Chính sách kiểm soát nồng độ cồn khiến ngành bia giảm 11% doanh thu, và 23% lợi nhuận trong năm 2023.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý II vừa được công bố, Sabeco (SAB) ghi nhận doanh thu thuần đạt 8.086 tỷ đồng, giảm nhẹ gần 3% so với mức 8.312 tỷ của cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên giá vốn cũng giảm tương ứng 3% giúp công ty thu về 2.440 tỷ đồng lợi nhuận gộp, biên lãi gộp ở mức 30,2%.
Doanh thu tài chính quý II giảm 25% còn 266,3 tỷ đồng, đồng thời chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 12% xuống còn 176 tỷ đồng. Tổng kết, Sabeco báo lãi 1.318 tỷ đồng trong quý II/2024, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức lãi quý cao nhất kể từ quý III/2022 của doanh nghiệp này.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Sabeco mang về 15.269 tỷ đồng doanh thu và 2.342 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt hoàn thành 44% và 51% kế hoạch năm. Tính trung bình, mỗi ngày Sabeco thu về 13 tỷ đồng tiền lãi.
Ảnh minh họa |
Năm 2024 được dự báo là một năm còn nhiều khó khăn đối với ngành bia Việt Nam. Đặc biệt, chính sách kiểm soát nồng độ cồn tác động mạnh mẽ khiến nhu cầu tiêu dùng bia suy giảm, nhất là ở kênh nhà hàng, quán ăn. Theo Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA), ngành bia giảm 11% doanh thu, và 23% lợi nhuận trước thuế trong năm 2023. Trước đó, năm 2022, ngành này cũng chịu tăng trưởng âm 7%.
Tại ĐHCĐ thường niên 2024, ông Lester Tan Teck Chuan – Tổng Giám đốc SAB từng chia sẻ: “Chúng ta không thể đợi mưa ngừng, gió lặng, thay vào đó hãy có hành động ứng phó. Phải học cách khiêu vũ ngay trong cơn mưa”.
Theo thống kê tại Hà Nội trong 6 tháng đầu năm nay, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội đã xử lý 17.897 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền 81,776 tỉ đồng, tạm giữ 17.879 phương tiện, tước giấy phép lái xe 5.178 trường hợp. Theo đó, tỉ lệ tai nạn giao thông liên quan đến nồng độ cồn trên địa bàn thành phố đã có chiều hướng giảm mạnh.