Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng hơn 2 điểm (+0,2%) lên mốc 1.288,4. Độ rộng toàn thị trường nghiêng về sắc xanh với bên mua có 372 mã tăng và bên bán có 317 mã giảm. Sắc xanh có phần áp đảo trong rổ VN30 với 15 mã tăng, 12 mã giảm và 3 mã tham chiếu.
Thanh khoản thị trường giảm so với phiên giao dịch trước đó, với khối lượng giao dịch khớp lệnh ba sàn đạt hơn 479 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị đạt hơn 11.900 tỷ đồng.
Các cổ phiếu có giá trị giao dịch lớn nhất sàn HoSE trong phiên 11/10 |
Khối ngoại trong phiên bán ròng trở lại 369 tỷ đồng trên toàn thị trường, với giá trị bán ròng trên HoSE đạt 318,6 tỷ đồng.
Giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong phiên hôm nay chủ yếu đến từ cổ phiếu VHM của Vinhomes, với giá trị đạt 216 tỷ đồng, tương ứng gần 5 triệu đơn vị. Đặc biệt, trong những phút cuối phiên, có 6 triệu cổ phiếu VHM (253,2 tỷ đồng) được giao dịch thỏa thuận.
Đáng chú ý, trong thứ 6 tuần trước, nhóm ‘cá mập’ cũng trao tay nhau 6 triệu cổ phiếu VHM (250,1 tỷ đồng) gần cuối phiên.
Những đợt giao dịch thỏa thuận cuối cùng của phiên 11/10 |
Liên quan đến Vinhomes, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa thông báo đã nhận được tài liệu báo cáo mua lại cổ phiếu theo Báo cáo số 02/2024/CV-VHM ngày 08/10/2024 của doanh nghiệp.
Đây là một bước tiến quan trọng để Vinhomes đến gần hơn với việc thực hiện thương vụ mua lại cổ phiếu quỹ lớn nhất lịch sử chứng khoán Việt Nam.
Quay lại thị trường, nhóm cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng nhiều nhất là các mã VN30 như FPT (94,9 tỷ đồng), SSI (81 tỷ đồng) và VNM (60,9 tỷ đồng). Bên cạnh đó, một số cổ phiếu trong nhóm ngân hàng như VPB, MSB, BID, STB cũng bị xả dưới 62 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu của Masan (MSN) tiếp tục được khối ngoại mua ròng mạnh nhất 177 tỷ đồng (2,2 triệu đơn vị). Kết phiên cuối tuần, MSN tăng 1,4% lên 81.100 đồng/cp, phiên tăng thứ 4 liên tiếp (+8,3%).
Theo báo cáo mới nhất về Masan của SSI Research, với vị thế doanh nghiệp đầu ngành bán lẻ tiêu dùng, doanh nghiệp này được nhận định lãi khoảng 650 tỷ – gấp gần 13 lần cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, Masan Consumer (MCH) và Techcombank (TCB) là 2 nguồn đóng góp chính vào lợi nhuận của Masan Group. Trong khi đó, quý III/2024 nhiều khả năng WinCommerce có thể có quý đầu tiên báo lãi, Masan High-Tech Materials giảm lỗ cũng đóng góp tích cực vào lợi nhuận của Masan Group. Bên cạnh đó, chi phí lãi vay của tập đoàn này cũng giảm.
Bên cạnh MSN, cổ phiếu TCB tiếp tục được khối ngoại mua ròng 62 tỷ đồng (hơn 2,5 triệu đơn vị), nối dài chuỗi mua ròng 9 phiên liên tiếp với tổng giá trị đạt 1.314 tỷ đồng (53,3 triệu đơn vị).
Top 10 cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh nhất trên HoSE theo khối lượng trong phiên 11/10 |
Các cổ phiếu nằm trong top mua ròng còn lại là EIB (47,4 tỷ đồng), MWG (42,5 tỷ đồng), HAH (35 tỷ đồng), VJC (33,8 tỷ đồng) và VRE (30,9 tỷ đồng). Các mã FRT, DBC, PLX, ACV cũng được mua ròng dưới 21 tỷ đồng mỗi mã.
>> Khối ngoại ‘rót tiền’ khủng vào một mã VN30 đưa thị giá vượt đỉnh lịch sử