Chi tiết

Xung đột lợi ích leo thang, nhóm cổ đông lớn cho rằng Eximbank đang vi phạm tiêu chí trong chuẩn mực Basel

Xung đột lợi ích leo thang, nhóm cổ đông lớn cho rằng Eximbank đang vi phạm tiêu chí trong chuẩn mực Basel

Việc Eximbank muốn chuyển trụ sở ra Hà Nội đang còn nóng hổi trong dư luận, thì ngày 25/11/2024, ngân hàng này lại dậy sóng với việc Hội đồng quản trị (HĐQT) chấp thuận đưa kiến nghị của nhóm cổ đông sở hữu trên 5% vốn Eximbank: miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT của bà Lương Thị Cẩm Tú và ông Nguyễn Hồ Nam tại ĐHĐCĐ bất thường dự kiến được tổ chức vào ngày 28/11 tới đây.

Theo thông tin từ nhóm cổ đông sở hữu 5.66% tổng số cổ phần Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, HOSE: EIB), thì kiến nghị đó đã bộc lộ những bất cập trong điều hành, quản lý của một số thành viên HĐQT, cũng như vi phạm nhiều tiêu chí trong Chuẩn mực Basel (tiêu chuẩn quản lý rủi ro ngân hàng).

Theo đó, sự việc bắt đầu từ ngày 6/11/2024, khi một số thành viên HĐQT đã biểu quyết thông qua Nghị quyết số 366/2024/EIB/HĐQT về việc chấp nhận và đưa kiến nghị của nhóm cổ đông sở hữu trên 5% tổng số cổ phần phổ thông của Eximbank: Yêu cầu miễn nhiệm chức danh thành viên ban kiểm soát đối với ông Ngo Tony.

Yêu cầu này xuất phát từ đâu? Nhóm sở hữu 5.66% tổng số cổ phần Eximbank khẳng định: “Cuối cùng là muốn gạt bỏ ông Ngo Tony khỏi vị trí trưởng ban kiểm soát, là hành vi có liên quan đến việc ông Ngo Tony gửi báo cáo, phản ánh các sai phạm của một số thành viên HĐQT đến các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, Công văn số 5526/TTGSNH2 ngày 11/11/2024 của Ngân hàng Nhà nước đã chứng minh nội dung ông Ngo Tony phản ánh là chính xác”.

Cũng theo nhóm cổ đổ đông 5.66%, nhóm thành viên HĐQT này còn tiếp tục thực hiện việc loại bỏ hai thành viên HĐQT khác là ông Nguyễn Hồ Nam và bà Lương Thị Cẩm Tú, vì hai thành viên này luôn có quan điểm rõ ràng, không nghe theo, không bao che hay đồng lõa cho sai phạm.

Nhận định được nhóm cổ đông sở hữu 5.66% tổng số cổ phần Eximbank đưa ra, là trên phương diện pháp lý, việc ban hành các nghị quyết nêu trên là trái quy định của pháp luật, vi phạm quy định tại điều 45, điều 46 Luật các tổ chức tín dụng năm 2024; vi phạm điều 174 Luật doanh nghiệp năm 2020; vi phạm điều 63, điều 67 và điều 68 điều lệ Eximbank.

Nhắc lại thông tin ngày 5/11/2024, một số thành viên HĐQT bỏ phiếu thông qua tờ trình về việc chuyển đổi địa điểm đặt trụ sở chính của Eximbank từ TP.HCM về toà nhà Gelex Tower (Hà Nội), nhóm cổ đông 5.66% cho rằng vấn đề này đã dấy lên sự lo ngại của các cổ đông về tính độc lập, trung thực và khách quan khi thực hiện nhiệm vụ của nhóm thành viên HĐQT điều hành.

Ném quy trình ‘Giám sát – Minh bạch – Quản trị rủi ro’ vào sọt rác?

Phản ánh của nhóm cổ đông 5.66%, là theo quy định, các ngân hàng phải đạt các tiêu chí về Basel II do Ngân hàng Nhà nước yêu cầu. Tuy nhiên, trong quá trình theo dõi công tác quản trị điều hành của Eximbank, thì đang có dấu hiệu ngày càng rõ ràng về việc loại bỏ “Giám sát – Minh Bạch – Quản trị rủi ro”.

