Vietnam Airlines đặt mục tiêu lãi hơn 4,200 tỷ đồng, cổ phiếu “bay cao” gần 170% trong 2 tháng
Hãng hàng không quốc gia Việt Nam vừa hé lộ mục tiêu lãi ròng hơn 4,200 tỷ đồng trong năm 2024 dù bức tranh kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều gam màu xám.
Sáng ngày 21/06, ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của Vietnam Airlines (HOSE: HVN) được tổ chức trong bối cảnh cổ phiếu HVN tăng bốc gần 170% trong chưa đầy 2 tháng.
Diễn biến cổ phiếu HVN | ||
|
Nhìn về năm 2024, ban lãnh đạo Vietnam Airlines thừa nhận rằng xung đột chính trị, giá nhiên liệu cao và vấn đề về động cơ Pratt & Whitney trên các tàu bay A321/320 NEO vẫn là những rào cản lớn, trong khi thị trường quốc tế đi và đến Việt Nam có thể chưa hồi phục như kỳ vọng.
Đáng chú ý, thị trường Trung Quốc – vốn là khách hàng lớn thứ hai của hãng – được dự báo sẽ hồi phục chậm chạp, bất chấp việc nới lỏng các quy định xuất nhập cảnh. Điều này buộc Vietnam Airlines phải linh hoạt trong chiến lược kinh doanh của mình.
Theo đó, bức tranh khách quốc tế năm 2024 được Vietnam Airlines vẽ ra với hai kịch bản. Trong viễn cảnh lạc quan nhất, lượng khách quốc tế có thể tăng tới 20% so với năm trước vàphục hồi gần 92% so với mức trước đại dịch năm 2019. Tuy nhiên, hãng cũng thận trọng chuẩn bị cho tình huống tăng trưởng chậm hơn, chỉ tăng 13% so với năm 2023.
Với thị trường hàng không nội địa, Vietnam Airlines cho rằng các giải pháp vĩ mô được triển khai mạnh, kinh tế có dấu hiệu khởi sắc, các hãng có phương án bù đắp tải cung ứng có thể giúp tổng lượng khách thị trường tăng 2.5% so với năm 2023 và tăng 10% so năm 2019.
“Chúng tôi sẽ tập trung vào những đường bay hiệu quả, đồng thời tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường”, lãnh đạo hãng chia sẻ. Việc điều chỉnh tần suất bay nội địa cũng nằm trong kế hoạch, nhằm cân bằng giữa hiệu quả kinh doanh và nhu cầu thị trường.
Trong bối cảnh như thế, Vietnam Airlines đặt mục tiêu vận chuyển khoảng 22.64 triệu lượt hành khách trong năm 2024, tăng gần 8% so với năm 2023 và bằng 99% năm 2019. Hãng đặt mục tiêu đạt doanh thu hợp nhất 105,946 tỷ đồng, tăng 14% so với năm trước, trong khi lãi ròng kỳ vọng ở mức 4,233 tỷ đồng.
Nguồn: Tài liệu HVN
|
Tuy vậy, con đường phía trước không hề bằng phẳng với Vietnam Airlines. Các khoản nợ tái cơ cấu đến hạn thanh toán, đặc biệt từ tháng 7, sẽ tạo áp lực lớn lên dòng tiền của hãng. Đối mặt với thách thức này, Vietnam Airlines đã chuẩn bị một đề án tái cơ cấu toàn diện, bao gồm việc tái cơ cấu tài sản, nguồn vốn và cả bộ máy quản lý.
“Năm 2024, hãng đặc biệt chú trọng triển khai Đề án tái cơ cấu, với các giải pháp toàn diện về tái cơ cấu tài sản, nguồn vốn, danh mục đầu tư, tổ chức bộ máy và đổi mới quản trị doanh nghiệp. Mục tiêu lớn vẫn là giảm lỗ còn lại, tiến tới cân đối được thu chi trong năm 2024”, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho biết.
Thoái vốn khỏi “con gà đẻ trứng vàng” TCS
Năm nay, hãng hàng không quốc gia Việt Nam cũng sẽ thực hiện thoái vốn tại Công ty TNHH Dịch vụ Hàng hóa Tân Sơn Nhất (TCS) để bổ sung thu nhập và dòng tiền. Trước đó, hãng đã đưa vào dự kiến kế hoạch 2024 thu nhập thoái vốn TCS khoảng 1,700 tỷ đồng trên cơ sở thận trọng về giá trị và tiến độ thoái vốn.
Ra đời cách đây 30 năm, TCS là liên doanh giữa Vietnam Airlines, SASCO và công ty dịch vụ hàng không Singapore SATS, với hoạt động chủ yếu trong mảng dịch vụ phục vụ hàng hóa. Trong năm 2023, TCS cũng ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan, với tổng doanh thu đạt 702 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế gần 394 tỷ đồng, ROE lên tới 336%.
Hãng hàng không Nhật Bản ANA Holdings cử người vào HĐQT
Tại cuộc họp lần này, HĐQT Vietnam Airlines cũng trình ĐHĐCĐ thông qua việc bổ nhiệm ông Daisuke Suzuki (sinh năm 1972) làm thành viên HĐQT thay thế cho ông Hiroyuki Kometani (vừa nộp đơn từ nhiệm).
Được biết, ông Daisuke Suzuki hiện đang làm Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc khối chiến lược của hãng hàng không ANA Holdings. Hiện tại, ANA Holdings đang là đối tác chiến lược và sở hữu 5.62% cổ phần tại Vietnam Airlines.