Báo cáo của Tổ chức Nông Lương thế giới (FAO) cho hay, giá thực phẩm toàn cầu đã tăng lên mức cao nhất trong 18 tháng, kể từ tháng 4/2023, và dự kiến sẽ tiếp tục tăng.
Ngũ cốc, thịt, sữa, dầu thực vật và đường, đã tăng 2% vào tháng 10; dầu thực vật có mức tăng giá lớn nhất, tăng 24% do giá dầu cọ, đậu nành, hướng dương và hạt cải ngày càng đắt đỏ; sữa và thịt đã tăng lần lượt 17% và 10% so với đầu năm nay.
Ngược lại, danh mục ngũ cốc, chủ yếu bao gồm lúa mì và gạo, đã giảm 4,5% từ cuối tháng 9/2024. Nguyên nhân chủ yếu do hai cường quốc lúa gạo Ấn Độ và Pakistan đã xuất khẩu trở lại.
Ấn Độ gần đây đã chấm dứt lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng không phải gạo basmati đã áp dụng trong hơn một năm. Động thái này diễn ra sau quyết định của Pakistan về việc dỡ bỏ giá xuất khẩu tối thiểu (MEP) đối với tất cả các loại gạo, có hiệu lực từ năm 2023.
Động thái của Pakistan chịu ảnh hưởng từ việc Ấn Độ trước đó đã dỡ bỏ mức giá tối thiểu 950 đô la Mỹ/tấn đối với gạo basmati vào tháng 9/2024. Ấn Độ và Pakistan là những nước sản xuất gạo basmati duy nhất trên thế giới.
Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm gần 40% thương mại gạo toàn cầu, nắm giữ 65% thị phần gạo basmati. Pakistan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ tư sau Thái Lan và Việt Nam, nắm giữ 35% thị phần.
Trong năm tài chính 2022-2023, Ấn Độ đã thu được hơn 11 tỷ đô la Mỹ từ xuất khẩu gạo. Khi gạo Ấn Độ trở nên khan hiếm do các hạn chế xuất khẩu, Pakistan đã nổi lên như một nhà cung cấp thay thế cho một số khu vực, bao gồm vùng Vịnh, châu Phi và Đông Nam Á.
Từ tháng 7/2023 đến tháng 6/2024, Pakistan đã chứng kiến khối lượng xuất khẩu gạo tăng trưởng hơn 60% và giá trị tăng 78%, tạo ra gần 3,9 tỷ đô la Mỹ từ việc xuất khẩu gần 6 triệu tấn gạo.
Cuộc cạnh tranh giữa những cường quốc xuất khẩu gạo đang dẫn đến nguy cơ rớt giá mặt hàng này. Ví dụ Ấn Độ đã giảm thuế xuất khẩu gạo xuống 10% trước vụ mùa mới, tạo ra áp lực rất lớn đối với các nhà cung cấp từ Thái Lan, Việt Nam và Pakistan phải giảm giá 10 đô la Mỹ/tấn.
Giá gạo đã bắt đầu bước vào chu kỳ biến động mạnh, ngay cả ở Việt Nam, nhưng các thương nhân cảnh báo rằng tác động đầy đủ của nguồn cung từ Ấn Độ vẫn chưa hoàn toàn xuất hiện.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá lúa gạo tháng 10 giảm đáng kể. Lúa tại ruộng trung bình đạt 6.736 đồng/kg, ở kho là 8.342 đồng/kg, giảm lần lượt 507-600 đồng/kg so với tháng trước đó. Các loại gạo 5%, 15%, và 25% tấm cũng giảm 200-400 đồng/kg so với tháng 9.
Trên thị trường quốc tế, gạo 5% tấm của Việt Nam ở mức 538 đô la Mỹ/tấn, giảm 25-30 đô la Mỹ so với trước đó. Gạo Thái Lan cũng lao dốc 40-50 đô la Mỹ, xuống 500 đô la Mỹ/tấn.
FAO dự báo vụ mùa 2024-2025 sản lượng gạo toàn cầu tăng nhẹ. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam dự kiến đạt 7-7,5 triệu tấn trong niên vụ tới.
Biểu đồ theo dõi của Quỹ tiền tệ quốc tế cho thấy, từ tháng 1 đến nay, giá gạo quốc tế “đổ dốc” mạnh từ 629,08 đô la Mỹ/tấn xuống 496,6 đô la Mỹ/tấn, tương đương biên độ mất giá 133 đô la Mỹ/tấn. Xu hướng này chưa có dấu hiệu dừng lại.
Giá gạo hiện nay chưa bằng một nửa so với thời điểm hoàng kim tháng 5/2008, với 1.015 đô la Mỹ/tấn. Biểu đồ theo dõi giá gạo từ 1992 đến nay cho thấy mặt hàng này rất nhạy cảm với các biến động liên quan. Biểu đồ giá luôn luôn là những đường gấp khúc gập ghềnh, “dựng đứng” hoặc “đổ thẳng”, hoàn toàn không có thời gian đi ngang.