(ĐTCK) Trong khi áp lực bán gia tăng khá mạnh trên diện rộng khiến bảng điện tử chìm trong sắc đỏ và chỉ số VN-Index xuyên thủng mốc hỗ trợ 1.250 điểm, thì cổ phiếu VTP “nóng bỏng tay” và tăng kịch trần.
Thị trường đã xuất hiện những tín hiệu khá xấu trong phiên giao dịch cuối tuần qua ngày 3/1 khi chỉ số VN-Index bất ngờ giảm tới hơn 15 điểm, xuyên thủng mốc hỗ trợ 1.260 điểm. Đồng thời, các chỉ báo quan trọng như RSI và MACD đều hướng xuống, cho thấy áp lực bán vẫn còn có thể tiếp diễn trong những phiên tới trước khi tìm được điểm cân bằng cung cầu rõ ràng hơn.
Dù vậy, trong phiên giao dịch sáng 6/1, nỗ lực hồi phục của các cổ phiếu ngân hàng, đặc biệt là cặp đôi lớn BID và VCB, đã giúp chỉ số VN-Index nhanh chóng lấy lại sắc xanh. Tuy nhiên, giao dịch chung vẫn ảm đạm, với lực cầu khá yếu trong khi bên bán luôn thường trực khiến thị trường chuyển qua trạng thái xanh vỏ đỏ lòng trong nửa cuối phiên và tạm dừng phiên sáng với mức tăng nhẹ chỉ hơn 1 điểm.
Đà hồi phục khá mong manh trong khi áp lực bán tiếp tục gia tăng hơn trên diện rộng đã khiến VN-Index chỉ nỗ lực giữ được sắc xanh nhạt trong khoảng hơn 30 phút mở cửa phiên chiều rồi quay đầu điều chỉnh giảm.
Chỉ số VN-Index ngày càng rời xa tham chiếu và đã xuyên thủng mốc hỗ trợ mạnh 1.250 điểm, tiếp tục có thêm phiên giao dịch chìm trong sắc đỏ và dòng tiền vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện. Đáng chú ý, VCB và BID vẫn khá nỗ lực khi đóng góp hơn 2 điểm cho chỉ số chung, và nếu thiếu vắng điểm tựa này, có thể chỉ số VN-Index còn “đi xa” hơn nữa.
Tuy nhiên, tâm điểm chính của thị trường là cổ phiếu VTP. Sau tuần ngược dòng thị trường chung ghi nhận mức tăng ấn tượng, cổ phiếu VTP tiếp tục nổi sóng lớn trong phiên hôm nay. Trong đó, lực cầu nội và ngoại tăng mạnh đã tiếp sức giúp VTP lên đỉnh lịch sử mới.
Kết phiên, cổ phiếu VTP tăng 6,9% lên mức giá trần 154.200 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lên tới gần 2,3 triệu đơn vị và khối ngoại mua ròng khoảng 0,32 triệu đơn vị. Như vậy, chỉ tính trong khoảng 3 tháng, thị giá cổ phiếu VTP đã gấp đôi; còn nếu chỉ tính trong 3 phiên đầu tiên của năm 2025 thì giá cũng tăng tới gần 13%, là mã có thị giá cao thứ 3 trên sàn HOSE, chỉ sau VCF và FRT.
Tuy nhiên, bối cảnh chung khá ảm đảm khi số mã giảm điểm gấp tới gần 4 lần số mã tăng và phiên chiều có thêm hàng loạt mã nằm sàn.
Đóng cửa, sàn HOSE có 82 mã tăng (5 mã tăng trần) và 318 mã giảm (16 mã giảm sàn), VN-Index giảm 8,24 điểm (-0,66%) xuống 1.246,35 điểm. Thanh khoản đi ngang so với phiên cuối tuần trước, với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 565 triệu đơn vị, giá trị 13.698 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 50 triệu đơn vị, giá trị 1.530,2 tỷ đồng.
Nhóm VN30 kết phiên giảm hơn 7,5 điểm với 17 mã giảm và 8 mã tăng. Trong đó, các mã tăng chủ yếu thuộc nhóm bank như BID tăng 1,6%, VCB tăng 1%; SHB, STB, VPB, HDB tăng nhẹ, cùng FPT và VJC. Ngược lại, MSN giảm sâu nhất là 3,6%, tiếp theo là GVR giảm 3%, MWG giảm 2,7%, BVH và SAB cùng giảm 2,5%…
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, bên cạnh HAP và TMT vẫn trong trạng thái trắng bên bán và tiếp tục khoe sắc tím, thì loạt cổ phiếu như APG, GMH, CSM, GMC, DC4… nằm sàn. Đáng chú ý là YEG đã nhanh chóng “trả điểm” sau phiên hồi phục sắc tím cuối tuần trước. Đóng cửa, YEG giảm 6,9% xuống mức giá sàn 18.200 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh gần 4,1 triệu đơn vị và dư bán sàn tới gần 2 triệu đơn vị.
