Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), trong tháng 6, xuất khẩu gạo ước đạt 650.000 tấn, thu về 416 triệu USD. Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng khối lượng gạo xuất khẩu đạt 4,68 triệu tấn, tương ứng với giá trị kim ngạch 2,98 tỉ USD, tăng 10,4% về lượng và 32% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Kỷ lục mới
Đây là kỷ lục mới của xuất khẩu gạo Việt Nam. Giá gạo xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 636 USD/tấn, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2023 – là tín hiệu mừng khi xuất khẩu gạo không chỉ tăng về số lượng mà còn giá bán.
Theo thống kê hải quan, trong 6 tháng đầu năm, nhiều thị trường tốp 10 xuất khẩu gạo của Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng mạnh như: Philippines tăng 12% (đạt hơn 1,9 triệu tấn); Indonesia tăng 44% (gần 709.000 tấn); Malaysia tăng 134% (gần 458.000 tấn); Cuba tăng 287% (gần 147.000 tấn); Singapore tăng 44% (91.000 tấn). Một số thị trường cao cấp như Mỹ cũng tăng 4% (17.000 tấn); Úc tăng 13% (16.500 tấn); Canada tăng 2% (7.200 tấn). Đặc biệt, trong tốp 30 thị trường nhập khẩu gạo nhiều nhất của Việt Nam có sự tăng trưởng 4 con số là Libya tăng 9.513% (đạt hơn 20.000 tấn) và Ukraine tăng 3.856% (hơn 10.000 tấn).
Đặc biệt, nhiều thị trường xuất khẩu có giá bán cao hơn bình quân, như: Brunei đạt 959 USD/tấn, Mỹ 868 USD/tấn, Hà Lan 857 USD/tấn, Ukraine 847 USD/tấn, Iraq 836 USD/tấn, Thổ Nhĩ Kỳ đạt 831 USD/tấn…
Bà Dương Thanh Thảo, Phó Giám đốc Công ty CP Gạo Ông Thọ (TP HCM), cho biết doanh nghiệp (DN) đang xuất khẩu gạo ST25 sang Mỹ, Úc với giá bán lên tới 1.200 – 1.250 USD/tấn, loại đóng túi 5 kg. “Ngoài sản phẩm mang thương hiệu công ty, chúng tôi còn gia công cho đối tác và đều lựa chọn gạo ST25 có tiêu chuẩn cao để người tiêu dùng hài lòng.
Có lúc, khách hàng muốn tăng sản lượng mua hàng nhưng chúng tôi không đáp ứng được vì không có nguồn cung đủ chất lượng. Chúng tôi luôn muốn giữ chất lượng và giữ giá gạo xuất khẩu nhưng thực tế vẫn có đơn vị xuất khẩu gạo ST25 với giá thấp hơn. Thậm chí, trong mỗi container gạo ST25 xuất khẩu, có khách hàng còn đặt thêm một ít gạo đỏ, gạo tím, nếp với đơn giá từ 2-3 USD/kg” – bà Thảo tiết lộ.
Giám đốc điều hành một DN kinh doanh gạo tại TP HCM cho biết công ty ông chủ yếu xuất khẩu gạo sang Singapore và Trung Đông. Trong đó, gạo ST25 có đơn giá khoảng 1.000 USD/tấn; còn gạo DT8, gạo Jasmine ở mức 600 – 700 USD/tấn.
“So với giá đỉnh hồi tháng 8 và 9 năm ngoái thì giá gạo có giảm nhưng mặt bằng chung vẫn cao hơn các năm. Những tháng gần đây, khi cước tàu biển tăng, nhà mua hàng đề nghị chia sẻ chi phí có làm cho giá gạo hạ nhiệt đôi chút” – đại diện này nói.
Ẩn số cuối năm
Ông Nguyễn Văn Đôn, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), thông tin thị trường chính của gạo Việt Nam là châu Á, châu Phi, còn thị trường châu Âu, Mỹ rất thấp. Vì vậy, dù giá bán gạo sang Mỹ, châu Âu cao nhưng sản lượng ít. “Các yếu tố có thể ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu gạo của Việt Nam từ nay đến cuối năm là khi nào Ấn Độ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo và chính sách nhập khẩu gạo của thị trường mua lớn nhất là Philippines (chiếm 45% thị phần) sẽ thay đổi thế nào? Do đó, xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm có nhiều ẩn số” – ông Đôn phân tích.
Một yếu tố nữa là thị trường Trung Quốc, từng là khách hàng lớn nhất của ngành gạo Việt Nam, lại đang giảm nhập khẩu gạo. 6 tháng đầu năm, nước này chỉ nhập hơn 215.000 tấn gạo, giảm đến 68% so với cùng kỳ năm ngoái và đứng thứ 5 trong số các thị trường nhập khẩu gạo nhiều nhất của Việt Nam.
