Thông tin với báo chí về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 12 và 12 tháng năm 2024 chiều 7/1, Bộ Công Thương cho biết: “Đến nay, ngành Công Thương đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2024”.
Một trong các chỉ tiêu được đánh giá là điểm sáng nổi bật và là một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế là xuất nhập khẩu.
Theo đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm đạt kỷ lục mới (gần 800 tỷ USD), tăng 15,4% so với năm trước, đặc biệt xuất khẩu đạt 405,53 tỷ USD, tăng 14,3%, hơn 2 lần chỉ tiêu.
Năm 2024, cán cân thương mại ghi nhận năm thứ 9 liên tiếp xuất siêu ở mức cao (gần 25 tỷ USD), giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô.
Đặc biệt, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt 114,59 tỷ USD, tăng 19,8%, chiếm 28,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong khi khu vực FDI (kể cả dầu thô) đạt 290,94 tỷ USD, tăng 12,3%, chiếm 71,7%).
So với năm 2023, có thêm 2 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD đưa tổng số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD là 37 mặt hàng (trong tổng số 45 mặt hàng xuất khẩu chính- PV), chiếm 94,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Kim ngạch xuất khẩu tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn của nước ta đều có sự phục hồi tích cực và đạt mức tăng trưởng cao: XK sang Hoa Kỳ đạt 119,6 tỷ USD, tăng 23,3% (cùng kỳ năm trước giảm 11,6%); thị trường EU đạt 52,1 tỷ USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ giảm 5,9%); Hàn Quốc ước đạt 25,5 tỷ USD, tăng 8,7% (cùng kỳ giảm 3,4%) (Riêng XK sang Trung Quốc đạt 60,6 tỷ USD, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 6,4%); xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 24,6 tỷ USD, giảm 1,2% (cùng kỳ giảm 3,2%).ộ Theo đánh giá của Bộ Công Thương, xuất khẩu mặc dù phục hồi tăng trưởng nhanh nhưng chưa bền vững, chịu nhiều tác động bởi các yếu tố bên ngoài.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, xuất khẩu mặc dù phục hồi tăng trưởng nhanh nhưng chưa bền vững, chịu nhiều tác động bởi các yếu tố bên ngoài.
Phần lớn kim ngạch xuất khẩu của nước ta do các doanh nghiệp FDI mang lại (khoảng trên 70%) nhưng xuất khẩu của các doanh nghiệp này phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu và chưa tạo được hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Đặc biệt, xuất khẩu còn phụ thuộc vào một số thị trường lớn, chủ yếu là với các quốc gia Đông Bắc Á, Hoa Kỳ, ASEAN, EU (kim ngạch xuất khẩu tới 4 khu vực thị trường này chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước).
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ… phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ, các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh.
Đáng chú ý, giá trị gia tăng trong xuất khẩu chưa được như kỳ vọng, phần lớn hàng xuất khẩu thuộc nhóm hàng gia công, chế biến và tập trung chủ yếu ở nhóm doanh nghiệp FDI (như dệt may, da giầy, điện tử), tỷ lệ nội địa hóa thấp và phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Hàng nông nghiệp xuất khẩu chủ lực phần nhiều còn dưới dạng nguyên liệu thô, sơ chế, khả năng đáp ứng yêu cầu về chất lượng của thị trường thế giới hạn chế.
“Toàn bộ thặng dư trong cán cân thương mại do các doanh nghiệp FDI mang lại; cán cân thương mại của doanh nghiệp trong nước liên tục thâm hụt với xu hướng tăng. ..”- Báo cáo của Bộ Công Thương lưu ý.
Trước đó, thông tin tại cuộc họp báo của Tổng cục Thống kê cho biết, năm 2024 khu vực kinh tế có vốn FDI, duy trì vai trò dẫn dắt với tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 71,7% trong tổng số kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và tăng 12,3% so với năm 2023, sản xuất phục hồi tích cực.
Tổng cục Thống kê cũng cho biết, các mặt hàng gia công lắp giáp tiếp tục đóng vai trò động lực của tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu năm 2024. Trong đó, năm 2024 kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng gia công, lắp giáp chủ lực chiếm tỷ trọng 62,8% tổng kim ngạch xuất khẩu và có mức tăng so với năm 2023: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (+26,6%); Điện thoại các loại và linh kiện (+2,9%); Máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng (+21,0%); Hàng dệt may (+11,2%); Giầy dép (+13%); Gỗ và sản phẩm gỗ (+20,3%)…