Chi tiết

Vietcombank sắp trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam?

Vietcombank dự kiến tăng vốn điều lệ thêm 27.666 tỷ đồng, vươn lên dẫn đầu hệ thống ngân hàng nếu Quốc hội thông qua nghị quyết vào ngày mai.

Ngày mai (30/11), Quốc hội dự kiến biểu quyết thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, bao gồm quyết định về chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).

Nếu được phê duyệt, Vietcombank có thể phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, qua đó tăng vốn điều lệ thêm 27.666 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ chi trả 49,5%. Điều này sẽ đưa vốn điều lệ của Vietcombank lên 83.557 tỷ đồng, vượt qua VPBank (79.339 tỷ đồng) và Techcombank (70.450 tỷ đồng), trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống.

Ngoài Vietcombank, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang phối hợp với các bộ ngành để trình chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại BIDV và VietinBank từ nguồn lợi nhuận còn lại các năm trước.

Tại đại hội cổ đông thường niên 2024, BIDV đã thông qua kế hoạch phát hành gần 1,2 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022, với tỷ lệ 21%, dự kiến triển khai trong năm 2024-2025.

Trong khi đó, VietinBank dù đã đề xuất tăng vốn từ lâu nhưng tiến độ vẫn chậm. Lần tăng vốn gần nhất của ngân hàng này là vào tháng 12/2023, giúp vốn điều lệ đạt 53.700 tỷ đồng nhờ sử dụng lợi nhuận còn lại từ năm 2020.

Vietcombank sắp trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam?
Vietcombank dự kiến tăng vốn điều lệ thêm 27.666 tỷ đồng, nguồn: Internet

Tăng vốn điều lệ là một bài toán quan trọng trong bối cảnh các ngân hàng nhà nước chi phối vốn vừa phải đảm bảo tín dụng cho tăng trưởng kinh tế, vừa thực hiện nhiệm vụ tài trợ dự án trọng điểm, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, với vốn điều lệ bị giới hạn, việc mở rộng quy mô hoạt động gặp nhiều khó khăn.

Theo quy định tại Thông tư 41, các ngân hàng thương mại phải đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) từ 8% trở lên. Để tăng trưởng tín dụng 10% mỗi năm, nhóm Big 4 cần bổ sung hơn 10.000 tỷ đồng vốn tự có mỗi năm. Tuy nhiên, việc bổ sung vốn trên 10.000 tỷ đồng hiện phải trình Quốc hội phê duyệt, dẫn đến thủ tục kéo dài.

Đại biểu Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank, từng đề xuất xây dựng cơ chế linh hoạt hơn: Thay vì năm nào cũng phải xem xét phương án tăng vốn cho các ngân hàng thì nên xây dựng một cơ chế cho phép các ngân hàng thương mại Nhà nước được tăng vốn từ nguồn lợi nhuận giữ lại”.

Theo Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, Việt Nam có 2-3 NHTM nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất châu Á.

Tuy nhiên hiện tại, điều này vẫn chưa thể hiện thực hoá, lý do thì nhiều nhưng yếu tố quan trọng nhất vẫn là bài toán tăng vốn điều lệ, đặc biệt là với ngân hàng cổ đông nhà nước chi phối vốn.



Nguồn tin