Đặc biệt, Trung Quốc chỉ mua gạo ST24, ST25 và nếp chứ không nhập gạo phổ thông như trước. Nguyên nhân được khách hàng đưa ra là do giá cao và nguồn dự trữ gạo của Trung Quốc vẫn đáp ứng được ở phân khúc này.
Liên quan đến thị trường gạo Philippines, ngày 8-7, Thương vụ Việt Nam tại Philippines thông tin đầu tháng 7, các nhà nông dân Philippines đã nộp đơn khiếu nại yêu cầu tòa án tối cao của nước này tuyên bố Sắc lệnh 62 về giảm thuế nhập khẩu các mặt hàng nông sản trong đó có gạo từ 35% xuống 15% là vi hiến. Sự việc này có thể ảnh hưởng đến thực thi Sắc lệnh số 62 và triển vọng xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Philippines.
Cũng trong ngày 8-7, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia phát đi cảnh báo xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường Indonesia có thể gặp bất lợi do Cơ quan hậu cần Quốc gia – Bulog (Cơ quan được phân giao thu mua gạo thầu quốc tế của Chính phủ Indonesia) và Cơ quan Lương thực quốc gia Indonesia bị một tổ chức dân sự People’s Democracy Study (SDR) khiếu kiện lên Ủy ban chống tham nhũng quốc gia (KPU) vì liên quan tới cáo buộc tham nhũng từ việc mua gạo.
Thương vụ Việt Nam tại Indonesia nhìn nhận điều này có khả năng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc thu mua lúa gạo của Indonesia từ Việt Nam từ nay đến hết năm 2024 hoặc cho tới khi vụ việc được điều tra làm rõ.
Từ vụ việc đáng tiếc này, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia khuyến cáo các DN xuất khẩu gạo Việt Nam cần thận trọng trong bất cứ giao dịch, phát ngôn; cạnh tranh lành mạnh, không để ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, Indonesia là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của gạo Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2024, chiếm gần 17% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.
Trong khi đó, một lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng nếu Ấn Độ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo, họ cũng sẽ làm khéo léo để giá gạo không bị “sụp”, nếu không sẽ gây thiệt hại cho nhiều phía. Hơn nữa, thời gian qua Ấn Độ cũng xuất khẩu gạo qua kênh chính phủ và xuất khẩu gạo cao cấp (có áp thuế) chứ không phải cấm hoàn toàn nên lượng tồn kho không đến mức phải lo lắng.
Về phần các DN, năm nay xuất khẩu gạo ổn định hơn, không bị tăng giá đột biến gây đứt gãy chuỗi cung ứng như năm ngoái. Do vậy, nhìn tổng thể, xuất khẩu gạo năm nay ổn định hơn. Hơn nữa, do 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã tăng 10% lượng gạo xuất khẩu nên không lo ngại về tồn kho cũng như sản lượng gạo các tháng cuối năm không quá nhiều để phải gặp áp lực về tiêu thụ.
Sơ kết thí điểm đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao
Ngày 8-7, tại HTX Tiến Thuận, UBND TP Cần Thơ tổ chức hội thảo sơ kết mô hình thí điểm thực hiện đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” (gọi tắt là đề án 1 triệu ha lúa). Cần Thơ là địa phương đầu tiên thực hiện thí điểm mô hình này, với diện tích 50 ha tại HTX Tiến Thuận, xuống giống ngày 5-4.
Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết mô hình trên đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của đề án 1 triệu ha. Đó là sử dụng giống xác nhận với lượng 60 kg/ha, sạ bằng máy kết hợp vùi phân; áp dụng quản lý nước ướt khô xen kẽ… Mô hình đã giảm sử dụng lượng lúa giống từ 140 kg/ha xuống còn 60 kg/ha, giảm số lần bón phân từ 3-4 lần/vụ xuống còn 2 lần/vụ, giảm tối thiểu 20% lượng phân bón vô cơ.
Lúa thực hiện theo đề án tăng lợi nhuận ròng từ 1,3 – 6,2 triệu đồng/ha, mô hình giảm từ 2-6 tấn CO2/ha so với ruộng đối chứng… “Kết quả mô hình là nền tảng, cơ sở để ngành nông nghiệp Cần Thơ nhân rộng đến toàn bộ các vùng tham gia thực hiện đề án 1 triệu ha như đã cam kết – ông Hè nói.
Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), bên cạnh những tiêu chí của đề án, một yếu tố quan trọng khác là sự liên kết chặt chẽ giữa các DN đầu vào, vật tư nông nghiệp và các DN thu mua gạo cho nông dân, liên kết chân thực hơn và có trách nhiệm hơn, thực hiện đúng cam kết của các bên.