Chi tiết

Xuất khẩu sữa tăng mạnh, Vinamilk có gì khi cạnh tranh quốc tế?

Xuất khẩu sữa tăng mạnh, Vinamilk có gì khi cạnh tranh quốc tế?

Doanh thu thuần xuất khẩu quý 2/2024 của Vinamilk (HOSE: VNM) ghi nhận 1,740 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ và cao hơn mức tăng 5.9% trong quý 1/2024. Liên tục cải tiến sản phẩm và duy trì quan hệ chặt chẽ với đối tác tại các thị trường được cho sẽ tiếp tục là cơ sở tăng trưởng về xuất khẩu của Vinamilk 6 tháng cuối năm.

Kết nối theo chiều sâu và gia tăng hiện diện

Doanh thu xuất khẩu sữa khởi sắc 6 tháng đầu năm, tiếp nối đà tăng từ 2023 đến nay cho thấy hiệu quả của việc kết hợp các giải pháp hỗ trợ và xúc tiến thương mại, từ đó gia tăng sự hiện diện của thương hiệu, tìm kiếm cơ hội và phát triển nhóm khách hàng mới.


Doanh thu đến từ hoạt động xuất khẩu trong quý 2/2024 là điểm sáng tích cực

Những cái tên mới đã xuất hiện trong danh sách thị trường xuất khẩu của Vinamilk đến từ khu vực Châu Úc, Nam Mỹ hay Châu Phi, góp phần nâng tổng số quốc gia mà doanh nghiệp này từng “đặt chân đến” lên trên 60. Điều này cũng cho thấy việc khai thác hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế để tìm kiếm đối tác, khai phá thị trường mới.

Ông Võ Trung Hiếu – Giám đốc Kinh doanh quốc tế của Vinamilk cho biết thêm: “Tham gia các triển lãm, hội chợ quốc tế là hoạt động thường xuyên của Vinamilk. Tại đây, chúng tôi tập trung giới thiệu đến với các đối tác quốc tế các sản phẩm, dịch vụ chất lượng quốc tế của Vinamilk. Nhiều đối tác bất ngờ khi biết Việt Nam có thể làm được các sản phẩm sữa với hàng loạt các tiêu chuẩn cao, thơm ngon và giá lại rất cạnh tranh.”

Bên cạnh tìm kiếm cơ hội tại thị trường mới, các đối tác chiến lược có hợp tác lâu năm được doanh nghiệp phát triển theo chiều sâu.  Ông Inam Ahmad Zia Ahmad, đối tác của Vinamilk tại khu vực Trung Đông chia sẻ sau chuyến đi Việt Nam và đến thăm nhà máy sản xuất sữa bột trẻ em của Vinamilk: “Khi đến tham quan nhà máy Vinamilk, chúng tôi thực sự ấn tượng bởi quy trình khép kín, từ đầu vào đến đầu ra đều được áp dụng tiêu chuẩn quốc tế và tự động hóa rất cao. Ngoài ra, các loại bao bì của các bạn cũng thân thiện với môi trường, các vỏ hộp sữa thường được người tiêu dùng tái sử dụng rất nhiều tại thị trường chúng tôi”.


Các đối tác nhập khẩu ấn tượng khi tham quan Nhà máy sữa bột Việt Nam của Vinamilk

Khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA)

Khai thác triệt để các FTA mà Việt Nam đã kí kết đã tạo ra lợi thế bán hàng, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của Vinamilk. Hiện tỷ lệ thực hiện cấp chứng nhận xuất xứ hàng hoá C/O để được ưu đãi thuế tại Vinamilk hiện đạt trên 53%, cao hơn mức trung bình là 37.35% (theo số liệu được tổng kết của Bộ Công Thương).