Xét về nhóm ngành, dòng bank là nhóm hiếm hoi lội ngược dòng thị trường chung khi tăng nhẹ gần 0,3%. Ngoại trừ một vài mã giữ được sắc xanh đã điểm trên, nhiều cổ phiếu ngân hàng cũng đã “quay xe” cùng thị trường như ACB, MBB, TPB, MSB, LPB… đều đóng cửa giảm. Trong đó, MBB và ACB cùng giảm 1,25 và là các mã giao dịch sôi động nhất ngành, cùng đứng trong top 5 mã có thanh khoản cao nhất thị trường, tương ứng đạt 14,56 triệu đơn vị và hơn 12 triệu đơn vị.
Ngược lại, nhóm chứng khoán cùng chiều thị trường chung khi đồng loạt các mã đều ghi nhận mức giảm sâu hơn. Trong đó, VND giảm 3,24%, VIX giảm 2,64%, BSI giảm 3,2%, VDS giảm 5,8%, SSI, HCM, FTS, VCI giảm 1,5-2%…, VIX giảm 2,6% và có giao dịch dẫn đầu nhóm với hơn 14,3 triệu đơn vị khớp lệnh.
Nhóm thép cũng giảm mạnh hơn, với HPG và HSG cùng giảm hơn 2%, trong đó HPG lùi về mức giá thấp nhất trong phiên là 26.050 đồng/CP và thanh khoản sôi động nhất thị trường, đạt 15,25 triệu đơn vị.
Các nhóm hóa chất phân bón, dệt may, tiêu dùng đồng loạt chìm trong sắc đỏ, với một số mã giảm sâu như GIL, CSM giảm sàn, TNG giảm 4,72%, TCM giảm 2,7%, MSH giảm 4,23%, DGC giảm 2,6%, DPM và DCM đều giảm hơn 1,5%…
Trên sàn HNX, áp lực bán tiếp tục gia tăng mạnh, đặc biệt là gánh nặng lớn từ nhóm HNX30, thị trường tiếp tục nới rộng biên độ giảm điểm.
Chốt phiên, sàn HNX có 36 mã tăng và 114 mã giảm, HNX-Index giảm 2,71 điểm (-1,2%) xuống 222,95 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 51,6 triệu đơn vị, giá trị gần 941,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,93 triệu đơn vị, giá trị 51,45 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 giảm mạnh gần 8,5 điểm khi chỉ còn 4 mã giữ được sắc xanh là PLC tăng 3,1%, DHT và NVB cùng tăng 1,1%, TMB tăng 0,4%; ngược lại có tới 24 mã giảm với LAS giảm mạnh nhất là 7,7%, L14 giảm 5,3%, NTP và TNG cùng giảm 4,7%…
Trong top 10 mã thanh khoản tốt nhất thị trường, không có mã nào thoát khỏi trạng thái điều chỉnh giảm, với SHS dẫn đầu khi khớp 6,3 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 2,4%; TNG và CEO đứng ở vị trí tiếp theo với gần 4 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa tương ứng giảm 4,7% và 3,8%.
Trong khi đó, cổ phiếu được nhà đầu tư ngoại mua ròng mạnh nhất là DHT với khối lượng mua ròng hơn 0,3 triệu đơn vị, vẫn giữ được diễn biến khởi sắc khi đóng cửa tăng 1,1% lên mức 96.000 đồng/CP.
Trên UPCoM, thị trường cũng chìm trong sắc đỏ và giảm sâu hơn trong phiên chiều.
Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,73 điểm (-0,77%), xuống 93,62 điểm với 79 mã tăng và 151 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 39,57 triệu đơn vị, giá trị 523 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,1 triệu đơn vị, giá trị 19,72 tỷ đồng.
Top 5 cổ phiếu giao dịch sôi động nhất thị trường đều giảm khá mạnh. Trong đó, HNG giảm 5,5% và khớp 6,76 triệu đơn vị, DDV giảm 6,5% và khớp 3,29 triệu đơn vị, BCR giảm 2,2% và khớp 2,83 triệu đơn vị, VGT giảm 4,1% và khớp 2,3 triệu đơn vị.
Cổ phiếu BSR có chút le lói sắc xanh cuối phiên sáng cũng “quay xe”, đóng cửa giảm 1,8% xuống mức 21.900 đồng/Cp và khớp 4,68 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm nhẹ, trong đó VN30F2501 giảm sâu nhất là 5,1 điểm, tương đương -0,4% xuống 1.318,9 điểm, khớp lệnh 148.400 đơn vị, khối lượng mở hơn 42.990 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng tràn ngập, với CHPG2334 dẫn đầu thanh khoản với gần 8 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa giảm 75% xuống mức giá sàn 10 đồng/cq; tiếp theo là CMBB2406 khớp 4,1 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,9% xuống mức 510 đồng/cq.
Nguồn tin: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/vn-index-thung-moc-1250-diem-co-phieu-vtp-tim-ngat-post361292.html