DĐDN đã có cuộc trao đổi với ông John Goyer, Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á của Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham), xung quanh vấn đề này.
– Việc Tổng thống đắc cử Donald Trump đe dọa tăng thuế quan nhập khẩu đối với toàn bộ đối tác thương mại của Mỹ sẽ ảnh hưởng thế nào đến triển vọng thương mại Việt – Mỹ, thưa ông?
Điều này phụ thuộc vào mức độ sâu rộng của các mức thuế quan. Nếu thuế quan được sử dụng để tác động đến các chính sách cụ thể ở Việt Nam, hoặc nhắm mục tiêu có tính chiến lược, thì đó là một chuyện. Nhưng nếu thuế quan áp dụng lên tất cả sản phẩm được nhập khẩu từ Việt Nam và các nước khác, thì tác động sẽ là một chuyện khác, với hệ quả là tăng trưởng kinh tế giảm sút đối với tất cả các bên.
Ở Mỹ, điều này cũng sẽ gây ra tác động lạm phát, dẫn tới hạn chế tiêu dùng. Ảnh hưởng cũng sẽ lan đến các doanh nghiệp nhỏ, vừa và lớn đang nhập khẩu nguyên liệu thô hoặc linh kiện để sản xuất ở Mỹ.
Ngoài ra, sẽ có khả năng xuất hiện các biện pháp trả đũa thuế quan từ các nước đối tác đối với Mỹ. Vì vậy, tôi lo ngại về một vòng xoáy leo thang xung đột thuế quan có thể gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng.
– Theo ông, khi Tổng thống đắc cử Donald Trump đang muốn đưa sản xuất trở về nước Mỹ, có làm hạn chế cơ hội của Việt Nam trong thu hút đầu tư hay không?
Tôi nghĩ điều đó sẽ không xảy ra. Bởi vì, nếu Mỹ áp thuế quan lên mọi hàng hóa, điều đó cũng sẽ không mang ngành sản xuất giày dép, hay ngành công nghiệp dệt may trở về nước Mỹ.
Có những lĩnh vực sẽ có hiệu quả lớn hơn, như Đạo luật CHIPS hay Đạo luật giảm lạm phát (IRA) đã chứng minh. Nhưng những điều này liên quan đến trợ cấp lớn từ Chính phủ, không phải câu chuyện về thuế quan. Các trợ cấp lớn đã thu hút đầu tư quay trở lại nước Mỹ, nhưng điều đó rất tốn kém.
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính nói rằng Việt Nam đã tham gia 65 hiệp định thương mại tự do, bao gồm CPTPP và RCEP. Điều này góp phần giúp Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn. Vì vậy, nếu một công ty Mỹ hay bất kỳ công ty nước ngoài nào đầu tư vào Việt Nam, về nguyên tắc, họ có thể tận dụng lợi ích từ các hiệp định này để xuất khẩu hàng hóa sang các nước thứ ba từ Việt Nam.
– Đầu tư gia tăng từ Trung Quốc vào Đông Nam Á tác động thế nào đến môi trường kinh doanh và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Mỹ trong khu vực, đặc biệt ở Việt Nam, thưa ông?
Tôi nghĩ rằng ở một mức độ nào đó, hai nước cạnh tranh trong các lĩnh vực khác nhau. Mỹ là nước dẫn đầu trong các lĩnh vực như chất bán dẫn và công nghệ cao. Trung Quốc cũng có công nghệ cao, nhưng Mỹ có công nghệ tiên tiến hơn. Ngoài ra, đầu tư của Trung Quốc thường tập trung vào các lĩnh vực như đường sá, cảng biển, cao tốc, cơ sở hạ tầng vật chất – nơi các công ty Mỹ không phải là những “người chơi” lớn.
Ngược lại, chúng tôi tập trung nhiều hơn vào hạ tầng mềm, như hạ tầng số, một phần nào đó là thương mại điện tử và chắc chắn là các nền tảng số. Vì vậy, không có sự trùng lặp hoàn toàn trong các lĩnh vực cạnh tranh.
– Ông có khuyến nghị cụ thể nào để Việt Nam tiếp tục tăng cường thu hút đầu tư từ Mỹ ngay cả khi đối mặt với khả năng tăng rào cản thuế quan?
Có một số giải pháp mà tôi nghĩ là hợp lý, như nhập khẩu LNG của Mỹ. Mỹ có LNG và Việt Nam cũng cần sản phẩm này. Phía Mỹ có những hạn chế trong xuất khẩu LNG, nhưng nếu vấn đề này được giải quyết, nó sẽ giúp ích. Máy bay Boeing cũng là một phần quan trọng. Nhưng tôi e rằng những lĩnh vực này không thể tự cân bằng cán cân thương mại vì thâm hụt thương mại giữa hai nước quá lớn và mang tính cấu trúc.
Dù vậy, có một số khuyến nghị khác. Việt Nam nên tăng cường hoạt động du lịch y tế sang Mỹ hoặc trong lĩnh vực giáo dục. Tuy nhiên, có một trở ngại một phần nằm ở hệ thống thị thực nghiêm khắc của Mỹ. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể xem xét các vấn đề về quy định và cách các bộ luật được thực thi, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế số, để tìm cơ hội mới.
Tôi nghĩ hai quốc gia cần có càng nhiều đối thoại càng tốt để hiểu nhau hơn. Nhưng không ai được phép chủ quan, dù là Việt Nam hay bất kỳ quốc gia nào khác, vì mối đe dọa về thuế quan là rất nghiêm trọng. Các quốc gia cần sẵn sàng phản ứng nhanh để giảm thiểu thiệt hại cho nền kinh tế của mình và hạn chế thiệt hại cho thương mại toàn cầu. Ở phía Mỹ, chúng tôi cũng lo lắng về các tác động lạm phát, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nhỏ, vừa và lớn trong nước.
– Trân trọng cảm ơn ông!