Chi tiết

Xã hội phản ứng khi giá điện tăng gây khó cho thu hút đầu tư

Sáng 8-8, Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Thúc đẩy phát triển năng lượng xanh: Hiện trạng và giải pháp thực hiện”.

PGS-TS Trần Đình Thiên: Xã hội phản ứng khi giá điện tăng gây khó cho thu hút đầu tư- Ảnh 1.

PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, phát biểu tại Hội thảo

Theo PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành cường quốc về chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… Điều này càng đặt ra nhu cầu cấp thiết về nguồn năng lượng, đặc biệt là năng lượng xanh.

Tuy vậy, vị chuyên gia cho rằng lâu nay chúng ta vẫn bàn nhiều về sản xuất mà ít bàn tới tiêu dùng. Giá xăng dầu, giá điện thấp khiến tiêu dùng lãng phí, chưa tiết kiệm.

“Hễ điện tăng giá là xã hội phản ứng, điều này dẫn tới khó khăn trong việc điều hành sản xuất, khó tạo động lực đổi mới công nghệ sản xuất” – ông Trần Đình Thiên nói.

Từ đó, PGS-TS Trần Đình Thiên khuyến nghị cần cách tiếp cận cân bằng giữa tiêu dùng – sản xuất, từ đó xây dựng giá điện bám sát cơ chế thị trường.

Nêu khó khăn cụ thể đối với các dự án điện khí LNG, TS Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, nguyên Phó Tổng giám đốc Thường trực Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, cho biết tổng quy mô công suất các dự án điện khí theo Quy hoạch điện VIII được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành đến năm 2030 là 30.424 MW (23 dự án).

Tuy nhiên, hiện mới có Nhà máy nhiệt điện Ô Môn I (660 MW) năm 2015 (đang sử dụng nhiên liệu dầu) và sau đó sẽ sử dụng khí Lô B.

Nguyên nhân là do thiếu khung pháp lý để hoàn thành, đẩy nhanh tiến độ đàm phán và ký kết các thỏa thuận về pháp lý – kinh tế – thương mại giữa các chủ thể trong chuỗi dự án đến khí LNG.

Vì vậy, ông Thập cho rằng giá điện khí LNG cần phải theo cơ chế thị trường, do chi phí nhập khẩu LNG chiếm phần lớn trong giá thành sản xuất điện.

Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cũng kiến nghị cơ chế mua bán điện trực tiếp nên mở rộng đối tượng cho phép điện khí LNG được tham gia.

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện sẽ đạt tỉ lệ khoảng 30,9 – 39,2% vào năm 2030, định hướng đến năm 2050, tỉ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 – 71,5%.

Đồng thời, Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), đã thể hiện sự tập trung và quyết tâm của Việt Nam trong việc xây dựng một hành trình phát triển bền vững, với mục tiêu chính là tạo điều kiện cho thế hệ tương lai có môi trường sạch và an toàn.

Tuy nhiên, TS Phạm Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, nhìn nhận việc chuyển dịch sang năng lượng xanh, năng lượng tái tạo không hề dễ dàng.

Các hệ thống cung cấp năng lượng xanh đòi hỏi những khoản đầu tư rất lớn. Cùng với đó, công nghệ trong việc sản xuất và lưu trữ năng lượng xanh vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn trong việc đảm bảo cung ứng năng lượng ổn định.

Source link