Cụ thể, ngoài việc đưa ra đề xuất bãi nhiệm trưởng ban kiểm soát (nhưng không đưa ra được lý do thuyết phục nào), thì trưởng ban kiểm soát còn bị hạn chế các quyền tiếp cận hồ sơ, công bố thông tin, và báo cáo cổ đông – cơ quan chức năng khi phát hiện rủi ro.

Việc này vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc số 10, 12, 13 của chuẩn mực Basel khi yêu cầu ngân hàng phải thực thi trách nhiệm giám sát, chia sẻ thông tin, và công bố rủi ro”, nhóm cổ đông sở hữu 5.66% này nhấn mạnh.

Theo quan điểm của họ, đến lúc này Ngân hàng Nhà nước phải vào cuộc ngay,  bởi việc một số thành viên HĐQT bất ngờ đề nghị bãi nhiệm 2 thành viên HĐQT có quan điểm phản biện, đứng về phía kiểm soát rủi ro… ngay trước thềm đại hội cổ đông bất thường của Eximbank vào ngày 28/11/2024 sắp tới, là việc làm cần nghiêm khắc đánh giá của Ngân hàng Nhà nước về các tiêu chí 2, 3 trong chuẩn mực Basel.

Do cấu trúc ngân hàng không có vị trí CRO (Giám đốc kiểm toán rủi ro) độc lập theo tiêu chí 6 của chuẩn mực Basel, Ban Giám sát và Thành viên HĐQT phải thực hiện nghiêm hoạt động giám sát rủi ro, công bố thông tin, báo cáo minh bạch thông qua phản biện. Mọi hành vi gây khó khăn hay tìm cách loại bỏ sự giám sát này sẽ mang lại sự rủi ro lớn về “Corporate Governance”, “Non-Compliance” và kết quả rủi ro tài chính, thanh khoản hay rủi ro sụp đổ đặc biệt trong tình hình hiện nay. Sự loại bỏ hay vô hiệu hóa các nhân sự đóng góp vào giám sát rủi ro như Trưởng Ban Kiểm soát hay các thành viên HĐQT có quan điểm đề cao quản trị rủi ro sẽ cần sự kích hoạt của vai trò giám sát đặc biệt của cơ quan chức năng, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước đối với hoạt động của HĐQT Eximbank”, nhóm cổ đông 5.66% nêu quan điểm.

Cần cơ quan chức năng vào cuộc

Theo quan điểm của nhóm cổ đông 5.66%, Eximbank đang vi phạm nhiều Tiêu chí trong Chuẩn mực Basel có thể gây các rủi ro ở cấp độ rộng, ảnh hưởng nền kinh tế và tín nhiệm Quốc gia.

Chúng tôi đề xuất Ngân hàng Nhà nước gấp rút thiết lập cơ chế giám sát đặc biệt hoạt động của HĐQT và Ban Giám đốc Eximbank, đồng thời rà soát lại các tiêu chí Corporate Governance (quản trị doanh nghiệp) của Eximbank để định lượng lại việc tuân thủ Chuẩn mực Basel, trong đó quan trọng nhất là hoạt động giám sát rủi ro, kiểm soát rủi ro, và cấu trúc thành viên của HĐQT đủ độ đa dạng, đủ sự độc lập, và đủ bản lĩnh thực thi nhiệm vụ”, nhóm này kiến nghị.

Cũng theo họ, cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần có công văn yêu cầu Eximbank thực hiện rà soát và đánh giá công tác cấp tín dụng, quản trị ngân hàng, nhằm đảm bảo Eximbank phát triển ổn định, an toàn. Tuy nhiên, một số thành viên HĐQT vẫn không chấp hành yêu cầu, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo; tiếp diễn sai phạm, dẫn đến sai phạm sau nghiêm trọng hơn sai phạm trước.

Vấn đề nóng bỏng hiện nay tại Eximbank, là để làm sáng tỏ mọi vấn đề, thì các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc xác minh, điều tra, làm rõ đúng – sai của các cá nhân có trách nhiệm tại đây, nhằm đảm bảo an toàn hệ thống Eximbank, bảo vệ lợi ích chính đáng của tất cả các nhà đầu tư, cổ đông, củng cố niềm tin của nhân dân về tinh thần thượng tôn pháp luật.

Thanh Nguyễn

FILI



Source link