Quý III năm nay, các công ty khởi nghiệp ở Đông Nam Á đã huy động được số lượng vốn ít nhất trong 6 năm qua, theo báo cáo mới nhất từ DealStreetAsia.
Trong báo cáo “Đánh giá thoả thuận tài trợ Đông Nam Á: Quý III năm 2024”, các công ty khởi nghiệp trong khu vực đã ghi nhận 134 thỏa thuận góp vốn và huy động tổng cộng 979 triệu USD. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2019, số tiền huy động hàng quý của các công ty khởi nghiệp ở khu vực này giảm xuống dưới mốc 1 tỷ USD.
Trong 9 tháng đầu năm 2024 chỉ đạt 474 thoả thuận tài trợ cho khởi nghiệp ở Đông Nam Á, trị giá 3,26 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ năm 2020. Điều này cho thấy hoạt động tài trợ cho khởi nghiệp trong khu vực tiếp tục chậm lại trong bối cảnh toàn cầu đầy thách thức.
Hoạt động ký kết thỏa thuận giảm ở tất cả các giai đoạn tài trợ, nhưng mức giảm mạnh hơn ở giai đoạn cuối. Số tiền tài trợ giai đoạn đầu giảm nhẹ xuống còn 2,4 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm, trong khi tài trợ giai đoạn cuối giảm mạnh 73,6% xuống chỉ còn 850 triệu USD.
Xu hướng này phản ánh sự cảnh giác ngày càng tăng của các nhà đầu tư đối với các mô hình kinh doanh thâm dụng vốn, chưa được chứng minh hiệu quả trong bối cảnh bất ổn kinh tế đang diễn ra và thanh khoản thắt chặt hơn.
Về mặt tích cực, báo cáo cho rằng áp lực định giá lại tài sản đang có dấu hiệu giảm bớt, đặc biệt là trong các giao dịch thông qua vòng Series C. Trong 9 tháng đầu năm 2024, giá trị trung bình của các giao dịch hạt giống tăng theo từng năm, trong khi giá trị trung bình của vòng Series A vẫn khá ổn định. Báo cáo cũng lưu ý rằng các giao dịch vòng Series B chứng kiến mức tăng lớn nhất về quy mô trung bình.
Trong 9 tháng đầu năm, Indonesia đã báo cáo 71 thỏa thuận mua cổ phần, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái, với tổng số vốn giảm 66%, khiến quốc gia này trở thành nước có hiệu suất kém thứ hai sau Việt Nam.
Tỷ trọng của Indonesia trong tổng giá trị huy động vốn cho khởi nghiệp của Đông Nam Á đã giảm xuống còn 11,6%. Trong khi đó, Singapore vẫn duy trì điểm đến hàng đầu trong khu vực khi đóng góp gần 2/3, tương đương 65,6% tổng số vốn được huy động tính đến tháng 9.
Sự suy giảm nguồn vốn huy động cho khởi nghiệp tại Indonesia cũng phản ánh tình hình của các startup thương mại điện tử. Lĩnh vực này ghi nhận có 30 thỏa thuận trị giá 295 triệu USD trong chín tháng đầu năm, với 78% số tiền huy động được đến từ khoản đầu tư của công ty mẹ Alibaba vào Lazada. Điều này đánh dấu mức giảm 44,4% về số lượng thỏa thuận và 81,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, fintech giữ vị trí hàng đầu khi huy động được 1,1 tỷ USD vốn cổ phần từ 111 giao dịch. Mặc dù giá trị của các giao dịch fintech đã giảm 12,8% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng đây là sự phục hồi đáng kể so với mức giảm mạnh 68,4% trong cùng kỳ năm 2023.
Các công ty khởi nghiệp chuyên về tài chính phi tập trung (DeFi) hoặc fintech dựa trên blockchain, chiếm 45% tổng khối lượng giao dịch fintech và 28% tổng giá trị giao dịch. Điều này nhấn mạnh sự nổi bật ngày càng tăng của các giải pháp dựa trên blockchain trong hệ sinh thái fintech của Đông Nam Á.
Chuyên gia của Indelible Ventures Kevin Brockland cho biết, trong khi thời gian còn lại của năm 2024 dự kiến sẽ vẫn khó khăn, thị trường có khả năng bắt đầu nới lỏng vào năm 2025. Xu hướng này đã bắt đầu xuất hiện ở những thị trường khác, chẳng hạn như Mỹ.
“Các định giá hiện đã bình thường hóa, mặc dù không phải tất cả những khó khăn đều được nhận diện. Việc giá trị định giá trở về trạng thái bình thường cũng sẽ giúp cải thiện thanh khoản vì nhiều người mua đã không thể tham gia do giá trị định giá bị thổi phồng”, ông lưu ý.
Ông Achmad Zaky, đồng sáng lập công ty thương mại điện tử Bukalapak nói thêm, vẫn có nhiều cơ hội ở các thị trường Đông Nam Á, đặc biệt là trong lĩnh vực tiêu dùng và công nghệ tài chính.
“Chúng tôi thấy tiềm năng tăng trưởng đáng kể trong các lĩnh vực này do nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng, cùng với việc áp dụng kỹ thuật số và các dịch vụ tài chính trong khu vực đang phát triển”, ông cho biết.