Chiều 27/12, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025.
Xuất siêu ngành nông nghiệp lập kỷ lục mới
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, năm 2024, ngành NN&PTNT thực hiện Kế hoạch trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; trong đó, có yếu tố tác động mạnh của biến động thị trường, của thời tiết nắng nóng gay gắt, hạn hán, mưa bão tại các địa phương vùng Tây Nguyên, miền Trung, xâm nhập mặn tại các tỉnh, thành phố phía Nam; đặc biệt là cơn bão số 3 (Yagi) đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp các tỉnh phía Bắc.
Nhưng được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành đã thống nhất từ nhận thức và hành động, chuyển đổi mạnh mẽ sang tư duy kinh tế nông nghiệp,hội nhập quốc tế, bám sát thực tiễn, quyết tâm, quyết liệt, linh hoạt, nỗ lực, xoay chuyển tình thế, vượt qua khó khăn vướng mắc.
Nhờ vậy, năm 2024 ngành vẫn duy trì đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện, đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu, giá trị gia tăng toàn ngành đạt 3,3%, tổng kim ngạch xuất khẩu tòa ngành đạt mức cao kỷ lục 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023; Đặc biệt, thặng dư thương mại (xuất siêu) toàn ngành đạt 17,9 tỷ USD, tăng 46,8%.
Thành tựu của ngành NN&PTNT năm 2024 tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ, điểm tựa của nền kinh tế đất nước, đảm bảo an sinh xã hội quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu và sẵn sàng phát huy lợi thế để cùng với đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho biết, với mức xuất siêu gần 18 tỷ USD, xuất siêu năm 2024 của ngành nông nghiệp đã chiếm khoảng 71,6% xuất siêu cả nước (cả nước xuất siêu 25 tỷ USD)
Đây cũng là năm ngành nông nghiệp có mức thặng dư thương mại cao kỷ lục. Cụ thể, thặng dư thương mại năm 2015 đạt 8,17 tỷ USD; năm 2016 đạt 8,84 tỷ USD, tăng 8,2%; năm 2017 đạt 9,96 tỷ USD, tăng 12,66%; năm 2018 đạt 8,46 tỷ USD, giảm 15,06% ; năm 2019 đạt 9,27 tỷ USD, tăng 9,57%; năm 2020 đạt 10,89 tỷ USD, tăng 17,4%; năm 2021: 6,54 tỷ USD, giảm 40%; năm 2022 đạt 8,4 tỷ USD, tăng 33,2%; năm 2023 đạt 12,19 tỷ USD tăng 45,1%.
7 nhóm mặt hàng xuất khẩu trên 3 tỷ USD
Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho biết, trong tổng kim ngạch xuất khẩu 62,5 tỷ USD, xuất khẩu nông sản chính 32,8 tỷ USD, tăng 22,4%; chăn nuôi 533,6 triệu USD, tăng 6,5%; lâm sản chính 17,28 tỷ USD, tăng 19,4%; thủy sản 10,07 tỷ USD, tăng 12,2%.
Có 07 hàng/nhóm mặt hàng xuất khẩu trên 3 tỷ USD (tăng 01 sản phẩm so với năm 2023) gồm gỗ và sản phẩm gỗ 16,2 tỷ USD (tăng 20,3%); rau quả 7,12 tỷ USD (tăng 27,1%); gạo 5,75 tỷ USD (tăng 23% với lượng 9,18 triệu tấn, tăng 12,9%); cà phê 5,48 tỷ USD (tăng 29,1%), hạt điều 4,38 tỷ USD (tăng 20,2%); tôm 3,86 tỷ USD (tăng 14%); cao su 3,46 tỷ USD (tăng 19,6%).
Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, một trong những nguyên nhân để có được kết quả đó là do việc phê duyệt, triển khai các Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản sang các thị trường lớn (Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU) từ năm 2023, kết hợp triển khai các giải pháp mở cửa thị trường mới còn nhiều tiềm năng và đàm phán, ký kết các đơn hàng mới trong năm 2024 đã có hiệu quả.
Là ngành có kim ngạch xuất khẩu nằm trong Top 7 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam ((VINAFRUIT) đánh giá, rau quả là mặt hàng thế mạnh của Việt Nam, hiện có mặt trên hơn 60 thị trường. Nhiều sản phẩm chủ lực như xoài, chuối, sầu riêng… và đang đứng thứ nhì về xuất khẩu sang Trung Quốc – thị trường rau quả lớn nhất thế giới.
Kết quả xuất khẩu 7,2 tỷ USD của năm 2024, theo Chủ tịch VINAFRUIT là do sự tích lũy thành quả của các năm trước. Các loại cây ăn quả đa số đều cần thời gian đầu tư dài, từ 3-5 năm.
Số lượng rau quả xuất khẩu chính ngạch ngày càng tăng. Ví dụ, Trung Quốc hiện cấp phép 15 mặt hàng rau quả, góp phần những sản phẩm như sầu riêng, chuối, dừa… tăng trưởng tích cực.
Do đó, thị phần của rau quả Việt Nam tiếp tục tăng, chẳng hạn từ vị trí thứ 3 lên thứ 2 ở Trung Quốc, hay Hoa Kỳ tăng trưởng hơn 30%, Thái Lan tăng hơn 80%.
Cùng theo Chủ tịch VINAFRUIT, các hoạt động xúc tiến thương mại về rau quả được các cấp, các ngành, hiệp hội ngành hàng ngày càng quan tâm, đầu tư. Kết hợp với 16 FTA thế hệ mới, ngành rau quả ngày nay có rất nhiều cơ hội tiếp cận những thị trường tiềm năng.
Nhận định bối cảnh năm 2025, Chủ tịch VINAFRUIT Nguyễn Thanh Bình, cho rằng, chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, xung đột địa chính trị toàn cầu… là những thách thức lớn.
“Để xuất khẩu bền vững hơn, chúng ta cần quan tâm đến công nghệ sau thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực tuân thủ của doanh nghiệp. Đi cùng nhau, chúng ta sẽ đi được xa hơn”, ông nhấn mạnh.
Đồng thời kiến nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường, hỗ trợ xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia về các mặt hàng chủ lực.
Cùng với đó, có những thiết chế luật pháp chặt chẽ hơn, giúp bảo vệ những nhà sản xuất chân chính.
Tiếp đà thắng lợi của năm 2024, năm 2025, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,3 – 3,4%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 64 – 65 tỷ USD…