Chi tiết

Xuất khẩu nông nghiệp dự kiến vượt 60 tỷ USD

Sau 11 tháng, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt gần 57 tỷ USD, dự kiến cả năm vượt mốc 60 tỷ USD, mức kỷ lục từ trước đến nay, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến.

Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản trong 11 tháng đầu năm đã vượt chỉ tiêu 54-55 tỷ USD do Thủ tướng giao. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết nếu tháng 12 tiếp tục diễn biến thuận lợi, kim ngạch cả năm có thể đạt 60-61 tỷ USD. Đây là một bước tiến lớn, khẳng định vị thế quan trọng của ngành nông nghiệp trong nền kinh tế.

Trong 11 tháng qua, cán cân thương mại của ngành đạt thặng dư gần 16,5 tỷ USD, tăng 53% so với cùng kỳ năm trước – con số kỷ lục.

Các lĩnh vực chủ lực đều ghi nhận sự tăng trưởng mạnh: nông sản đạt gần 30 tỷ USD (tăng hơn 23%), thủy sản 9,2 tỷ USD (tăng 11,8%), lâm sản gần 15,6 tỷ USD (tăng 19,6%) và sản phẩm chăn nuôi hơn 475 triệu USD (tăng 4,4%).

Đặc biệt, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đóng góp mức thặng dư hơn 12,1 tỷ USD, trong khi rau quả xuất siêu 4,56 tỷ USD nhờ việc thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Sầu riêng cho thu hoạch tại Cai Lậy (Tiền Giang). Ảnh: Hoàng Nam

Sầu riêng cho thu hoạch tại Cai Lậy (Tiền Giang). Ảnh: Hoàng Nam

Về thị trường, châu Á chiếm 48,2% tổng kim ngạch, tiếp theo là châu Mỹ với 23,7% và châu Âu khoảng 11,3%. Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản là ba thị trường lớn nhất với tỷ trọng lần lượt 21,7%, 21,6% và 6,6%. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ tăng mạnh gần 25%, Trung Quốc tăng 11% và Nhật Bản tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả khả quan trên được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho là nhờ các giải pháp tái cơ cấu ngành trong nhiều năm qua. Việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế tuần hoàn cũng tạo động lực mạnh mẽ cho toàn ngành. Đồng thời, nỗ lực mở rộng thị trường và đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu đóng vai trò then chốt.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành nông nghiệp vẫn đối mặt nhiều thách thức, như biến đổi khí hậu, dịch bệnh và bất ổn kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, cơ hội vẫn mở ra nhờ sự gia tăng nhu cầu thực phẩm trên thế giới, cùng các lợi thế từ hiệp định thương mại tự do. Việc nâng cao giá trị gia tăng, đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng thị trường sẽ tiếp tục là chìa khóa để ngành này đạt được mục tiêu lớn hơn trong tương lai.

Theo các chuyên gia, nhìn lại năm 2024, ngành nông nghiệp Việt Nam không chỉ vượt qua khó khăn mà còn khẳng định vai trò chủ lực trong phát triển kinh tế – xã hội. Với những định hướng đúng đắn, ngành này sẽ tiếp tục phát triển bền vững và đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển của Việt Nam.

Thi Hà


Nguồn tin: https://vnexpress.net/xuat-khau-nong-nghiep-du-kien-vuot-60-ty-usd-4824075.html