Xử lý thu hồi nợ hơn 16 ngàn tỷ, VAMC lãi sau thuế 176 tỷ
Năm 2023, VAMC xử lý thu hồi nợ hơn 16,100 tỷ đồng theo dư nợ gốc, tăng 49% so với năm 2022, hoàn thành 117% kế hoạch xử lý thu hồi nợ. Qua đó, Công ty đạt hơn 1,700 tỷ đồng doanh thu và 176 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Xử lý thu hồi nợ hơn 16,100 tỷ đồng, VAMC lãi sau thuế 176 tỷ đồng
Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) vừa công bố báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch kinh doanh năm 2023.
Cụ thể, VAMC đã mua nợ theo giá trị thị trường (GTTT) đạt 1,755 tỷ đồng giá mua nợ, tăng 65% so với năm 2022; xử lý thu hồi nợ đạt 16,109 tỷ đồng theo dư nợ gốc, tăng 49% so với năm 2022. VAMC cũng đã hoàn thành chỉ tiêu mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB), hoàn thành 65% kế hoạch mua nợ theo GTTT và đạt 117% kế hoạch xử lý thu hồi nợ.
Đặc biệt, các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động của VAMC năm 2023 được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao đều hoàn thành kế hoạch và tăng trưởng so với năm 2022.
Trong đó, VAMC đạt 1,721 tỷ đồng doanh thu và 176 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 39% và 5% so với năm 2022. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu đạt kế hoạch được NHNN giao (tăng 6% so với năm 2022).
Theo VAMC, nhờ có Nghị quyết 42/2017/QH14, kết quả thu hồi nợ giai đoạn 15/08/2017-31/12/2023 chiếm gần 3/4 kết quả thu hồi nợ giai đoạn 2013-2023. VAMC đã mua nợ theo giá trị thị trường gần 14,000 tỷ đồng giá mua. Trong đó, mua nợ theo Nghị quyết 42/2017/QH14 chiếm gần 95% và xử lý được hơn 79% nợ thị trường đã mua.
Nhiều khó khăn, vướng mắc còn tồn tại
Về những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại, VAMC cho biết đối tượng mua nợ theo giá trị thị trường của VAMC bị giới hạn.
Theo quy định tại Điều 3 Thông tư 19/2013/TT-NHNN và các văn bản sửa đổi, bổ sung, VAMC chỉ được phép mua các khoản nợ xấu hạch toán nội bảng tại các tổ chức tín dụng. Theo quy định của Nghị quyết 42/2017/QH14, VAMC chỉ được mua các khoản nợ đang hạch toán nội và ngoại của tổ chức tín dụng được xác định là nợ xấu hình thành trước 15/08/2017. Tuy nhiên, nhiều khoản nợ xấu mới hình thành và phát sinh sau khi Nghị quyết 42/2017/QH14 có hiệu lực (15/8/2017) đã được tổ chức tín dụng xử lý ngoại bảng sẽ không thuộc đối tượng mua nợ của VAMC.
Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Nhu cầu bán nợ bằng trái phiếu đặc biệt của các tổ chức tín dụng cho VAMC giảm.
VAMC cũng cho biết trong năm qua, nền kinh tế diễn biến không thuận lợi (thị trường tiền tệ, tài chính, bất động sản tiềm ẩn không ít rủi ro; hoạt động sản xuất, kinh doanh, thị trường lao động gặp nhiều khó khăn); doanh nghiệp tiếp tục phải đối mặt nhiều thách thức sau đại dịch COVID-19, hoạt động kinh doanh không hiệu quả, nhu cầu tiếp cận nguồn vốn vay cũng như nhu cầu đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh rất hạn chế, ảnh hưởng đến dòng tiền cũng như định hường kinh doanh, kế hoạch tài chính các khách hàng của VAMC (một số khoản nợ có giá trị lớn VAMC dự kiến mua nợ với phương án xử lý sau khi mua nợ là bán tài sản bảo đảm, bán khoản nợ gặp nhiều khó khăn do khách hàng dự kiến mua khoản nợ, mua tài sản bảo đảm có nguồn lực tài chính không đảm bảo, nên VAMC chưa thể triển khai mua nợ theo giá trị thị trường như kế hoạch đề ra).
Bên cạnh đó, hầu hết tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu của VAMC đã và dự kiến mua theo giá trị thị trường là bất động sản, thị trường bất động sản sụt giảm và thanh khoản thấp, cùng với một số vướng mắc pháp lý liên quan khi xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ như trình tự thủ tục cập nhật biến động đất đai (gia hạn bổ sung thời hạn sử dụng đất, thủ tục thừa kế do đồng sở hữu tài sản mất…), thực hiện nghĩa vụ tài chính phức tạp… đã tác động trực tiếp tới tiến độ mua bán và xử lý nợ thị trường của VAMC.
Nhiều khoản nợ tổ chức tín dụng chào bán cho VAMC không đáp ứng được các điều kiện mua bán nợ theo quy định. Các khoản nợ phức tạp, khó xử lý, khách hàng không hợp tác, ngừng hoạt động, khó có khả năng phục hồi, thậm chí liên quan đến các vụ án hoặc đang chấp hành án hoặc không liên lạc được với khách hàng vay, giá trị tài sản bảo đảm thấp hơn nhiều so với giá trị khoản nợ, do đó việc lựa chọn được khoản nợ đủ điều kiện mua nợ, đảm bảo an toàn vốn cho VAMC thực sự khó khăn.
Theo quy định hiện hành, VAMC chỉ được đấu giá tài sản là khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu mà VAMC đã mua của các tổ chức tín dụng (bao gồm khoản nợ xấu được mua theo giá trị thị trường và mua bằng trái phiếu đặc biệt) dẫn tới hạn chế đối tượng đấu giá, phạm vi hoạt động đấu giá của VAMC.
Liên quan đến việc hạch toán ghi nhận doanh thu và giá vốn của khoản nợ mua theo giá trị thị trường: Theo quy định tại Khoản 3.3, Điều 6, Thông tư 01/2017/TT – BTC ngày 05/01/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ tài chính đối với VAMC: “Đối với khoản thu từ bán nợ, bán tài sản bảo đảm đối với khoản nợ mua theo giá trị thị trường: VAMC hạch toán vào thu nhập tài thời điểm chuyển quyền và nghĩa vụ cho người mua”. Điều này dẫn đến VAMC chưa có cơ sở hạch toán giảm dư nợ cho khách hàng tại thời điểm khách hàng chưa chuyển quyền và nghĩa vụ cho người mua, khách hàng vay vẫn phải chịu tính lãi trên số dư nợ đã được thanh toán từ tiền bán tài sản bảo đảm.
Sàn giao dịch nợ VAMC là mô hình mới nên việc thu hút các chủ thể tham gia giao dịch gặp nhiều khó khăn. Hàng hóa là các khoản nợ, tài sản bảo đảm do các tổ chức tín dụng chào bán trên sàn giao dịch nợ có tình thanh khoản thấp, được tổ chức tín dụng tự thực hiện xử lý trong nhiều năm nhưng chưa thành công, nên chưa thực sự hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư quan tâm giao dịch.