15h00: Kết phiên giao dịch, lực bán lan rộng ở nhóm cổ phiếu VN30 trong phiên ATC khiến VN-Index chuyển đỏ, kết phiên giảm 0,28 điểm còn 1.282 điểm. May mắn hơn, HNX-Index đóng cửa tăng 0,39 điểm và UPCoM-Index tăng 1,31 điểm.
Thanh khoản trên cả 3 sàn đạt 25.300 tỷ đồng trong đó khớp lệnh trên HoSE đạt gần 21.500 tỷ.
Khối ngoại rút ròng thêm 1.071 tỷ đồng trên toàn thị trường; lực bán tập trung ở FPT (227 tỷ đồng), VND (107 tỷ), VRE (85 tỷ), VHM (gần 74 tỷ)…
Kết phiên, bộ ba nhóm ngân hàng, chứng khoán, bất động sản đều giảm điểm; các nhóm thủy sản, xây dựng và vận tải kho bãi cũng điều chỉnh về dưới tham chiếu. Ngược lại, công nghệ thông tin, nhựa – hóa chất, nông nghiệp là các nhóm còn tăng giá.
Dòng tiền có xu hướng thận trọng ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong khi kéo mạnh loạt cổ phiếu mid/small cap. Trên 3 sàn giao dịch có tới 107 cổ phiếu đóng cửa tại mức giá trần.
14h10: Thị trường chứng khoán rung lắc và hạ độ cao trong 1 giờ giao dịch phiên chiều. Đến 14h10, VN-Index chuyển đỏ; mức giảm hơn 2 điểm kéo chỉ số về mốc 1.280. Nhóm VN30 thậm chí giảm gần 5 điểm qua đó tiếp tục tạo áp lực lớn lên chỉ số.
Sắc đỏ trở lại lấn át trên sàn HoSE. Tuy nhiên, diễn biến trái ngược lại được ghi nhận trên sàn HNX và UPCoM. Thậm chí chỉ số UPCoM-Index vẫn duy trì mức tăng trên 1 điểm từ đầu phiên sáng.
Tính trên cả 3 sàn, có tới 96 cổ phiếu đang tăng trần (chủ yếu thuộc nhóm vốn hóa vừa và nhỏ). Một số gương mặt thân quen có thể kể đến MVN, TIS, TVN, CET, API, IDJ, TLH, RAL, NHA, NVT…
Cổ phiếu LPB với mức tăng 4,3% tiếp tục thiết lập mức đỉnh giá mới 28.200 đồng/cp.
11h30: Kết phiên sáng, VN-Index tăng hơn 4,5 điểm lên mức 1.286 điểm; HNX-Index tăng nhẹ lên mức 244,9 điểm. Số mã tăng giá tạm thời chiếm ưu thế hơn với 454 mã tăng và 262 mã giảm.
Nhóm nông – lâm – ngư đang dẫn dắt thị trường với mức tăng khá tốt 2,54%. Nhiều cổ phiếu công nghệ thông tin tăng tích cực như FPT (+1,6%), CTR (+1,4%), ELC (+2%), SGT (+6,7%), ICT (+4%)…
Dòng tiền cũng lan tỏa ở nhóm cổ phiếu sản xuất nhựa – hóa chất với sắc xanh của GVR, DGC, DPM, DCM, NTP… Thậm chí cổ phiếu TNC được kéo hết biên độ.
Khối ngoại bán ròng hơn 594 tỷ đồng trên HoSE với tâm điểm tại cổ phiếu FPT và VHM.
10h30: Sắc xanh quay trở lại thị trường khi loạt cổ phiếu nhóm vốn hóa vừa và nhỏ hút dòng tiền. Bên cạnh các mã đã tăng trần từ sớm, nhiều cổ phiếu như API, HNM, IDJ, RAL, TNC, NHA, APS, GDA… cũng “nhấp nháy” giá trần.
Dòng vận tải/cảng biển, phân bón – hóa chất, thép cũng đang ghi nhận sự đồng thuận lớn. Tuy nhiên, quá nửa cổ phiếu VN30 đang giao dịch trong sắc đỏ khiến VN-Index chưa thể thuận lợi hướng lên mốc 1.290.
Khoảng 7.700 tỷ đồng đã được sang tay trên cả 3 sàn. Giá trị bán ròng tạm tính của khối ngoại là 371 tỷ.
9h38: Thị trường chứng khoán rung lắc đầu phiên giao dịch ngày 21/6. Chỉ số sàn HoSE và HNX biến động quanh tham chiếu với trạng thái cân bằng ở hai phe mua – bán.
Trên bình diện chung, nhóm cổ phiếu sản xuất ghi nhận tín hiệu tích cực nhất trong đó VNM tăng 1,5%, VEA răng 4,3%, DBC tăng 3,3%, DGC tăng 1,3%, VGT tăng 5,2%, GVR tăng 1,9%, MPC tăng 5,6%, DVN tăng 7,6%… Đặc biệt, nhóm thép vừa và nhỏ tiếp tục thị uy sức mạnh trong đó TIS và TVN tiếp tục tăng trần, cổ phiếu TDS cũng tăng thêm 4,4% nhờ lực kéo từ thông tin sắp chia cổ tức bằng tiền tỷ lệ 70%.
Ở nhóm bất động sản – xây dựng, trạng thái phân hóa diễn ra rõ nét. Trong khi TCH, DGT, DPG, NHA, NVL, NDN, DXG, NTL… tăng giá thì VHM, DIG, VRE, KDH, PC1, PDR… đang giảm nhẹ.
Ở nhóm cổ phiếu công nghệ – truyền thông, ngoại trừ VGI đang điều chỉnh 0,6%, các mã như FPT, CMG, MFS, ELC, CTR, ITD, SGT, FOX… đang giao dịch trong sắc xanh. Một số mã như ABC, CMT, SBD, HIG, VTC thậm chí được kéo hết biên độ.
Áp lực cản trở thị trường đi lên lúc này đến từ các cổ phiếu nhóm tài chính VPB, STB, SSI, MBB, ACB, CTG, VCI, VCB… đều đang giao dịch dưới tham chiếu. SSB là gương mặt đáng chú ý nhất khi tăng 1,9%.
Ở nhóm cổ phiếu riêng lẻ, MVN có phiên tăng trần thứ 10 liên tiếp (+300%), giá vượt mốc 71.000 đồng. Cổ phiếu NVT của Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay cũng tăng trần phiên thứ 5 liên tiếp.
>> Chứng khoán Việt Nam nằm ngoài danh sách xem xét nâng hạng của MSCI