Chi tiết

Xuất khẩu thủy sản lại gặp khó

Là doanh nghiệp (DN) lớn trong ngành tôm và thủy sản, mới đây, ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, đã chia sẻ với cổ đông về tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm kém khả quan, doanh thu, lợi nhuận còn cách xa kế hoạch. Lý do chủ yếu do xuất khẩu đang kém, ảnh hưởng từ việc thiếu container rỗng và cước tàu biển tăng. Một yếu tố nữa khiến kết quả kinh doanh chưa đạt như kỳ vọng là khó tuyển công nhân cho nhà máy.

Thị trường ảm đạm

Theo ông Quang, Mỹ từng là thị trường chính của Minh Phú nhưng đang phải cạnh tranh mạnh mẽ với tôm giá rẻ của Ecuador và Ấn Độ. Do đó, Minh Phú đã thống nhất chủ trương giảm sản lượng ở thị trường này còn 20% từ mức 22,34% của năm 2023 và chuyển hướng sang thị trường Trung Quốc. Do thị trường này đang có sức tiêu thụ rất lớn, lại sát Việt Nam giúp tránh những rủi ro về vận chuyển đường dài trên biển. Minh Phú dự kiến tăng sản lượng bán hàng vào thị trường tiềm năng này lên 10% từ mức chưa đến 1% của năm 2023. Trong tương lai sẽ tăng lên 20%, thậm chí cao hơn nếu điều kiện thuận lợi.

Trong khi đó, ông Trần Anh Khoa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Anh Khoa (Cà Mau), lại cho biết tin thị trường Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đang rất ảm đạm. “Các dòng tôm của chúng tôi chủ yếu được đối tác Trung Quốc phân phối ở kênh nhà hàng, khách sạn, tiệc cưới nhưng nay kênh này rất yếu vì người dân nước này đang thắt chặt chi tiêu. Ở kênh “hàng chợ” thì đụng tôm giá rẻ của Ecuador, Ấn Độ và tôm nội địa Trung Quốc” – ông Khoa nói.

Ông Ngô Minh Phương, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Việt Trường (TP Hải Phòng) – chuyên các loại cá xay (surimi), phản ánh một khó khăn khác đó là các các sản phẩm sử dụng nguyên liệu khai thác gặp khó về giấy chứng nhận khai thác (C/C). Điều này khiến nhiều DN trong ngành phải bỏ đơn hàng xuất khẩu sang châu Âu (EU) hoặc các nước như Thái Lan, Indonesia… nhập về để chế biến xuất khẩu sang EU. “Vẫn biết giải quyết bài toán IUU (hoạt động đánh bắt trái phép, không báo cáo và không được quản lý) là câu chuyện lớn, phức tạp và lâu dài nhưng DN rất mong các cơ quan ban ngành đẩy nhanh tiến độ để gỡ rối cho DN” – ông Phương nói.

Để ứng phó với tình hình trên, các DN đã tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới. “Điểm sáng thị trường surimi năm nay là sức mua khách hàng Nga đang tăng. Dự báo năm nay ngành hàng surimi sẽ tăng trưởng 2 con số” – ông Phương cho biết.

Xuất khẩu thủy sản lại gặp khó- Ảnh 1.

Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm xuất khẩu tại một hội chợ thủy sản. Ảnh: AN NA

Nhiều vướng mắc mới

Trong báo cáo kết quả hoạt động quý II và phương hướng, nhiệm vụ 2 quý cuối năm 2024 gửi Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết 5 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt gần 3,6 tỉ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023. “Trong tốp 4 thị trường hàng đầu, chỉ có Mỹ có dấu hiệu tích cực hơn với tăng trưởng 7%, Hàn Quốc tăng 2%, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản và EU đi ngang. Sự phục hồi chậm và dè dặt của các thị trường, áp lực cạnh tranh về giá xuất khẩu trong khi chi phí đầu vào sản xuất tăng, nguyên liệu thiếu hụt… đang và sẽ tiếp tục tác động đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong năm 2024” – ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, nhận định.

