Chi tiết

Yếu tố sống còn của doanh nghiệp ngành gỗ

Theo ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, trong tháng 12/2024, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,55 tỷ USD, tăng 6% so với tháng 11/2024 và tăng 15,8% so với 12/2023.

1t7.jpg
Luỹ kế cả năm 2024, kim ngạch xuất khẩu lâm sản ước đạt mức kỷ lục 17,3 tỷ USD, tăng 19,4% so với năm 2023.

Trong đó, riêng sản phẩm gỗ ước đạt 1,1 tỷ USD, tăng 7,5% so với tháng 11/2024 và tăng 15,5% so với tháng 12/2023. Tính cả giá trị lâm sản ngoài gỗ, kim ngạch xuất khẩu nhóm lâm sản trong tháng 12/2024 ước đạt 1,68 tỷ USD.

Luỹ kế cả năm 2024, kim ngạch xuất khẩu lâm sản ước đạt mức kỷ lục 17,3 tỷ USD, tăng 19,4% so với năm 2023. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ khoảng 16,3 tỷ USD, còn lại là lâm sản ngoài gỗ. Giá trị xuất siêu của toàn ngành lâm nghiệp năm 2024 ước khoảng 14,4 tỷ USD.

Bản sao nganh-go-1-3246
Năm 2025, toàn ngành đặt mục tiêu tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 4,5 – 5% với mục tiêu xuất khẩu đạt khoảng 18 tỷ USD.

Năm 2025, toàn ngành đặt mục tiêu tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 4,5 – 5% với mục tiêu xuất khẩu đạt khoảng 18 tỷ USD theo Cục Lâm nghiệp.

Tuy nhiên, triển vọng xuất khẩu của ngành gỗ trong năm 2025 phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm sự phục hồi kinh tế toàn cầu, nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường lớn, chính sách thương mại, và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành.

Nói như ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST), hiện Việt Nam đã xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đến trên 160 quốc gia và vùng lãnh thỗ. Với việc hội nhập sau như vậy, ngành gỗ đang bị “nội soi” rất kỹ và phải ứng phó với nhiều vụ việc phòng về thương mại với những cơ hội và thách thức đan xen.

Theo đó, các thị trường xuất khẩu chính mang lại triển vọng xuất khẩu cho ngành gỗ, trong đó, dẫn đầu là thị trường Hoa Kỳ, nhưng áp lực cạnh tranh mạnh từ các nhà cung cấp khác như Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, điều này yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam chú trọng phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng.

Tiếp theo là thị trường EU, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) tiếp tục mang lại lợi thế thuế quan, mở rộng cơ hội cho gỗ và sản phẩm chế biến. Tại thị trường Trung Quốc, nhu cầu tăng cao do sự phát triển đô thị hóa và xây dựng.

“Việc EU lùi thời gian áp dụng Quy định không gây mất rừng (EUDR) đến ngày 30/12/2025 đối với các công ty lớn và 30/6/2026 đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo thêm thời gian cho doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị”, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch VIFOREST nhận định.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng những thay đổi về chính sách của Hoa Kỳ hay xu hướng mua sắm “xanh” của các thị trường lớn cũng mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp gỗ khi đáp ứng nhu cầu về vật liệu xây dựng và nội thất bền vững. Những cơ hội từ sự dịch chuyển đầu tư và thương mại toàn cầu, cùng với sự đầu tư vào chuyển đổi số, quản trị chuỗi cung ứng và phát triển bền vững không chỉ giúp doanh nghiệp thích nghi với các thay đổi của thị trường mà còn mở ra cánh cửa vươn tới những thị trường tiềm năng trong tương lai.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng được yêu cầu khắt khe hơn về nguồn gốc gỗ hợp pháp. Các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ… ngày càng thắt chặt yêu cầu về xuất xứ gỗ, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao kiểm soát chuỗi cung ứng.

Trong khi đó, các thị trường như Indonesia, Thái Lan và Malaysia đều là các đối thủ cạnh tranh mạnh trong khu vực; nguy cơ suy giảm kinh tế tại các thị trường lớn có thể ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ. Vì vậy, ngành gỗ cần chuẩn bị kỹ để vượt qua thách thức và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ thị trường quốc tế.

Để đạt được kết quả con số xuất khẩu 17,5 – 18 tỷ USD, ông Đỗ Xuân Lập, năng lực cạnh tranh là yếu tố sống còn của doanh nghiệp. Doanh nghiệp ngành gỗ phải đáp ứng các yêu cầu của thị trường nhập khẩu như sản xuất minh bạch, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, có mẫu mã đẹp và giá cả hợp lý. Các doanh nghiệp cần đầu tư vào chuyển đổi số, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc minh bạch để đáp ứng yêu cầu của các quy định quốc tế như EUDR.

Đặc biệt, có sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp, hiệp hội và cơ quan nhà nước để có giải pháp ứng phó kịp thời với các chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ. Đặc biệt, việc xác nhận xuất xứ hàng hóa (CO) là công cụ quan trọng chống lại gian lận thương mại. Doanh nghiệp cần sẵn sàng ứng phó với các cuộc điều tra chống bán phá giá hoặc các biện pháp phòng vệ thương mại, thông qua việc nâng cao năng lực pháp lý và cải thiện quản trị rủi ro. Đồng thời, phát triển các nhà máy “xanh” và tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế về môi trường để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Nguồn