyển đổi lao động từ ngành liên quan sang bán dẫn,” ông Yên nhận định.

Tình trạng thiếu hụt nhân lực trong ngành bán dẫn đang diễn ra trầm trọng trên toàn cầu. Nhật Bản đang thiếu khoảng 1.000 nhân lực chất lượng cao mỗi năm, trong khi Mỹ cần bổ sung từ 70.000 đến 90.000 lao động ở mọi cấp độ để đáp ứng nhu cầu sản xuất chip trong nước.

Nhật Bản và Việt Nam cũng đã có truyền thống hợp tác về cung cấp nhân lực trong nhiều ngành. Tính đến hết tháng 10/2023, thị trường Nhật Bản đã chiếm gần 50% trong hơn 130.000 lao động Việt Nam xuất cảnh. Với ngành bán dẫn đang phát triển, các chuyên gia và lao động có tay nghề cao của Việt Nam được dự báo sẽ có nhiều cơ hội tại các công ty chip ở Nhật Bản.

Tuy nhiên, nguy cơ mất nhân lực chất lượng cao trong ngành bán dẫn lại là một thách thức lớn đối với Việt Nam. Nước ta đang cần từ 5.000 đến 10.000 kỹ sư bán dẫn mỗi năm, nhưng khả năng đáp ứng chỉ đạt khoảng 20%. Nếu các doanh nghiệp Nhật Bản thu hút nhân lực bằng môi trường làm việc và mức lương hấp dẫn, vấn đề này sẽ càng trở nên trầm trọng.

“Về nguồn nhân lực, các công ty nước ngoài luôn có nhu cầu nhân sự đã có kinh nghiệm. Điều này nhấn mạnh vai trò quan trọng của các doanh nghiệp trong việc tuyển dụng và đào tạo sinh viên mới ra trường nhằm xây dựng nguồn nhân lực kinh nghiệm cho tương lai”, ông Yên nhấn mạnh.

Để ứng phó với nguy cơ “chảy máu chất xám,” ông Yên cho rằng Việt Nam cần nắm bắt cơ hội hợp tác với Nhật Bản, không chỉ để chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ mà còn để đẩy nhanh tốc độ đào tạo lực lượng kỹ sư chất lượng cao. Các chương trình trao đổi hoặc hợp tác nghiên cứu có thể giúp nâng cao trình độ nguồn nhân lực trong nước, đồng thời tận dụng mạng lưới sản xuất quốc tế.

Ngoài ra, các doanh nghiệp trong nước cần cải thiện môi trường làm việc và tăng mức đãi ngộ để cạnh tranh với các công ty quốc tế. Kết hợp với việc xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và trường đại học, Việt Nam có thể giải quyết vấn đề thiếu hụt kỹ sư và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành bán dẫn.

Nguồn