VASEP cũng đề cập vướng mắc mới là quy định về kích thước tối thiểu được phép khai thác của các loài thủy sản sống trong vùng nước tự nhiên tại Nghị định 37/2024/NĐ-CP do Chính phủ ban hành, có hiệu lực từ ngày 19-5. Theo đó, với cá ngừ vằn, quy định chiều dài nhỏ nhất cho phép khai thác là 0,5 m, tương đương từ 5 kg trở lên trong khi tiêu chuẩn quốc tế đối với loài cá này 1,8 – 3,4 kg và các loại cá ngừ vằn để sản xuất đồ hộp hiện nay cũng trong cỡ này.

Theo VASEP, Quy định về bảo tồn của EU 2019/1241 không tìm thấy quy định về kích thước tối thiểu của cá ngừ vằn. EU bảo vệ nguồn lợi thủy sản bằng các biện pháp như hạn ngạch, thời gian cấm biển… chứ không thuần túy chỉ bằng kích thước tối thiểu. Các tàu cá của Tây Ban Nha vẫn đánh bắt cá ngừ vằn dưới 1,5 kg và vẫn được cấp C/C.

Theo bà Cao Thị Kim Lan – Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình Định (BIDIFISCO), Ủy viên Ban Chấp hành VASEP – kích cỡ 0,5 m trở lên chỉ chiếm từ 5% – 7% trong các lô khai thác ngừ vằn hiện nay. “Hiện chưa thấy quốc gia nào quy định cấm khai thác cá ngừ vằn nhỏ hơn 0,5 m. Ủy ban Nghề cá Trung Tây Thái Bình Dương (WCPFC) cũng chưa có bất cứ báo cáo hay thông báo nào rằng cá ngừ vằn bị khai thác quá mức hay quy định khai thác theo kích cỡ. Quy định này sẽ khiến ngư dân phải thay đổi kích thước mắt lưới, các tổ chức quản lý cảng cá thêm tiêu chí “ngư cụ” vào phần kiểm tra cấp phép xuất bến – cập bến và các DN sẽ thiếu trầm trọng nguyên liệu để thu mua sản xuất, xuất khẩu” – bà Lan nói.

Ngoài cá ngừ vằn, một số hải sản khác cũng quy định kích cỡ không phù hợp như: cá trích xương (từ 110 mm), mực ống (loài edulis từ 80 mm, loài chinensis từ 170 mm), tôm sắt cứng (từ 70 mm) khi thực tế thu mua kích cỡ này chỉ chiếm từ 33% – 50% lô hàng.

Trước bất cập trên, VASEP kiến nghị các cơ quan liên quan rà soát để điều chỉnh quy định cho phù hợp với thực tế Việt Nam và thông lệ quốc tế, không gây khó khăn cho ngành hàng khai thác hải sản của Việt Nam. 

Hoang mang với “không trộn lẫn nguyên liệu”

Theo VASEP, các DN đang hoang mang với quy định “Không trộn lẫn nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác nhập khẩu với nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác trong nước vào cùng một lô hàng xuất khẩu” tại Nghị định 37/2024/NĐ-CP và việc xử phạt vi phạm hành chính với hành vi nói trên được quy định tại Nghị định 38/2024/NĐ-CP.

Thực tế, với các DN hải sản, việc sản xuất ra thành phẩm của một lô hàng có nguyên liệu từ nhiều loài, nhiều mặt hàng, từ các nguồn khác nhau như khai thác và nhập khẩu là hoàn toàn bình thường trên nguyên tắc chứng minh là không IUU và các giấy tờ khác. Ví dụ, trong trường hợp hàng ghép container như: 10 tấn cá ngừ (nhập khẩu), 5 tấn cá phèn và 5 tấn cá nục (thu mua trong nước) đều phổ biến trong thương mại quốc tế – liệu có bị xem là “trộn lẫn”?

Source link