Chi tiết

Xe hybrid ngóng giảm thuế tiêu thụ đặc biệt

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến người dân và doanh nghiệp (DN) về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) để Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10-2024 và thông qua tại kỳ họp tiếp theo vào giữa năm 2025. Trong đó, một nội dung nhận được nhiều sự quan tâm là thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô, nhất là các dòng xe xanh.

Bài học của nhiều quốc gia

Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) kiến nghị nhà nước ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe điện hybrid tự sạc (HEV) bằng 70% thuế suất áp dụng cho xe chạy xăng, dầu cùng loại, thay vì 100% như hiện nay. Đồng thời, áp thuế suất thuế này đối với xe điện hybrid sạc điện riêng (PHEV) bằng 50% mức áp dụng cho xe chạy bằng xăng, dầu cùng loại, thay vì 70% như hiện nay.

Doanh nghiệp ô tô kiến nghị có chính sách ưu đãi thuế công bằng đối với các dòng xe thân thiện với môi trường

Doanh nghiệp ô tô kiến nghị có chính sách ưu đãi thuế công bằng đối với các dòng xe thân thiện với môi trường

Kiến nghị trên dựa trên cơ sở ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển giao quan trọng, cần có sự hỗ trợ phù hợp. “Chuyển đổi từ sử dụng xe động cơ đốt trong sang xe thuần điện vẫn còn gặp những khó khăn nhất định, gồm thiếu cơ sở hạ tầng trạm sạc, tình trạng thiếu điện cũng như thói quen của người tiêu dùng. Bởi vậy, chúng tôi cho rằng các dòng xe điện hybrid cần được cân nhắc như một lựa chọn trong giai đoạn chuyển tiếp” – VAMA nêu quan điểm.

Đại diện VAMA dẫn chứng nhiều quốc gia trong quá trình điện khí hóa đã ban hành chính sách ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe HEV và PHEV. Chẳng hạn, Thái Lan áp thuế suất 8%-26% đối với xe HEV và PHEV, giúp thị phần xe HEV tăng mạnh từ 2% năm 2018 lên 15% năm 2023. Hay Indonesia áp thuế suất 0%-8% đối với các dòng xe “lai”, giúp lượng tiêu thụ xe hybrid và xe phát thải thấp tăng trưởng 20%/năm.

Về tác động kinh tế, môi trường và xã hội khi giảm 30%-50% thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với xe HEV và PHEV, theo phân tích của VAMA, giai đoạn 2026 – 2030, thu ngân sách nhà nước giảm khoảng 5.000 tỉ đồng/năm, tương đương giảm 2,5% tổng thu. Tuy nhiên, mức giảm này sẽ được bù đắp bằng việc tiết kiệm 26.000 tỉ đồng chi phí nhiên liệu và 28.000 tỉ đồng chi phí dầu thô nhập khẩu trong suốt vòng đời của ô tô. Chưa kể, ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe “lai” còn mang lại lợi ích về an ninh năng lượng, giảm phát thải khí CO2 và thúc đẩy các DN trong ngành ô tô cải tiến công nghệ, dây chuyền sản xuất.

Khuyến khích người dùng

PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đồng tình với kiến nghị giảm thuế đối với dòng xe hybrid thân thiện với môi trường để khuyến khích người dùng. Bên cạnh đó, cần sử dụng công cụ thuế để hạn chế sử dụng xe chạy xăng, chẳng hạn biện pháp đánh thuế cao với dòng xe này. “Xu hướng chung của thế giới là đánh thuế rất nặng đối với sản phẩm gây ô nhiễm môi trường” – PGS Thiên nhấn mạnh.

Theo PGS-TS Phạm Thế Anh, Trưởng Khoa Kinh tế Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng cho tài sản có giá trị lớn hoặc những mặt hàng gây hại cho môi trường, sức khỏe. Trong khi đó, ô tô hybrid sử dụng ít xăng, dầu và thân thiện với môi trường nên cần có chính sách khuyến khích. 

“Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô nói chung hiện nay cũng ở mức cao. Đây là điều không phù hợp bởi ô tô đang dần trở thành mặt hàng thiết yếu, được coi là phương tiện đi lại, không phải mặt hàng xa xỉ, trừ một số loại xe sang. Nên có lộ trình giảm thuế tiêu thụ đặc biệt xuống khoảng 30% so với hiện nay và chỉ áp thuế suất khoảng 5%-10% đối với ô tô giá rẻ” – PGS Thế Anh góp ý.

Chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng cho rằng nên tính thuế theo giá trị xe – xe có giá càng cao thì phải chịu thuế càng cao và ngược lại. Một phương án khác đã được nhiều quốc gia áp dụng là tính thuế theo lượng phát thải CO2 của từng dòng xe, qua đó khuyến khích người dân sử dụng xe thân thiện với môi trường. 

Làm rõ giá tính thuế

Tại dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định cơ quan thuế ấn định thuế trong trường hợp giá bán của cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu bán ra không theo giá giao dịch thông thường trên thị trường.

Các hãng xe đề nghị bổ sung định nghĩa làm rõ “giá giao dịch thông thường trên thị trường” áp dụng làm căn cứ giá tính thuế cho mặt hàng ô tô để các DN sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô có thể thực hiện đúng và đủ nghĩa vụ nộp thuế.

Source link