Chi tiết

Xuất khẩu rau quả và mục tiêu 10 tỷ USD: Tiếp đà bứt phá…

Chia sẻ với DĐDN, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau Quả Việt Nam (VINAFRUIT) cho rằng, để đạt được kỷ lục mới của ngành là kết quả của quá trình nỗ lực chuyển đổi tư duy, chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, chuyển đổi xanh và mở cửa thị trường cho nhiều loại nông sản chủ lực.

dang phuc nguyen
dang phuc nguyen

Năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản nước ta ước đạt mức cao kỷ lục 62,4 tỷ USD, xuất siêu 18,6 tỷ USD. Đóng góp chung vào bức tranh sáng của ngành nông nghiệp, kim ngạch xuất khẩu rau quả dự kiến đạt 7,2 tỷ USD. Có thể nói, để đạt được kỷ lúc mới của ngành rau quả như năm nay là kết quả của quá trình nỗ lực chuyển đổi tư duy, chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, chuyển đổi xanh, là kết quả của quá trình đàm phán, mở cửa thị trường cho nhiều loại nông sản chủ lực.

– Đâu là những sản phẩm chủ lực, “ngôi sao” xuất khẩu đã có sự tăng trưởng vượt bậc, tạo kỷ lục mới cho ngành và dự báo sang năm 2025, thưa ông?

Năm 2024 ghi nhận nhiều “ngôi sao” trong xuất khẩu rau quả. Trong đó, tăng trưởng nhiều nhất là mặt hàng sầu riêng. Dự kiến, năm nay, xuất khẩu mặt hàng này sẽ thu về trên 3,2 tỷ USD, tăng 1 tỷ USD so với năm ngoái.

Trong khi đó, mặt hàng chanh leo cũng sẽ là điểm sáng của ngành hàng rau quả khi mà hiện nay chiếm gần 1/3 kim ngạch xuất khẩu vào EU. Kim ngạch EU khoảng 300 triệu USD/năm. Chanh leo xuất khẩu vào EU chủ yếu là chế biến cấp đông. Hay sản phẩm dừa tươi, dừa chế biến xuất khẩu cũng đạt kết quả khá cao tại thị trường Trung Quốc và Mỹ.

Đặc biệt, năm 2025, sầu riêng tiếp tục là mặt hàng chủ lực và Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu sầu riêng lớn nhất của Việt Nam, chiếm trên 90% giá trị xuất khẩu của loại trái cây này. Sản phẩm dừa tươi cũng sẽ được đánh giá, kiểm duyệt mã vùng trồng đợt 2 của Hải Quan Trung Quốc. Do đó, công suất, vùng trồng và sản lượng cũng sẽ bứt phá.

rauqua 2
Kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam từ 2023 – T11/2024. Nguồn: TCHQ

Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ có thêm sản phẩm chanh leo xuất sang Mỹ và vải thiều đang hoàn thiện hồ sơ để tiếp cận thị trường Hàn Quốc. Dự báo kim ngạch xuất khẩu chanh leo qua Mỹ mỗi năm sẽ đạt từ 50-100 triệu USD. Do đó, năm 2025 dự báo, xuất khẩu rau, quả sẽ thu về 8 tỷ USD là hoàn toàn khả thi. Ngoài ra, bưởi cũng là trái cây được kỳ vọng trong năm tới.

– Tuy nhiên vẫn còn những thách thức trong năm 2025, thưa ông?

Rau quả Việt Nam vẫn đối diện với nhiều đối thủ cạnh tranh trên sân chơi quốc tế như Thái Lan, Malaysia, Philippines, Campuchia, Australia và một số nước ở Nam Mỹ như Chile, Peru, Ecuador.

Cùng với đó là nhiều thách thức từ các rào cản kỹ thuật khắt khe về chất lượng, về bao bì, truy xuất nguồn gốc của những thị trường nhập khẩu.

Đặc biệt, thị trường Trung Quốc là một “bí ẩn” khi những chính sách kinh tế mới của Mỹ áp dụng với Trung Quốc thì thị trường này có giảm sức mua? Cùng với đó, tuy là thị trường tiềm năng của rau quả Việt nhưng đối thủ tại Trung Quốc cũng rất nhiều. Trong khi đó, tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm của Trung Quốc ngày càng nghiêm ngặt, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt phải cập nhật và đáp ứng các yêu cầu từ thị trường.

Cụ thể, các quy định về vệ sinh thực vật và kiểm dịch động thực vật của Trung Quốc tương đối phức tạp. Hàng rau quả xuất khẩu của Việt Nam phải có mã số vùng trồng do Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) cấp. Các cơ sở chế biến, đóng gói sản phẩm xuất khẩu cũng phải được GACC cấp mã số. Bên cạnh đó, quy định về phytosanitary (vệ sinh thực vật) và kiểm dịch động thực vật của Trung Quốc khá phức tạp và mất thời gian. Các cơ sở chế biến, đóng gói cũng phải đăng ký xin mã số của Hải quan Trung Quốc cấp sau khi kiểm tra nghiêm ngặt.

Cùng với Trung Quốc, nhiều thị trường chủ lực của ngành hàng rau quả Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản, Australia cũng có hàng rào kỹ thuật ngày càng phức tạp và có tiêu chuẩn cao. Việc tăng loại trái cây nhập khẩu vào Mỹ cũng được đi kèm với những quy định về đa dạng hoá các hình thức kiểm dịch, các vùng trồng và cơ sở chế biến phải đáp ứng các tiêu chuẩn khác nhau, đảm bảo không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, không nhiễm các loại vi sinh vật, vi khuẩn nấm mốc. Quá trình thu hoạch không ảnh hưởng đến chất lượng trái cây…

Vậy theo ông doanh nghiệp cần chuẩn bị thế nào?

Tôi cho rằng những khó khăn, thách thức về mở cửa thị trường sẽ ngày càng nhiều, nhất là nhiều nước đang có xu hướng nâng cao các thách thức đó, đây cũng là xu hướng tất yếu của quá trình phát triển.

Do đó, việc am hiểu và tuân thủ quy định của từng thị trường là cách duy nhất để hàng hóa có thể xuất khẩu thuận lợi. Doanh nghiệp và nông dân nước ta vẫn phải tuân thủ về vùng trồng, cơ sở đóng gói, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, đáp ứng toàn bộ hàng rào kỹ thuật. Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa sản phẩm kể cả sản phẩm chế biến sâu để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng đa dạng về mẫu mã và xuất xứ.

Với Trung Quốc, hiện có nhiều sản phẩm họ đã tự sản xuất được tại nội địa như xoài, thành long. Do đó, doanh nghiệp cần tăng cường chất lượng, tận dụng lợi thế về vị trí, giảm chi phí logistics để giảm giá thành và cạnh tranh được với các nước khác.

Bên cạnh Trung Quốc cần mở rộng thị phần ở các quốc gia Đông Bắc Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông,…đây là khu vực dân số đông, nhu cầu tiêu thụ rau quả đa dạng, chúng ta cần tăng cường chất lượng, tăng thêm đàm phán mở cửa thị trường cho một số sản phẩm khác như bưởi, bơ, na, chanh không hạt,…

Doanh nghiệp cần cũng đầu tư nhiều hơn vào công nghệ sản xuất, chế biến, áp dụng các kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt, trong xu hướng xanh hoá, tiêu dùng xanh, doanh nghiệp cần quan tâm nhiều hơn đến tính bền vững, tác động của biến đổi khí hậu, tăng cường các chứng nhận bền vững về trách nhiệm xã hội, môi trường.

– Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn