Lợi nhuận trước thuế của Vietnam Airlines (HVN) năm 2024 ước đạt 6.264 tỷ đồng, vượt 38,5% kế hoạch năm.
Ngày 9/12, tại trụ sở Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, cụm thi đua số 3 của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thi đua khen thưởng năm 2024 và đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 2025. Cụm thi đua 3 gồm 5 Tổng Công ty thuộc khối giao thông và hạ tầng, gồm: Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HVN), Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam và Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV).
Ảnh: VIMC |
Vietnam Airlines đứng đầu với doanh thu 113.577 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ước thực hiện 6.264 tỷ đồng, lần lượt vượt 7% và 38,5% kế hoạch năm. Theo đó, Vietnam Airlines chính thức chấm dứt chuỗi 4 năm liên tiếp lỗ, nộp ngân sách khoảng 2.913 tỷ đồng.
Trước đó, năm 2023, Vietnam Airlines lỗ trước thuế 5.249 tỷ đồng. Lỗ sau thuế 5.516 tỷ đồng, đã cải thiện được một nửa so với số lỗ hơn 11.200 tỷ đồng ghi nhận trong năm 2022. Đây là năm thứ 4 liên tiếp Vietnam Airlines báo lỗ. Tổng lỗ luỹ kế đến 31/12/2023 vượt 40.900 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 16.945 tỷ đồng. Với kết quả hiện tại, doanh nghiệp đã ngắt mạch thua lỗ.
Nguồn: Tổng hợp |
Mới đây, HĐQT Vietnam Airlines vừa thông qua việc tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2025 vào ngày 21/1/2025. Ngày đăng ký cuối cùng để tham dự đại hội là 26/12. Tuy nhiên, công ty chưa công bố bất cứ tài liệu nào liên quan đến cuộc họp.
Quyết định tổ chức ĐHĐCĐ bất thường của Vietnam Airlines được thực hiện trong bối cảnh hãng hàng không này vừa được Quốc hội thông qua các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 vào tháng 11/2024. Theo đó, Quốc hội cho phép Vietnam Airlines tăng vốn điều lệ thêm tối đa 22.000 tỷ đồng thông qua việc chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Kế hoạch trên sẽ được chia thành 2 giai đoạn. Đối với giai đoạn 1, Vietnam Airlines sẽ tăng vốn điều lệ thêm 9.000 tỷ đồng. Trong đó, Quốc hội giao Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) thay mặt Chính phủ mua cổ phiếu HVN. Đây là quyền mua cổ phần của cổ đông Nhà nước theo phương thức chuyển giao quyền mua. Đối với giai đoạn 2, Quốc hội chấp thuận chủ trương cho phép Vietnam Airlines tăng vốn thêm tối đa 13.000 tỷ đồng, giao Chính phủ chuyển giao quyền mua cổ phần cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, Quốc hội còn cho phép CTCP Hàng không Pacific Airlines (công ty con của Vietnam Airlines) được xóa tiền phạt chậm nộp và tiền chậm nộp thuế đến hết ngày 31/12/2024. Tuy nhiên, sau thời điểm này, cơ quan thuế tính tiền chậm nộp, đôn đốc và áp dụng các biện pháp cưỡng chế đúng quy định với hãng bay giá rẻ này.