Một ví dụ về việc tận dụng FTA hiệu quả được đại diện doanh nghiệp chia sẻ là thị trường Nhật Bản & Canada, với hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Cụ thể, 2 thị trường này đều ghi nhận doanh thu tăng trưởng khoảng 40% so với giai đoạn cùng kỳ 2023, dù đây đều có những nơi có tiêu chuẩn cao đối với các mặt hàng nhập khẩu.

“Số lượng FTA hiện nay đã bao trùm hầu khắp các thị trường lớn và vẫn còn dư địa tăng trưởng rất tốt. Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các thị trường mới, có nhiều tiềm năng như Châu Phi & Nam Mỹ… Nhưng cũng cần hiểu rằng, để khai thác thị trường có FTA thì cần phải đáp ứng các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ, kèm theo đó là sự thay đổi về nguồn nguyên liệu sản xuất, dây chuyền để có thể đáp ứng được yêu cầu liên quan”, ông Hiếu cho biết thêm.

Đòi hỏi chất lượng sản phẩm ngày càng cao

Tiêu chuẩn về chất lượng vẫn luôn là hàng rào lớn nhất với mọi thị trường, đặc biệt với các sản phẩm thực phẩm, đồ uống… đặc biệt ở các thị trường phát triển. Cụ thể như mới đây, Vinamilk đã xuất khẩu thêm một sản phẩm là sữa chua ăn sang thị trường Mỹ ngay sau khi đạt được chứng nhận FDA (tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của Mỹ) cho sản phẩm này. Tuy nhiên, cũng có nhiều quốc gia áp dụng các hệ tiêu chuẩn đặc thù riêng, đây cũng là rào cản mà các doanh nghiệp cần phải vượt qua khi muốn “mở khóa” thị trường.

Có thể nói đây cũng là lợi thế của Vinamilk khi sở hữu hệ thống 13 nhà máy với khá nhiều các tiêu chuẩn quốc tế hỗ trợ xuất khẩu như: FSSC 22000 (Chứng nhận Hệ thống Quản lý An toàn Thực phẩm quốc tế – Hà Lan), BRC (Tiêu chuẩn Anh Quốc), Tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội SMETA, FDA (Hoa Kì), Tiêu chuẩn cho các quốc gia Hồi Giáo HALAL, Organic EU (Hữu cơ Châu Âu), GMP (hệ thống các tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt của Mỹ)….

Xu hướng phát triển bền vững cũng đang trở thành tâm điểm chú ý của thương mại thế giới. Tại Úc, New Zealand, nhờ đáp ứng các yêu cầu khắt khe về bao bì thân thiện môi trường, Vinamilk đã tham gia được vào chuỗi cung ứng các chuỗi siêu thị quốc tế lớn nhất trong khu vực Châu Đại Dương như Costco, Woolworths, Foodstuff… Tại 2 thị trường này, Vinamilk đều ghi nhận tăng trưởng doanh thu hơn 50% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2024, Vinamilk đạt mục tiêu doanh thu 63,163 tỷ đồng, trong đó mảng kinh doanh quốc tế và chi nhánh nước ngoài tiếp tục dự báo sẽ gia tăng tỷ lệ đóng góp. Tính đến nay, Vinamilk đã có hơn 26 năm kinh nghiệm đưa sản phẩm sữa ra nước ngoài, với hơn 300 loại sản phẩm thuộc các ngành hàng sữa đặc, sữa bột, sữa chua… Tổng kim ngạch lũy kế đạt hơn 3.3 tỷ USD.

Để đạt các mục tiêu xuất khẩu năm 2024, theo các chuyên gia, hoạt động xúc tiến thương mại linh hoạt, đổi mới, kết hợp xúc tiến thương mại truyền thống với hình thức hiện đại sẽ là một đòn bẩy. Tuy nhiên, bên cạnh đó, năng lực sản xuất chuẩn quốc tế, chất lượng sản phẩm đồng nhất và nắm bắt xu hướng tiêu dùng mới vẫn sẽ là những yếu tố tạo tăng trưởng về dài hạn và bền vững.

FILI



Source link