Sự kiện 2 cửa hàng SJC tại Đà Nẵng đóng cửa nhiều ngày đang khiến dư luận quan tâm.
Nhắc đến SJC, người ta thường nghĩ ngay đến vàng miếng, một từ khóa nóng hổi thời gian gần đây. Kể từ ngày 3/6/2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bắt đầu phân phối vàng miếng qua các ngân hàng lớn như Vietcombank (VCB), VietinBank (CTG), BIDV (BID), Agribank và Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn – SJC.
SJC là một doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trực thuộc UBND TP.HCM, được thành lập từ năm 1988. Tính đến cuối năm 2023, công ty có khoảng 480 nhân viên với hệ thống bao gồm 23 chi nhánh, 6 công ty con, 43 đại lý chính thức trên toàn quốc với 200 cửa hàng và khoảng 3.000 cửa hàng liên kết bán lẻ.
Gần đây, việc hai cửa hàng SJC tại Đà Nẵng đóng cửa đã gây chú ý lớn, nhất là trong bối cảnh giá vàng biến động mạnh. Dù không có thông báo chính thức về lý do đóng cửa, điều này đã khiến nhiều khách hàng thắc mắc và chờ đợi công bố thông tin từ công ty. Phía SJC chưa có thông tin về về thời điểm hoạt động trở lại.
Ảnh vàng miếng SJC |
SJC đang kinh doanh ra sao?
SJC được xem là “cha đẻ” của thương hiệu vàng miếng. Từ khi NHNN kiểm soát hoạt động kinh doanh vàng, đã ký hợp đồng gia công vàng miếng với SJC vào năm 2013. Theo đó, SJC chỉ còn đóng vai trò gia công cho NHNN thay vì tự kinh doanh vàng miếng như trước đây. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến doanh thu của công ty.
Từ mức doanh thu trên 72.000 tỷ đồng năm 2012, năm 2013, doanh thu SJC giảm về mức 27.600 tỷ đồng. Những năm sau đó, doanh thu SJC biến động quanh nền doanh thu mới này.
Năm 2023 vừa qua, SJC ghi nhận doanh thu đạt 28.408 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm trước đó. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 61 tỷ đồng, rất khiêm tốn so với các doanh nghiệp khác trong ngành, như PNJ. Kể từ năm 2013, lợi nhuận của SJC chưa từng vượt ngưỡng trăm tỷ, ngoại trừ năm 2013.
Năm 2024, SJC đặt mục tiêu bán ra hơn 444.000 món nữ trang và gia công hơn 31.000 lượng vàng miếng móp méo. Doanh thu dự kiến đạt 30.145 tỷ đồng, với lợi nhuận sau thuế khoảng 70 tỷ đồng, một con số vẫn rất khiêm tốn so với quy mô kinh doanh của doanh nghiệp.
Những khoản chi mua vàng hàng tỷ đồng từ cá nhân
Báo cáo tài chính năm 2023 của SJC còn cho thấy doanh nghiệp đã chi ra 17,4 tỷ đồng để mua vàng từ các cá nhân và một số nhà cung cấp khác, gấp 5 lần đầu năm. Điều này cho thấy một hoạt động mua bán vàng đa dạng và phong phú.
Hoạt động mua bán vàng của SJC cũng thể hiện, có nhiều khách hàng trả tiền trước. Tổng số tiền khách hàng trả trước ngắn hạn đến 23 tỷ đồng, hơn gấp 4 lần cùng kỳ.
Kiểm toán có ý kiến ngoại trừ liên quan hàng tồn kho của SJC
BCTC năm 2023 ghi nhận, tổng giá trị hàng tồn kho đến cuối năm 2023 là 1.446 tỷ đồng, tăng 248 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong hơn 1.400 tỷ đồng giá trị hàng tồn kho, chỉ có chưa đến 7 tỷ đồng là tồn kho nguyên liệu (giảm gần 4 tỷ đồng so với đầu kỳ). Còn phần lớn, khoảng 86%, tương ứng 1.251 tỷ đồng, là tồn kho dạng hàng hóa. Giá trị hàng tồn kho thành phẩm đạt 135 tỷ đồng. SJC đã phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho gần 84 tỷ đồng, trong đó chủ yếu dự phòng giảm giá hàng tồn kho thành phẩm (66 tỷ đồng).
Kiểm toán cũng đã đưa ra ý kiến ngoại trừ liên quan đến việc SJC trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Số liệu cho thấy SJC đã trích lập gần 84 tỷ đồng dự phòng cho hàng tồn kho, nhưng kiểm toán không thể xác nhận tính chính xác của khoản này.
Ngoài hoạt động kinh doanh vàng, SJC còn gặp vướng mắc với khoản tiền gần 47 tỷ đồng liên quan đến dự án hạ tầng khu dân cư quận 12, mà công ty đã tạm ứng cho Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Tân Nhã Vinh. Dự án đã bị trì hoãn khiến SJC gặp khó khăn trong việc bàn giao nền cho cán bộ nhân viên và các cá nhân khác.