Chi tiết

Xu hướng xây dựng các KCN dược phẩm tại Việt Nam

Nhiều tiềm năng

Mới đây, Dự án Khu công nghiệp Dược-Sinh học tại huyện Quỳnh Phụ đã được tỉnh Thái Bình phê duyệt và khẩn trương triển khai. Dự án này được đánh giá là có quy mô lớn, hiện đại và đồng bộ đầu tiên tại Việt Nam. Với quy mô lớn và tổng vốn đầu tư dự kiến 2 tỷ USD, KCN này tập trung vào sản xuất, nghiên cứu và cung ứng dịch vụ trong lĩnh vực dược-sinh học.

kcnduoctb(1).jpg
Dự án Khu công nghiệp Dược-Sinh học tại huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.

Cơ cấu của KCN bao gồm: Các viện nghiên cứu và phát triển (R&D), Khu công nghệ sinh học và trung tâm logistics, Khu thương mại, giáo dục-đào tạo, Nhà ở dành riêng cho chuyên gia và kỹ thuật viên. Mục tiêu của dự án không chỉ là phát triển ngành dược mà còn tạo ra hệ sinh thái khép kín, tăng hiệu suất sản xuất và giảm chi phí đầu tư. Dự kiến, từ 2024-2030, KCN sẽ thu hút hơn 18.000 lao động và hàng loạt doanh nghiệp dược phẩm lớn từ Mỹ, Hàn Quốc, Thụy Sĩ, Đức, và Ấn Độ.

Dự án Khu công nghiệp Dược-sinh học tại Thái Bình là một dự án nhằm cụ thể hóa Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; chiến lược phát triển ngành dược Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời đây cũng là phương án phát triển công nghiệp trong Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trên thực tế, ngành dược phẩm tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn bùng nổ với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ. Theo báo cáo của KPMG, Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm phát minh (innovative drugs) nhờ chi phí lao động thấp, thị trường nội địa lớn và khả năng tiếp cận nguyên liệu.

Bên cạnh đó, chi tiêu dược phẩm bình quân đầu người tăng từ 9,85 USD (2005) lên 22,25 USD (2010) và dự kiến đạt 163 USD vào năm 2025. Ngoài ra, các thương vụ M&A trong lĩnh vực y tế và dược phẩm đã tăng đáng kể trong những năm qua, tạo động lực lớn cho sự phát triển của ngành. Do vậy, việc xây dựng các KCN chuyên sâu sẽ đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và hỗ trợ Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu dược phẩm.

Xu hướng xây dựng các KCN chuyên biệt

Hiện nay, mô hình phát triển các khu công nghiệp trên thế giới đã thay đổi đáng kể theo hướng chuyên ngành, chuyên môn hóa và phát triển bền vững, đảm bảo tính hiện đại, cạnh tranh. Trong khi đó, các khu công nghiệp tại Việt Nam vẫn chủ yếu phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực với mục tiêu chính là nhanh chóng lấp đầy diện tích.

10.jpg(1).jpg
Trong vài năm gần đây, một số loại hình khu công nghiệp chuyên sâu đã dần hình thành tại Việt Nam.

Trong vài năm gần đây, một số loại hình khu công nghiệp chuyên sâu đã dần hình thành với tính chuyên ngành sâu cùng nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, cơ chế hoạt động, mô hình quản lý, thiết kế hạ tầng, nhà xưởng, dịch vụ tiện ích, khác biệt so với mô hình KCN trước đây. Mô hình này đã khá thành công với một số lĩnh vực như điện tử – công nghệ cao, dệt may, hóa chất…

Tiếp nối xu hướng đó, một mảng đầu tư khác đang được các nhà đầu tư trong và ngoài nước xúc tiến triển khai mạnh là khu công nghiệp chuyên sâu về dược phẩm. Các khu công nghiệp chuyên biệt này sẽ giúp hình thành chuỗi sản xuất các sản phẩm dược từ nguyên liệu tới thành phẩm. Với lợi thế quy trình khép kín, quy mô lớn, tập trung và có vị trí địa lý thuận lợi, khu công nghiệp dược phẩm giúp các công ty giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu suất và hiệu quả sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh.

Tháng 2 năm 2022, Tập đoàn Đại An đã công bố bắt tay cùng các nhà đầu tư Ấn Độ xây dựng công viên dược quy mô 960ha tại Hải Dương. Nhóm nhà đầu tư này cũng nghiên cứu triển khai một dự án tương tự tại Thanh Hóa. Gần đây, Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) đã ký hợp tác cùng CTCP Shinec nghiên cứu cơ hội đầu dự án Khu công nghiệp Ninh Sơn, tỉnh Khánh Hòa. Dự án có quy mô 620ha với định hướng chuyên sâu về dược phẩm, dịch vụ dưỡng lão và y tế.

Dù có tiềm năng lớn, song việc xây dựng các KCN chuyên biệt tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực dược phẩm – sinh học cũng đối mặt với không ít thách thức. Phần lớn các KCN hiện nay phát triển theo mô hình đa ngành, chưa đáp ứng yêu cầu đặc thù của ngành dược.

Bên cạnh đó, sự thiếu hụt của nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là một thách thức không nhỏ. Thực tế ngành dược cần đội ngũ chuyên gia, kỹ thuật viên trình độ cao, trong khi hệ thống giáo dục-đào tạo chưa hoàn toàn bắt kịp nhu cầu. Ngoài ra, còn đó những thách thức trong các chính sách hỗ trợ. Mặc dù đã có các ưu đãi, việc triển khai thực tế vẫn cần cải thiện để đảm bảo môi trường đầu tư cạnh tranh.

Nhìn chung, xu hướng phát triển các khu công nghiệp dược phẩm tại Việt Nam là một bước đi chiến lược, mở ra cơ hội lớn cho ngành dược trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, để hiện thực hóa tiềm năng này, Việt Nam cần khắc phục những hạn chế về hạ tầng, nhân lực và chính sách.

Hy vọng với sự quan tâm ngày càng lớn từ các nhà đầu tư và chiến lược phát triển đúng đắn, ngành công nghiệp dược phẩm Việt Nam có triển vọng trở thành một trong những động lực kinh tế quan trọng, góp phần đưa Việt Nam vào bản đồ công nghiệp dược phẩm toàn cầu.

Nguồn